Sách nói là định dạng tăng trưởng cao trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Trần. |
2022 là năm sách điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Số sách điện tử làm ra, lượng sử dụng đều tăng. Nằm trong xu thế chung của thế giới, sách nói là định dạng tăng trưởng cao.
Tiềm năng của xuất bản phẩm điện tử
Trong bức tranh chung, TP.HCM là nơi đầy tiềm năng cho xuất bản phẩm điện tử, theo chia sẻ của ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - tại Hội thảo giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử ngày 18/2.
Với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng trong năm 2022, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khá cao, khoảng 312% so với năm 2021.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khoảng 312%. Ảnh: Thanh Trần. |
Ông cũng cho biết sắp tới TP.HCM sẽ là nơi đi đầu trong việc đo lường thời gian nghe - đọc của người dân thành phố nhằm có những đánh giá chính xác nhất về nhu cầu và xu hướng đọc sách của người dân.
“Trăn trở lớn nhất trong thời gian tới chính là làm sao có thể giúp các đơn vị chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc tạo điều kiện các các đơn vị xuất bản có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các công nghệ với các nhà xuất bản… các cơ quan quản lý có thể tham gia trong việc đánh giá an toàn thông tin, hỗ trợ về mặt kỹ thuật”, ông nói.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện ứng dụng sách nói Voiz FM cho biết trong năm vừa qua, trung bình mỗi người dùng nghe trên 6 cuốn sách/năm, tương đương với số sách trung bình của người Việt Nam trong 2022..
"Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội trong việc chia sẻ các ấn phẩm điện tử. Các loại sách xuất bản đã đa dạng hơn và độc giả có nhiều lựa chọn hơn như sách nói, sách điện tử đa phương tiện, sách tinh gọn, sách tóm tắt... Giống thị trường sách nói đang ngày càng phát triển, việc đầu tư vào dòng sách tinh gọn không hề cản trở mà còn giúp mở rộng đối tượng độc giả, đáp ứng nhu cầu đọc sách đa dạng", bà Nguyễn Hoài Anh - Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - chia sẻ.
"Sách điện tử cũng là một công cụ truyền thông, quảng bá sách rất tốt. Không chỉ dễ dàng truyền thông, các sách điện tử còn có thể là một yếu tố thúc đẩy văn hóa đọc và nhu cầu đọc sách in", bà Ngô Thị Ly - Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Trạm Đọc - nói thêm.
Xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu thưởng thức sách của người dân đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức cả về chính sách, công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm phục vụ công chúng. Những số liệu có được sẽ là cơ sở quan trọng để điều chỉnh cách thức quản lý, cũng như kịp thời hỗ trợ các đơn vị xuất bản nội dung số trong việc tiếp cận với độc giả.
“Con đường đến với văn hóa đọc hiện nay rất đa dạng, thói quen của người đọc đang thay đổi, trong đó số liệu cho thấy trung bình mỗi ngày người dân Việt Nam dành khoảng 2,5 giờ để lướt Internet. Người đọc đang đọc nhiều hơn chúng ta nghĩ. Và không phải chúng ta rời xa văn hóa đọc, chúng ta chỉ chưa nhìn thấy toàn cảnh”, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận xét.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nói cần tạo nền tảng đọc tốt và hình thành thế hệ người sáng tạo mới cho sách điện tử. Ảnh: Thanh Trần. |
Mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025
Ngày 7 tháng 9 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Quyết định số 1384/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành giai đoạn 2021-2025, với tầm nhìn phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số.
Theo đó Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn này. Về quy trình xuất bản, phát hành đến năm 2025, số lượng xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) sẽ chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số xuất bản phẩm xuất bản hàng năm và 90% nhà xuất bản thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số.
Về kết nối, chia sẻ thông tin trên hệ thống cổng thông tin điện tử, mục tiêu năm 2025 sẽ đạt được 100% các đơn vị trong ngành hoàn thành việc kết nối, cung cấp, lưu trữ hệ thống dữ liệu về hoạt động xuất bản trong nước, khu vực và quốc tế.
Việc kết hợp các nền tảng công nghệ để đưa sách nói, sách đọc tiếp cận được với người dùng cũng là mục tiêu được chú trọng, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, cần xây dựng hình thức giao dịch bản quyền trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, xây dựng các mạng kết nối của ngành xuất bản để kết nối giữa bạn đọc, người làm sách và người viết sách.
"Chúng tôi nghĩ rằng đất nước sẽ tốt hơn nếu người dân đến với sách nhiều hơn. Với nhu cầu sử dụng Internet như hiện tại, tôi mong chúng ta có thể có một nền tảng gợi ý cho chúng ta đọc sách bên cạnh các nội dung giải trí khác. Ngoài ra, nên sớm nghĩ tới việc tạo ra một thế hệ người viết mới chuyên viết cho nền tảng số, có sản phẩm phù hợp với đối tượng độc giả mới", ông Nguyễn Thanh Lâm góp ý.