Sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật của Vũ Hiệp. Ảnh: VH. |
Cuốn sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật tiếp nối mạch nghiên cứu theo 4 công trình trước của Vũ Hiệp là Tinh thần khai phóng của nghệ thuật (2015), Đô thị Việt Nam - góc nhìn từ những nơi chốn (2016), Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (2018) và Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (2019).
Kết hợp tri thức chuyên ngành của mình trong lĩnh vực kiến trúc - đô thị với những tri thức đương đại của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Vũ Hiệp xây dựng một mô hình cô đọng về sự kiến tạo các nền nghệ thuật - kiến trúc. Mô hình này là một tam giác ba đỉnh: Cá tính tập thể, Tự sự cộng đồng và Huyền thoại, với cạnh đáy là Trường và chiều cao là Mạch (Trường và Mạch ở đây tương ứng với hai trục Không gian và Thời gian).
Trong quá trình nghiên cứu sâu và rộng về nghệ thuật Việt Nam, Vũ Hiệp đã đưa ra được một gợi ý định hình bộ gen nghệ thuật nước ta với 6 cá tính chính: Lai, Tùy, Hòa, Nôm, Bỡn, Ngoa.
Sáu cá tính nổi bật trong nghệ thuật Việt Nam
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách sáng 1/3 tại không gian Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, tác giả Vũ Hiệp cho biết công trình nghiên cứu này của ông là một nỗ lực tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam trong sự so sánh, đối chiếu với các nền nghệ thuật trên thế giới. Sự kiến tạo các nền nghệ thuật ra đời từ sự kết hợp lịch sử nghệ thuật, lý thuyết nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, được viết với cấu trúc mở.
Ở công trình thứ tư này, Vũ Hiệp chọn cách tiếp cận nghệ thuật từ xã hội học và tâm lý học, từ đó, ông bàn về tính tập thể trong nghệ thuật và phương thức nhận diện một nền nghệ thuật.
Tam giác kiến tạo nghệ thuật được ông Vũ Hiệp trình chiếu. |
Trong Sự kiến tạo các nền nghệ thuật, nhà nghiên cứu đã đề xuất mô hình tam giác kiến tạo nghệ thuật với ba đỉnh: Cá tính tập thể; Tự sự cộng đồng và Huyền thoại.
Trao đổi tại buổi giao lưu ra mắt sách, tác giả giải thích rằng Cá tính tập thể là những đặc trưng nghệ thuật của một cộng đồng, được phản ánh qua tâm lý tập thể (tính cách dân tộc và tri giác dân tộc). Sáu cá tính nghệ thuật chính được nêu ra trong Sự kiến tạo các nền nghệ thuật là Lai (tính chiết trung, lai ghép), Tùy (tính linh hoạt, tùy biến), Hòa (tính hòa thuận, nhẫn nhịn), Nôm (tính nôm na, đại ý), Bỡn (tính hài hước, xỏ xiên), Ngoa (tính khoác lác, ngoa dụ). Cần lưu ý rằng 6 cá tính này không phản ánh toàn diện nền nghệ thuật Việt Nam mà chỉ là 6 cá tính nổi bật mà nhà nghiên cứu quan sát được.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh tự sự cộng đồng, ông Vũ Hiệp cũng nêu lên một số phương thức tự sự nổi bật. Tự sự cộng đồng được ông định nghĩa là cách thức một cộng đồng (dùng nghệ thuật) bày tỏ mình, nhằm giải đáp các câu hỏi về nguồn gốc, vận hành, triển vọng của nó. Ông cho rằng trong quá trình tự sự cộng đồng, cần lưu ý 3 điều: ý chí chính trị, mưu lược cạnh tranh, nguồn lực tài chính.
Về khía cạnh Huyền thoại, ông Vũ Hiệp cho đây như cái lõi tâm lý con người, cố kết cộng đồng trong vô thức tập thể của mỗi cá nhân. Huyền thoại có tính dân tộc, thể hiện trong khái niệm Tộc mẫu (Archetype).
Tác giả Vũ Hiệp. Ảnh: FBNV. |
Cuốn sách lý luận có tính phổ quát cao
PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết ông rất ấn tượng với nội dung cuốn sách nghiên cứu và cho rằng những cuộc trao đổi học thuật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật, cho rằng lối nghiên cứu của ông Vũ Hiệp khác với các nhà nghiên cứu khác. Bà cho rằng sách nghiên cứu của Vũ Hiệp rất dễ hiểu, người không rành về nghệ thuật cũng đọc được.
Vũ Hiệp có cách nhìn bao quát về lịch sử, xã hội và nghệ thuật và đã có đóng góp lớn cho ngành lý luận phê bình nghệ thuật. Những đóng góp của ông được giới phê bình ghi nhận với những giải thưởng như Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2017 (giải đồng), năm 2019 (giải bạc), năm 2021 (giải đồng); Giải B Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019; Tặng thưởng mức A Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2020.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao hướng tiếp cận liên ngành của cuốn sách của Vũ Hiệp và hy vọng cách tiếp cận này sẽ tiếp tục lan tỏa trong giới nghiên cứu kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều kiến trúc sư, họa sĩ, nhà nghiên cứu cũng đã dành lời khen cho giá trị nghiên cứu của cuốn sách, cho rằng Sự kiến tạo các nền nghệ thuật góp phần thúc đẩy nền nghiên cứu, lý luận nghệ thuật ở Việt Nam.