Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Có những sức mạnh của văn chương mà điện ảnh khó chạm tới'

Nhà báo chuyên viết về điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ rằng có những cuốn sách anh đọc sau khi xem phim chuyển thể và nhận thấy "văn chương có những sức mạnh mà điện ảnh khó chạm tới được".

le hong lam anh 1

- Trong ký ức còn nhớ được, tựa sách đầu tiên tôi đã đọc

- Tôi không thể nhớ được cuốn sách đầu tiên mình đọc, nhưng có thể kể ra tên của một số cuốn sách yêu thích thời niên thiếu như Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Chú bé có tài mở khóa của Nguyễn Quang Thân… cùng một số sách Nga của Nhà xuất bản Cầu Vồng.

- Cuốn sách yêu thích của tôi thuở nhỏ

- Cuốn để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên. Những trang văn rất đẹp và tinh tế của ông được viết bằng một thứ tiếng Việt nhuần nhị khơi gợi tình yêu quê hương. Như ông viết, "quê hương của mỗi người, nếu nói về nó bằng tình yêu chân thật, từ trái tim mình, thì cũng mang dáng dấp quê hương của bất kỳ ai khác, trong sự đồng điệu của tâm hồn". Sau nhiều năm đọc lại, tôi vẫn rất yêu thích tác phẩm này của ông.

- Cuốn sách đã thay đổi tôi trong độ tuổi thành niên

- Trong giai đoạn sinh viên, tôi đọc khá hệ thống văn chương của các tác giả Việt Nam hiện đại. Và những tác phẩm trong thời đổi mới của các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… để lại ấn tượng cho tôi mạnh mẽ nhất.

Với văn chương nước ngoài, giai đoạn này tôi bắt đầu đọc Dostoevsky và Tolstoy. Hai tác giả lớn của Nga này mang lại cho tôi một tình yêu văn chương và cũng giúp tôi kích thích tư duy.

le hong lam anh 2

- Tác giả đã thay đổi tư duy, thế giới quan của tôi

- Dostoevsky với Tội ác và hình phạt, Lũ người quỷ ám, Những đêm trắng.

Hermann Hess với Câu chuyện dòng sông.

Nikos Kazantzaki với Alexis Zorba - Con người hoan lạc.

Lão Tử với Đạo đức kinh (qua bản dịch và chú giải của Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

- Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho tôi viết lách, sáng tác

- Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami. Đây là một cuốn tiểu luận, hoặc cũng có thể coi là một cuốn hồi ký viết về chạy bộ như một bộ môn thể thao có gắn kết chặt chẽ với kỷ luật viết của nhà văn ăn khách này. Ông rèn luyện cơ bắp và cả sức khỏe tinh thần để sản sinh dopamine mang lại cảm hứng viết mỗi ngày. Tôi rất thích đoạn viết về lý do ông bắt đầu chạy bộ:

"Dù sao đi nữa, tôi đã bắt đầu chạy như vậy đó. Ba mươi ba là tuổi tôi hồi ấy. Vẫn còn khá trẻ, dù không còn là một 'chàng trai trẻ' nữa. Cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fritzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể coi là một giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia".

Có những cuốn sách đọc lại ở tuổi ngoài 40, tôi mới "thấm" hết được những giá trị của nó và thấy chúng hay hơn hẳn khi đọc lần đầu.

Lê Hồng Lâm

- Cuốn sách lần đầu đọc không "thấm", nhưng khi đọc lại tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn

- Không đến mức thay đổi hoàn toàn, nhưng có những cuốn sách đọc lại ở tuổi ngoài 40, tôi mới "thấm" hết được những giá trị của nó và thấy chúng hay hơn hẳn khi đọc lần đầu cách đây hơn hai thập kỷ. Đó là Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez và Bố già của Mario Puzo.

- Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần

- Alexis Zorba - Con người hoan lạc của Nikos Kazantzaki, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Rừng Na uyBiên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng và Kim Các tự của Mishima Yukio.

- Cuốn sách mãi về sau này tôi mới phát hiện

- Moby Dick của Herman Melville và Châu Phi nghìn trùng của Isak Dinesen. Đây là hai tác phẩm mà tôi xem phim chuyển thể trước và khá ấn tượng. Nhưng chỉ đến khi đọc hai cuốn sách gốc, tôi mới thấy có những sức mạnh của văn chương mà điện ảnh khó chạm tới được.

- Cuốn sách hiện tại tôi đang đọc

- Đường hẹp lên miền bắc thẳm của Richard Flanagan. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker năm 2014 này khiến tôi cảm giác được đắm chìm vào bầu không khí đậm chất văn chương của nó. Với tôi, nó là một trong vài cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker hay nhất, cùng với Bệnh nhân người Anh của Michael Ondaatje và Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro.

- Cuốn sách mang lại cho tôi cảm giác thật thoải mái, dễ chịu

- Hai cuốn tiểu thuyết trào lộng về hai ông già Bắc Âu là Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của Jonas Jonasson và Người đàn ông mang tên Ove của Fredrik Backman.

Sách điện ảnh mang lại cho tôi những bài giảng điện ảnh quý báu và giá trị mà tôi nghĩ không một trường điện ảnh nào có thể dạy được.

Lê Hồng Lâm

- Cuốn sách dạy tôi nhiều nhất về nghệ thuật điện ảnh

- Những bài học điện ảnh gồm hai tập của Lauren Tirard với 40 bài học từ những tên tuổi lớn của điện ảnh đương đại, giúp tôi được tiếp cận với quan điểm và phong cách cá nhân đặc sắc của những tác giả lớn như Martin Scorsese, David Lynch, Pedro Almodovar, Vương Gia Vệ…

Tất nhiên, còn khá nhiều cuốn sách khác viết về nghệ thuật điện ảnh mà tôi thích, như Điện ảnh Vương Gia Vệ của John Powers hay Thế giới Miyazaki của Susan Napier…

Những cuốn sách điện ảnh về những tên tuổi lớn của nghệ thuật thứ 7 này mang lại cho tôi những bài giảng điện ảnh quý báu và giá trị mà tôi nghĩ không một trường điện ảnh nào có thể dạy được.

Lê Hồng Lâm chuyên viết về điện ảnh, là tác giả của các cuốn sách Xem chữ đọc hình (2005), Chơi cùng cấu trúc (2009), Cánh chim trong gió (2016), Sự lưỡng nan của tình thế làm người (2018), 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (2018), bản tái bản 2024 vừa phát hành vào đầu tháng 7.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm