Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai nạn F-35 hé lộ nguy cơ tiềm ẩn với máy bay tàng hình

Vụ tai nạn chiếc F-35A của Nhật Bản cùng với việc phi công mất tích vẫn chưa được tìm thấy khiến giới phân tích hoài nghi hệ thống cung cấp oxy trên máy bay tàng hình này.

Đã gần 20 ngày trôi qua kể từ khi chiếc F-35A của lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) gặp nạn và rơi xuống Thái Bình Dương. Mỹ và Nhật Bản đã triển khai lực lượng tìm kiếm quy mô lớn, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy xác máy bay, đặc biệt là phi công.

Việc chưa tìm thấy máy bay khiến nguyên nhân dẫn đến tai nạn vẫn là một ẩn số. Nhưng vụ tai nạn này có thể được liên kết đến một vấn đề tồn tại trong Không quân Mỹ nhiều năm, song vẫn chưa thể khắc phục, đó là hệ thống cung cấp oxy trên máy bay (OBOGS), Nikkei Asia Review cho biết.

F-35 cũng như các máy bay khác của Mỹ sử dụng OBOGS để hút không khí xung quanh máy bay và cung cấp oxy nồng độ cao cho phi công để hoạt động ở độ cao lớn, nơi không khí rất loãng. OBOGS đã được sử dụng ở Mỹ trong hơn 3 thập niên.

Mỹ không thể tìm ra lỗi

Tuy nhiên, khi Mỹ bắt đầu sử dụng OBOGS mới cho tiêm kích tàng hình F-22 từ năm 2008, đã xảy ra 20 trường hợp phi công gặp phải tình trạng thiếu oxy khi bay. Tháng 11/2010, một chiếc F-22A đã rơi trong sự cố có thể do tình trạng thiếu oxy của phi công.

Tai nan F-35 Nhat Ban anh 1
Hệ thống cung cấp oxy trên F-35A bị nghi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Ảnh: Không quân Mỹ.

Nồng độ oxy trong máu thấp, được gọi là tình trạng thiếu oxy, thường dẫn đến triệu chứng đổ mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, sau đó là các vấn đề về thị lực, khó đưa ra quyết định và cuối cùng là mất ý thức.

Sau vụ tai nạn F-22 vào năm 2010, Không quân Mỹ đã tạm dừng sử dụng hệ thống OBOGS và thay thế một số phần trong hệ thống để giải quyết vấn đề. Nhưng lỗi với hệ thống OBOGS có thể vẫn tồn tại ở F-35 và nhiều mẫu máy bay chiến đấu khác của Mỹ.

Không quân Mỹ cùng các kỹ sư không thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu oxy trên máy bay. Họ giải quyết vấn đề bằng cách thêm hệ thống cung cấp oxy khẩn cấp trong trường hợp OBOGS gặp sự cố. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời để tiếp tục sử dụng hệ thống mà không giải quyết được hoàn toàn gốc rễ vấn đề.

Trong vụ tai nạn chiếc F-35A của Nhật, phi công đã đề xuất hủy nhiệm vụ trước khi máy bay rơi xuống biển. Điều đó cho thấy phi công đã nhận ra có gì đó không ổn, sau đó tình hình nhanh chóng xấu đi. Điều này trùng hợp với tình trạng thiếu oxy do OBOGS gặp sự cố.

Tai nan F-35 Nhat Ban anh 2
Tàu chiến Mỹ, Nhật đang chạy đua với thời gian để tìm xác chiếc F-35A và phi công. Ảnh: Kyodo.

Những vấn đề như vậy là một phần trong các rủi ro thời công nghệ hiện đại. Ngày nay, các máy bay quân sự hay dân sự đều chứa đầy các thiết bị điện tử và đòi hỏi phần mềm phức tạp để chạy. Do đó, các máy bay mới cần rất nhiều chuyến bay thử nghiệm để tìm kiếm và sửa chữa bất kỳ vấn đề trong mã nguồn phần mềm.

Các phi công thử nghiệm, cũng như phi công bay máy bay mới sau khi được nhà sản xuất bàn giao không thể biết, liệu lỗi hệ thống có thể vẫn tồn tại trong mã nguồn của máy bay hay không. Đó là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.

JASDF đã dừng bay toàn bộ phi đội F-35A sau tai nạn. Hiện tại chưa thể xác định liệu hệ thống cung cấp oxy có liên quan đến tai nạn hay không. Tuy vậy, vấn đề với hệ thống OBOGS đã kéo dài đối với Không quân Mỹ, Nhật Bản cũng phải xem xét nó.

Tuy vậy, vấn đề đối với Nhật Bản không hề đơn giản. Tokyo không thể loại bỏ OBOGS và sử dụng hệ thống cung cấp oxy lỏng như trên tiêm kích F-15J, trụ cột của sức mạnh của họ, vì điều này sẽ vi phạm thỏa thuận với Washington. Đây là hạn chế lớn khi mua máy bay nước ngoài.

Nghi vấn bị hack

Tháng 6/2017, USS Fitzgerald, khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD của Mỹ đã va chạm với một tàu container ngoài khơi Biển Nhật Bản. Vụ tai nạn khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Thuyền trưởng cùng một số sĩ quan chỉ huy đã bị đưa ra tòa án binh vì tội bất cẩn. Tuy nhiên, gần đây Hải quân Mỹ bất ngờ rút bản án đối với họ.

Tai nan F-35 Nhat Ban anh 3
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor từng bị rơi vì lỗi hệ thống cung cấp oxy cho phi công. Ảnh: Không quân Mỹ.

Giống như các máy bay chiến đấu hiện đại, các chiến hạm Aegis cũng được trang bị rất nhiều thiết bị điện tử. Vụ tai nạn dẫn đến suy đoán hệ thống điện tử trên USS Fitzgerald có thể đã bị hack, hoặc bị tấn công bằng xung điện từ khiến hệ thống điều khiển gặp trục trặc.

Với những bí mật liên quan đến quân sự, sự thật sẽ luôn là bí ẩn. Tuy nhiên, việc Hải quân Mỹ bất ngờ rút cáo trạng liên quan đến tai nạn khiến nhiều thủy thủ thiệt mạng, làm tăng khả năng hệ thống đã bị hack. Do đó quân đội kết luận các sĩ quan đã bị đổ oan.

Có những lo ngại rằng F-35 và F-22 có thể đã bị hack trong quá trình cập nhật hệ thống. Đối thủ có thể đã cài các đoạn mã lỗi nhằm gây ra các vấn đề cho phần mềm trong tương lai. Quân đội Mỹ đang xem xét nguy cơ này liên quan đến trục trặc của hệ thống OBOGS.

Nguồn tin an ninh Nhật gần đây nói rằng Mỹ và Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để tránh việc xác chiếc F-35A rơi vào tay Nga hoặc Trung Quốc. “Tôi đồng ý với điều đó, nhưng tình hình còn nghiêm trọng hơn thế. Điều đó có nghĩa là vẫn còn một bí ẩn sau vụ tai nạn”, nguồn tin nói.

Mỹ triển khai cả B-52, quyết ngăn F-35 gặp nạn rơi vào tay Nga, TQ

Mỹ và Nhật Bản đã triển khai lực lượng cứu hộ hùng hậu chưa từng có để tìm kiếm những mảnh vỡ còn lại của chiếc F-35A gặp nạn, tránh rơi vào tay Nga, Trung Quốc.

Vì sao F-35 tối tân và đắt tiền nhất bầu trời nhưng vẫn rơi?

F-35 tuy là dự án máy bay chiến đấu tối tân và đắt nhất hành tinh, nhưng chỉ cần một lỗi nhỏ trong hệ thống, nó cũng có thể rơi như bao máy bay thông thường khác.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm