Hình thức mua sách qua mạng đang lên ngôi. Ảnh: Duy Anh. |
Đối với phần đông “mọt sách” trẻ, đặt sách qua mạng đã là một thao tác quen thuộc. Các trang thương mại điện tử có thể đưa ra mức chiết khấu 80-90%, thu hút được lượng lớn người yêu sách. Nhận thấy thị trường sôi động này, nhiều nhà xuất bản, công ty sách cũng chủ động liên kết, tạo điều kiện để tổ chức “hội sách online” trên các sàn thương mại điện tử.
Mua sách qua mạng rõ ràng có nhiều điểm thuận tiện, đôi khi có thể giúp tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí cho người mua. Hình thức mua sách online phát triển mạnh mẽ từ thời điểm giãn cách do đại dịch Covid-19 và trở thành một thói quen của nhiều độc giả cho đến nay.
Xu thế tất yếu của thị trường
Chị Thiên Ái là chủ một tiệm sách cũ, kinh doanh chủ yếu qua nền tảng mạng xã hội. Chị nhận định: “Mua sách online rất tiện cho những độc giả ở các vùng nông thôn, vùng tỉnh huyện nơi không dễ dàng tiếp cận với các hiệu sách”.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân với tư cách là một độc giả, chị cho biết bản thân chị cũng bắt đầu mua sách online từ khi học cấp 3 ở trường huyện, nơi không có một hiệu sách bán sách nào. Thiên Ái cho rằng việc chuyển đổi từ hình thức offline sang online là xu thế tất yếu của thị trường, giúp sách đến được với bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc, thậm chí có thể mua sách từ các quốc gia khác trên thế giới.
Trao đổi với Zing, bà Đào Phương Thu, Phó phòng Truyền thông Nhã Nam, cho biết trong thời gian giãn cách, cả người làm sách lẫn độc giả bị buộc phải thích ứng với hình thức mua bán mới - trực tuyến. Để bước đầu kích cầu độc giả, các công ty đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm cho người mua với mức giá tốt.
Nhiều độc giả ngỡ ngàng trước mức chiết khấu cao, tuy nhiên, bà Đào Phương Thu cho rằng chiết khấu cao của các gian hàng online là điều dễ hiểu. Để giảm giá cao như vậy, các trang thương mại điện tử và các đơn vị phát hành sách phải chấp nhận chịu lỗ với một số đầu sách. Chấp nhận chịu lỗ để quảng bá hình ảnh, sau đó sử dụng doanh thu ở mảng khác bù vào.
“Để triển khai một chương trình sale, sàn thương mại điện tử chịu lỗ 8-9 thì đơn vị mình cũng bỏ ra 5-6”, bà Đào Phương Thu chia sẻ. “Hỗ trợ nhau để làm vì số lượng mua online thường rất lớn, nên mình lấy số lượng bù cho chất lượng, tức là vẫn có lãi ở một số mảng, lãi không nhiều nhưng nếu nhân số lượng lớn thì sẽ là một con số ổn”.
Đại diện công ty Nhã Nam cho biết vào thời điểm đỉnh dịch, hội sách online đã mang lại doanh thu gấp đôi so với hội sách truyền thống của đơn vị này.
Chương trình flash sale giờ vàng cho độc giả mua sách với mức chiết khấu cao. |
Chia sẻ góc nhìn về hiện tượng các trang thương mại điện tử tung ra được nhiều chương trình khuyến mãi như vậy, chị Thiên Ái cho rằng có nhiều nguyên nhân: “Thứ nhất, nhiều sách tồn kho đã lâu cần được giải phóng bớt, vậy nên các trang thương mại điện tử giảm sâu để dọn kho đón sách mới. Thứ hai, với nhiều sách phát hành mới, họ chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn để có thể thu hút độc giả, gây ấn tượng về sàn thương mại điện tử có bán cuốn sách đó”.
Ngoài ra, chị cũng nhận thấy đây là xu hướng chung của nhiều mặt hàng chứ không riêng gì mảng sách. Với mục đích kích cầu mua sắm, bên sản xuất và sàn thương mại điện tử liên kết với nhau để cung cấp nhiều chương trình sale đi theo các dịp lễ, Tết…
Xu hướng này tiềm tàng hệ lụy nào?
“Việc liên tục giảm giá sâu trên các kênh online cũng sẽ kéo theo hệ lụy xấu, các nhà đua nhau giảm giá nhiều hơn để thu hút khách hàng, khiến sách trở nên mất đi giá trị vốn có của nó. Độc giả cũng bị nuông chiều nên hình thành thói quen chờ sách giảm sâu hơn mới mua”, chị Thiên Ái nói.
Quả thật, nhiều độc giả đã chia sẻ rằng họ đã quen với mức chiết khấu cao, có người còn khẳng định chỉ chờ giảm trên 35% mới mua sách. Nhưng chiết khấu cao có luôn đồng nghĩa với việc mua hàng giá tốt?
Một xu hướng hiển hiện trong ngành sách nói riêng và thị trường kinh doanh nói chung là giá sản phẩm đang ngày một tăng. Với những người tin vào thuyết âm mưu, họ cho rằng đây chỉ là một chiêu trò của truyền thông, tạo cảm giác “được lời” cho người mua nên tăng giá sản phẩm lên sau đó giảm giá sâu, chứ về bản chất, mức giá độc giả phải bỏ ra bây giờ so với hồi trào lưu săn sale chưa thịnh hành không có nhiều chênh lệch.
Nhưng lý giải cho hiện tượng giá tăng, còn có mối lo lạm phát cũng nên được lưu tâm. Không chỉ riêng gì sách, giá bán lẻ nhiều mặt hàng khác cũng có độ tăng nhất định. Với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều độc giả cho biết họ cảm thấy một thôi thúc phải tiết kiệm, từ đó, ưu tiên những nơi bán hàng chiết khấu cao.
“Và việc cả hai bên cùng muốn và quyết định giảm giá sâu và sâu hơn nữa, đơn vị xuất bản muốn bù đắp lại lợi nhuận buộc phải tăng giá thành thêm, hình thành một vòng luẩn quẩn”, chị Thiên Ái nhận xét.
Hiện nay, độc giả ít đi hiệu sách truyền thống hơn. Ảnh: Đức Huy. |
Một hệ quả khác được đặt ra là các hiệu sách truyền thống trở nên lép vế. Trả lời phỏng vấn của Zing, độc giả Quỳnh Anh nói: “Trên một số sàn thương mại điện tử thường được giảm giá khá sâu, từ 30-40% trong khi các hiệu sách truyền thống chỉ được giảm khoảng 10-20%, rõ ràng hiệu sách truyền thống sẽ khó cạnh tranh về giá cả. Hơn nữa, với bạn đọc trẻ, thường có thói quen mua sắm trên sàn thương mại điện tử sẽ ‘săn’ được nhiều mã giảm giá, thế là họ còn được miễn phí vận chuyển và được giảm giá sâu hơn nữa”.
Chị cho rằng điều này khiến độc giả trẻ không còn mặn mà nhiều với mô hình hiệu sách truyền thống, “trừ một số hiệu sách đã xây dựng được thương hiệu, hoặc một số hiệu sách kết hợp quán cà phê”.
Mua sách online cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác: “Trong quá trình vận chuyển, cuốn sách bạn mua có thể bị gãy góc nếu bị va đập mạnh. Một số cuốn sách mua trên sàn thương mại điện tử còn bị bẩn phần bìa, vẫn được giao đến khách hàng. Một số trường hợp bookmark đi kèm cuốn sách cũng bị mất. Đôi khi, người đọc có thể gặp phải sách giả, sách bị ố vàng do bảo quản kém chất lượng”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.