Tý Quậy của họa sĩ Đào Hải là một bộ truyện có sức sống lâu bền. Cho đến nay vẫn còn được tái bản. |
So với những nước phát triển như Hàn, Nhật, Trung hay Mỹ, truyện tranh Việt Nam vẫn còn khá non nớt từ nội dung cho đến đội ngũ sản xuất. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, một số sản phẩm chất lượng vẫn nhận được sự hưởng ứng của các độc giả. Tiêu biểu có thể kể đến các tác phẩm như Tý Quậy, Học sinh chân kinh, Mèo Mốc, Đời về cơ bản là buồn, Pikalong... Dẫu vậy, trái với sự nỗ lực sáng tạo, thu nhập của các họa sĩ từ truyện tranh tại Việt Nam đều ở mức trung bình.
Những đồng lương eo hẹp
Đối với Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (họa sĩ tại POPS Comics), để làm truyện tranh với tư cách một họa sĩ độc lập sẽ rất khó khăn. Mức lương theo nhuận của Bảo Châu chia bình quân ra chỉ được 2 triệu đồng/tháng và khoảng 40-50 triệu đồng cho 2 năm tương đương với một tập truyện. Trong thời gian sáng tác truyện tranh, Châu cũng làm thêm các công việc khác như content writer hay copywriter để đủ chi phí trang trải.
Hiện tại, Châu vẫn gắn bó với công việc truyện tranh và thu nhập có phần ổn định hơn nhờ làm việc theo ekip. Tuy nhiên nếu so với các công việc khác trong khả năng của mình, Châu vẫn cảm thấy mức lương cho họa sĩ truyện tranh là không đủ.
Cùng đó, trong quá trình phát hành ấn phẩm của bản thân, Châu nhận ra phần lớn độc giả vẫn chưa sẵn lòng để trả phí cho nội dung mình đọc. Vì vậy các website truyện tranh phần nào "khó sống" hơn.
Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (hay còn được gọi với tên Châu Chặt Chém) là tác giả của bộ truyện tranh Bad Luck. Ảnh: FBNV. |
“Mỗi chương truyện chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng thế nhưng vì đối tượng đa phần là các em học sinh cấp 1, cấp 2 nên phương thức thanh toán còn khá hạn chế. Cùng đó, độc giả Việt Nam vẫn chưa có thói quen chi trả cho những nội dung mình đọc. Vì vậy rất khó để phát triển truyện tranh trên nền tảng này”, Bảo Châu cho biết.
Internet có thể là một cơ hội tốt cho những người mới tham gia vào công việc vẽ truyện tranh này. Trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy những nhóm bạn trẻ đang tập vẽ những bức phác thảo cuốn truyện của mình. Thậm chí, một số bạn đã gửi đăng lên các website. Dù vậy, nhiều người trẻ vẫn còn khá ngại ngùng khi cân nhắc về sự đầu tư bài bản cho sản phẩm của mình. Bởi họ hiểu, mọi thứ nên dừng lại ở đam mê chứ khó có thể làm kinh tế.
So với nước phát triển truyện tranh như Mỹ hay Nhật, mức thu nhập của họa sĩ ở Việt Nam vẫn đang nằm ở mức thấp. Theo khảo sát của trang Salary.com, thu nhập trung bình của một họa sĩ truyện tranh ở Mỹ rơi vào khoảng 42.784 USD/năm (tương đương với 984 triệu đồng). Mức thu nhập này có thể chênh lệch dựa vào trình độ, thâm niên trong nghề. Còn tại Nhật bản, mức lương cho một mangaka (hay còn gọi là họa sĩ truyện tranh) có thể rơi vào khoảng 40.000 USD/năm.
Thị trường truyện tranh Việt không đủ hấp dẫn
Ba lý do chính khiến cho truyện tranh không đủ hấp dẫn để mọi người tham gia vào làm là: Sự cạnh tranh quá lớn từ dòng sách ngoại như manhwa (truyện tranh Hàn Quốc), manga (Nhật Bản) hay manhua (Trung Quốc). Người đọc chưa có thói quen trả phí cho nội dung vì vậy webtoon, movingtoon khó phát triển. Kinh phí thực hiện quá thấp.
Từ các lý do trên dẫn đến kết quả truyện tranh Việt Nam không tìm được một sự đột phá về mặt nội dung và mất dần vị thế vào tay những ông lớn như Nhật, Trung và Hàn.
Họa sĩ Hùng Lân tác giả của bộ truyện Dũng sĩ Hesman hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ những người trẻ đến với công việc sáng tác truyện tranh. |
Theo tác giả của Dũng sĩ Hesman, họa sĩ Hùng Lân, không phải độc giả sính ngoại mà bởi truyện tranh Việt Nam chưa tạo ra được một cốt truyện nào thực sự hấp dẫn và lôi cuốn. Có những bộ truyện vì cốt không vững nên chỉ làm được một vài tập rồi rơi vào tình trạng thoái trào.
“Truyện tranh Việt Nam vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Các tác giả hiện nay chưa thể đầu tư bài bản được bởi thiếu kinh phí, thiếu ekip. Họ làm theo kiểu tự phát, một số người chỉ xuất bản vài cuốn để lấy tên tuổi rồi sau đó không làm nữa”, họa sĩ Hùng Lân chia sẻ.
Tác giả Dũng sĩ Hesman còn cho biết thêm công việc sáng tác truyện tranh từ những năm 1990-2000 đem lại một nguồn thu khá ổn định. Tuy nhiên, dù xã hội đã phát triển và vật giá leo thang nhiều hơn, thu nhập của truyện tranh không từ đó mà đi lên. Do đó, không còn mấy ai mặn mà với việc này.
Còn đối với anh Bùi Đình Thăng, tác giả của Pikalong, vấn đề thiếu đầu tư kinh phí không phải chỉ diễn ra đối với lĩnh vực xuất bản truyện tranh mà nó còn là toàn thể ngành sáng tạo nội dung.
Anh Thăng cho rằng công việc này vẫn còn đang bị xem nhẹ, chẳng hạn một kịch bản phim cũng chỉ chiếm 1%-5% trên tổng kinh phí. Trong khi đó, kịch bản là một thứ cốt lõi tạo nên giá trị của sản phẩm.
Anh Bùi Đình Thăng chia sẻ: “Đa số những người làm nội dung đang nhận lại mức thu nhập quá ít so với những gì họ bỏ ra. Đối với riêng truyện tranh, tại một môi trường không thịnh hành văn hóa đọc truyện tranh, các điều kiện để nâng cao khả năng cũng hạn chế, tác giả cũng không mấy mặn mà để theo đuổi nghề”.
Mặc dù nhiều người đã cởi mở hơn với truyện tranh thế nhưng các cơ chế hỗ trợ vẫn còn quá eo hẹp khiến cho các tác giả không thấy sức hấp dẫn từ lĩnh vực này. Hành trình để truyện tranh Việt tìm lại vị thế của mình vẫn còn nhiều trắc trở.