Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ báo cáo phương án đánh trả máy bay B-52 (năm 1972). Ảnh: QĐND. |
Chiến dịch Đông Xuân đã làm thay đổi cục diện chiến trường toàn quốc và toàn Đông Dươn, phá tan kế hoạch mở rộng chiến tranh của địch. Địch mong tăng cường và tập trung lực lượng nhưng lực lượng của địch bị tổn thất rất nặng, chủ lực của chúng bị phân tán hơn bao giờ hết. Địch mong bình định địch hậu và đánh chiếm vùng tự do của ta, song những căn cứ du kích của ta ở sau lưng địch được củng cố và mở rộng hơn trước, trong khi đó thì vùng tự do của ta ngày càng thêm vững chắc.
Địch mong chuyển phòng ngự sang tấn công để giành lại chủ động, nhưng địch bị ta tấn công trên khắp các mặt trận, bị thất bại liên tiếp và ngày càng bị động. Địch mong giành lấy một thắng lợi quyết định trong 18 tháng để kết thúc chiến tranh, nhưng chúng đã bị đại bại ở Điện Biên Phủ, buộc phải rút khỏi miền nam đồng bằng Bắc Bộ và buộc phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Miên.
Toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phấn khởi vì chiến thắng Đông Xuân, đã đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường, xúc tiến mọi mặt công tác. Tin chiến thắng đã thổi một luồng gió thi đua sôi nổi giữa các ngành hoạt động. Tin chiến thắng từ tiền tuyến bay về đã làm nức lòng anh chị em nông dân, làm cho anh chị em càng hăng hái tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất và đẩy mạnh thi đua sản xuất. Tin chiến thắng từ trong nước bay ra đã làm rung chuyển dư luận thế giới, làm cho nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới vui mừng phấn khởi, làm cho bọn gây chiến và bè lũ phản động hoang mang lo sợ.
Chiến thắng Đông Xuân là một đòn rất nặng đã góp phần đánh đổ bọn phản động Lanien, Biđôn và bọn Việt gian Bửu Lộc, đồng thời nó là một cống hiến lớn lao cho sự thành công của Hội nghị Giơnevơ, cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ của nhân dân Đông Dương và cho sự nghiệp hòa bình thế giới. Chiến thắng Đông Xuân rất vĩ đại. Có chiến thắng Đông Xuân, chủ yếu do phương châm chiến lược rất đúng đắn của Trung ương, phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Vì vậy, bài học kinh nghiệm chủ yếu của chiến thắng Đông Xuân là bài học về phương châm chỉ đạo chiến lược của Trung ương. Trung ương và Hồ Chủ tịch đã căn cứ vào chủ nghĩa Mác - Lênin mà phân tích tình hình và đề ra phương châm chiến lược chính xác cho chúng ta. Vì vậy, thắng lợi Đông Xuân là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin... của sự chỉ đạo quân sự của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch.