Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản sắc dân tộc trong bức vẽ là bảo vật quốc gia

Sáng 20/2, các nhà nghiên cứu, người yêu nghệ thuật đã bàn luận về tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí và vị trí, tầm quan trọng của ông trong nền hội họa.

Trích đoạn tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Nguyên Art Gallery.

Những đóng góp của Nguyễn Gia Trí với nền hội họa Việt Nam đã được đông đảo người yêu nghệ thuật công nhận. Ông được xem là họa sĩ đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật hội họa mới - sử dụng và biến hóa chất liệu sơn ta truyền thống trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, sáng tạo nên những tác phẩm hiện đại mà vẫn đậm tính dân tộc.

Sáng 20/2, tọa đàm “Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX” đã bàn luận về bản sắc dân tộc, giá trị nghệ thuật và tư tưởng trong tranh của Nguyễn Gia Trí. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia am hiểu nghệ thuật như PGS.TS Phùng Ngọc Kiên, họa sĩ Nguyễn Vi Thủy, TS Nguyễn Mạnh Tiến, TS Đoàn Ánh Dương và nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Họa sĩ Nguyễn Vi Thủy cho rằng danh họa Nguyễn Gia Trí đã định hình được bản sắc hội họa của mình từ sớm. “Người Việt Nam chúng ta có tinh thần phản kháng mạnh, sợ bị đồng hóa, một phản xạ tự nhiên về ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc”.

TS Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng Nguyễn Gia Trí là người có công lớn trong việc tạo dựng hình ảnh nghệ thuật mới của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, bằng cách biến sơn ta thành kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, quy trình vẽ đi ngược lại với vẽ tranh sơn dầu khiến cho người Phương Tây cũng không thể hiểu được, từ đó, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu này trong nền mỹ thuật dân tộc hiện đại.

Yếu tố dân tộc còn nằm ở chủ đề tranh của Nguyễn Gia Trí khi ông tập trung vào những hình ảnh thân thuộc như phong cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, cây cỏ, đời sống sinh hoạt hàng ngày của làng quê...

My thuat Viet Nam anh 1

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Thethaovanhoa.

Bà Nguyễn Vi Thủy cũng cho rằng tinh thần yêu nước thấm đẫm trong các lựa chọn nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí. Trong bức Vườn xuân Trung, Nam, Bắc, Nguyễn Gia Trí vẽ gợi lên những cái đẹp rất tự nhiên, Họa sĩ Nguyễn Vi Thủy so sánh tinh thần bay bổng trong bức tranh này với bức Mùa xuân của Sandro Botticeli và gọi “Nguyễn Gia Trí là Botticeli của Việt Nam”.

“Vào thời điểm danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ bức này, ngôn ngữ hiện thực là thứ ngôn ngữ mà những họa sĩ đương thời đề cao, Nguyễn Gia Trí chọn cách vẽ bay bổng, chìm sang thế giới kỳ ảo đặc biệt”, họa sĩ Nguyễn Vi Thủy nói. “Nếu nhìn tranh của Nguyễn Gia Trí rồi nhìn những bức sơn mài cùng thời khác, ta sẽ thấy ông rất khác biệt ở sự tự do, tự tại, bay bổng trong tinh thần. Ông không bị lệ thuộc bởi hoàn cảnh xung quanh hay xu hướng chung mà mọi người đi”.

Bà cho rằng hướng đi này chính là cách Nguyễn Gia Trí thể hiện tình yêu với nghệ thuật, biến nghệ thuật thành của riêng ông. Nhìn tranh của Nguyễn Gia Trí, ta thấy rõ lớp lang, sự phân cảnh, yếu tố tự sự và sự thăng hoa trong nghệ thuật.

Theo Nguyễn Vi Thủy, với danh họa Nguyễn Gia Trí, cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật của ông được đầu tư vào sơn mài. Ông suy nghĩ không tính toán, coi người với tranh là một. Ông cho rằng trong sơn mài có tính trừu tượng, rằng sơn mài giúp tranh có sự hài hòa đậm tính Đông phương. Trong tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, yếu tố hiện thực và yếu tố trừu tượng cân bằng.

PGS.TS Phùng Ngọc Kiên nhận định rằng câu chuyện nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Gia Trí không phải câu chuyện riêng ông, của chất liệu sơn mài, mà là câu chuyện của văn hóa, của những khởi đầu mới tại Việt Nam đầu thế kỷ XX, của tầng lớp tri thức.

Ngắm mèo trong tranh của các họa sĩ đương đại

Triển lãm "Vẽ con mèo" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trưng bày đa dạng những bức tranh vẽ mèo đậm dấu ấn cá nhân từ các họa sĩ đương đại.

Khi tranh trở thành linh hồn cho sách

"Ở một ngôi làng ven biển", "Nếu em là đêm", "Một đã là nhiều" kể những câu chuyện đẹp về tuổi thơ… với lời văn rất ít, thay vào đó là những bức tranh minh họa đẹp đến ngỡ ngàng.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm