Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa hình ảnh chiến sĩ công an đến gần hơn với công chúng

Theo chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hoạt động có phần khô cứng của lực lượng an ninh được truyền tải mềm mại và chân thực tới công chúng qua trang văn.

Cuoc thi viet anh 1

Một số tác phẩm về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Ảnh: Mỹ Nương.

Trong những năm qua, công chúng được biết tới hình tượng người chiến sĩ công an qua các bộ phim truyền hình, điện ảnh như Một thế giới không có đàn bà (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Bùi Anh Tấn), Sát thủ online (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Xuân Thủy), Hương ga (dựa theo tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú), Chạy án (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Như Phong), Những cánh hoa bay (dựa trên tiểu thuyết Hoa bay của Chu Thanh Hương), Bão ngầm (dựa trên tác phẩm cùng tên của Đào Trung Hiếu)…

Đây đều là những tác phẩm bước ra từ cuộc thi viết “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Mảng đề tài hấp dẫn

Từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 4 cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999-2002; 2007-2010; 2012-2015, 2017-2020). Cuộc thi đã thu hút hàng trăm nhà văn tên tuổi, cây viết chuyên và không chuyên cả trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tham gia.

Thông qua cuộc thi, đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” trở thành chủ đề hấp dẫn, được nhiều cây bút quan tâm, khai thác và cũng được nhiều người đọc yêu thích, đón nhận. Các chuyên án, vụ án nổi tiếng của lực lượng Công an nhân dân trong suốt chặng đường gần 80 năm qua đã được các nhà văn khai thác, sáng tạo thành tác phẩm văn học có giá trị.

Cuoc thi viet anh 2

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Nam.

Tiếp nối thành công đó, hôm 1/12, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc thi lần thứ V (giai đoạn 2022 - 2025). Cuộc thi sáng tác văn học viết về hình tượng người chiến sĩ công an trong lòng dân, về gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tại lễ phát động cuộc thi, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết ngoài việc tổ chức các trại sáng tác, ban tổ chức sẽ thực hiện cho các nhà văn đi thâm nhập thực tế tại công an các đơn vị, địa phương để tiếp xúc với những nhân chứng, người thật, việc thật, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn thu thập được những chất liệu phù hợp với cảm hứng sáng tác.

“Bộ công an sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn tiếp cận được thực tế, có sự đồng cảm với những nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, từ đó tạo thành sức mạnh hun đúc nên những tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống'”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Cánh cửa để công chúng hiểu về hoạt động của chiến sĩ an ninh

Đại diện những người cầm bút chuyên nghiệp, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng lãnh đạo Bộ Công an đã đặc biệt quan tâm tới văn chương, hợp tác với Hội Nhà văn trong nhiều năm qua.

Chủ tịch Hội Nhà văn nói những trang viết như cánh cửa để người dân hiểu được lực lượng Công an nhân dân, công việc của các chiến sĩ trong ngành. "Văn học như ngọn gió xuân thổi qua những điều tưởng chừng khô cằn của lực lượng an ninh, khiến những hoạt động có vẻ bí ẩn, xa cách ấy đến gần hơn với nhân dân", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Cuoc thi viet anh 3

Ông Nguyễn Quang Thiều nói văn học đưa hình ảnh người chiến sĩ an ninh đến gần hơn với công chúng. Ảnh: Nguyễn Nam.

Gắn bó với mảng đề tài vì bình yên cuộc sống, nhà văn Nguyễn Như Phong là tác giả của tiểu thuyết, kịch bản nổi tiếng như Chạy án I II, Bí mật tam giác vàng, Cổ cồn trắng, Quỷ ám, Bí mật những cuộc đời

Đặc biệt, các tác phẩm chuyển thể, kịch bản loạt phim Cảnh sát hình sự của ông tạo được dấu ấn trong lòng công chúng bởi xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an sống động. Nhà văn chia sẻ để viết được ở mảng đề tài này cần lăn lộn với đời sống.

“Phải đi thực tế mới có tư liệu để viết hay. Nhờ đó tôi mới có thể viết được những tác phẩm, truyện ký, dựng thành nhiều phim truyền hình. Hy vọng trong quá trình diễn ra cuộc thi, có nhiều chuyến đi thực tế cho các cây bút", nhà văn Nguyễn Như Phong nói.

Là một cây bút trẻ trong lực lượng an ninh, trung tá Bùi Tuấn Bình cho biết với anh, cuộc thi là cơ hội để những cây bút trong ngành thể hiện tình yêu với lực lượng Công an nhân dân một cách chân thành, sâu sắc nhất.

Qua trải nghiệm thực tế, các cây bút trong lực lượng an ninh có thể tái hiện hy sinh vất vả của những đồng đội đang ngày đêm gìn giữ bình yên cuộc sống. "Thông qua trang viết, chúng tôi sẽ cố gắng, góp phần đưa văn học công an có sức sống hơn, trung tá Bùi Tuấn Bình nói.

Cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Tác phẩm dự thi thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện ký và ký; là tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trọn vẹn trên các báo, tạp chí. Dung lượng tối thiểu từ 50.000 từ.

Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều tác phẩm dự thi và có thể gửi một hoặc nhiều lần.

Sau lễ phát động, các cây bút có thể gửi bài thi đến hết ngày 15/4/2025 về Nhà Xuất bản Công an Nhân dân.

Tác giả 'Hoa bay' đoạt giải cuộc thi viết vì bình yên cuộc sống

Tiểu thuyết của Chu Thanh Hương là một trong 20 tác phẩm được tôn vinh tại cuộc thi viết "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Những vụ án chấn động Việt Nam trong bộ tiểu thuyết hình sự

"Hồ sơ lửa" là bộ sách được xác nhận kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự dài nhất Việt Nam, chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động từ những vụ án có thật tại TP.HCM.

Anh Vũ

Bạn có thể quan tâm