Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thách thức với xuất bản sách số

Chi phí cho công nghệ mới, đào tạo nhân sự, sản xuất nội dung phù hợp với bối cảnh mới... là những vấn đề mà các nhà xuất bản quan tâm khi tham gia vào xuất bản điện tử.

Sach dien tu anh 1

Ảnh minh họa: Thanh Trần.

Với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng trong năm 2022, không khó để nhìn thấy xuất bản điện tử đã trở thành một nhu cầu cấp thiết cho các nhà xuất bản và đơn vị phát hành trong những năm gần đây. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu tiện lợi của thế hệ độc giả trẻ, xuất bản điện tử vừa là thời cơ lớn vừa là thách thức lớn cho các nhà xuất bản.

Trăn trở của các nhà xuất bản

Sau một chặng đường hơn 10 năm vừa nghiên cứu, đầu tư, đến nay đã có 19/57 nhà xuất bản, chiếm 33,3% tổng số nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021), ngoài ra còn có 13 doanh nghiệp phát hành tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử với các loại hình sản phẩm đa dạng.

Tuy số liệu năm 2022 cho thấy sự tăng trưởng lớn so với trước, nhìn chung sự đầu tư, phát triển của thị trường xuất bản phẩm điện tử “chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp được xu hướng phát triển của công nghệ, sự do dự trong đầu tư, phát triển quy trình,...” như lời ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành nhận xét trong hội nghị ngày 18/2.

Chia sẻ với Zing, ông Trương Văn Trung, trưởng ban Truyền thông & Văn hóa đọc Nhà xuất bản Thể thao & Du lịch, cho biết đơn vị đã có ý định hướng đến chuyển đổi số từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đến 1-2 năm trở lại đây mới có thể bắt tay vào triển khai và dự kiến ra mắt mảng xuất bản điện tử trong năm nay.

“Có 3 vấn đề mà chúng tôi quan tâm đó là: công nghệ lưu trữ cho xuất bản điện tử; nghiệp vụ xuất bản số cho phù hợp với xu hướng, bối cảnh hiện tại và cuối cùng là khâu phát hành. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề phát hành các ấn phẩm điện tử ra cộng đồng làm sao để sản phẩm đến được với khách hàng có nhu cầu”.

Sach dien tu anh 2

Số lượng nhà xuất bản được xác nhận tham gia xuất bản điện tử từ 2016-2022, theo số liệu từ Cục Xuất bản, in và phát hành. Ảnh: Thanh Trần.

“Bạn đọc, tác giả, bảo vệ bản quyền, công nghệ đổi mới mỗi ngày đối với các nhà xuất bản kinh doanh ebook là điều đáng lo", bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sách Điện tử, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM chia sẻ.

Sau 2 năm tham gia xuất bản điện tử, bà Phương cho biết bài toán kinh phí đầu tư cho nền tảng công nghệ luôn đổi mới mỗi ngày vẫn còn nan giải đối với nhà xuất bản. Công nghệ trước đây đã có giải pháp bảo vệ tác quyền, bảo mật thông tin như mã hóa file trước khi đăng tải. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay đặt ra nhu cầu có những giải pháp bảo mật cao hơn, các tính năng nhiều hơn như chèn được hình ảnh, âm thanh, video,…

Nội dung mới, cách tiếp cận mới

Chia sẻ về kế hoạch xuất bản các phẩm phẩm điện tử, ông Trương Văn Trung cho biết mục tiêu của nhà xuất bản là tập trung vào xây dựng nội dung mới, sản phẩm mới cho nền tảng số. Ngoài ra, tỷ lệ sách cũ được chuyển đổi số ít hơn, chiếm đến khoảng 20-30%.

“Những tác phẩm đã xuất bản thường kéo theo vấn đề liên quan đến bản quyền hoặc nội dung chưa phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới là ngắn gọn, dễ đọc trên nền tảng số. Vì thế, mục tiêu chủ yếu là tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người đọc hiện đại, chẳng hạn như sách tinh gọn, sách tóm tắt,...”, ông giải thích.

Sách tinh gọn, sách thường thức cũng là nội dung đang được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đẩy mạnh. “Thị trường sách tinh gọn, sách điện tử đã có bước phát triển trên thế giới dựa trên nền tảng công nghệ và đạt được doanh thu đáng kể. Điều này cho thấy tiềm năng của thể loại sách tinh gọn, sách thường thức trên thế giới và Việt Nam”, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, phát biểu trong hội nghị ngành xuất bản ngày 17/2.

Theo bà, đối với xuất bản điện tử nói chung và sách tinh gọn nói riêng, các cơ quan chủ quản, các đơn vị xuất bản cần tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của mình như xây dựng phần mềm tạo lập và tích hợp dữ liệu, phần mềm biên tập, phần mềm duyệt bản thảo, thiết kế chế bản, in ấn và truyền thông, phần mềm xuất bản của sách điện tử đa phương tiện... Bên cạnh đó, cần phải đổi mới nguyên tắc đào tạo nhân sự nhằm đáp ứng được nhu cầu của các nhà xuất bản trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số trong ngành xuất bản tuy không phải là một vấn đề quá mới. Song, nhu cầu chuyển đổi đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh phải bắt kịp các tiến bộ công nghệ cũng như những lợi ích mà xuất bản điện tử mang lại.

Với sự xuất hiện của các đơn vị xuất bản và phát hành trên không gian mạng, chị Phương nhận thấy các trang ebook lậu đã có dấu hiệu giảm (tuy vẫn còn). Bên cạnh đó, lượt truy cập, lượt đọc đều tăng, đặc biệt là các thư viện trường - thư viện cộng đồng cho thấy nhu cầu tăng cường bổ sung phiên bản điện tử để bắt kịp xu hướng của độc giả.

“Xuất bản điện tử góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy đọc sách bởi vì hiện nay, công nghệ là con đường đi nhanh nhất, trực tiếp nhất từ nhà xuất bản/phát hành đến tay người người tiêu dùng và cũng dễ dàng tùy chỉnh theo nhu cầu thực tế của khách hàng”, ông Trung cho biết.

15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử trong năm 2022

Số đầu xuất bản phẩm điện tử 2022 ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.

Những giải pháp công nghệ cho xuất bản điện tử

Bên cạnh việc khuyến khích chuyển đổi số, các yêu cầu về giải pháp công nghệ, bảo mật dữ liệu, tiện ích cho bạn đọc, giá thành hợp lý... là bài toán cần lời giải.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm