Tiêm kích tàng hình F-35A của Nhật Bản đã rơi xuống Thái Bình Dương trong một đợt bay huấn luyện. Điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy và an ninh của hệ thống vũ khí đắt nhất hành tinh.
Chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar khoảng 30 phút sau khi cất cánh trong nhiệm vụ huấn luyện từ căn cứ không quân Misawa ở miền Bắc Nhật Bản cùng với 3 máy bay khác. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết phi công của họ đã phát tín hiệu yêu cầu hủy bỏ nhiệm vụ ngay trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết các mảnh vỡ từ máy bay, bộ phận của 2 vây đuôi đã được tìm thấy vào ngày 10/4. Các máy bay, tàu thuyền của Nhật Bản và Mỹ, gồm cả tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đang tích cực tìm kiếm phi công vẫn đang mất tích.
Máy bay hiện đại nhất bầu trời
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm phi công điều khiển chiếc F-35A gặp nạn là một người đàn ông 40 tuổi với kinh nghiệm hơn 3.200 giờ bay. Phi công đang lái thứ được coi là công nghệ máy bay tàng hình tốt nhất trên bầu trời. Với hệ thống điện tử, động cơ và vũ khí tiên tiến nhất thế giới, Lầu Năm Góc gọi F-35 là máy bay giá cả phải chăng, nguy hiểm và có thể hỗ trợ sống sót tốt nhất từ trước đến nay.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Theo Lockheed Martin, tính đến tháng 8/2018, hơn 310 chiếc F-35 đã được chuyển giao cho quân đội các nước trên thế giới. Phi đội F-35 đầu tiên của Nhật Bản được đưa vào hoạt động chỉ 11 ngày trước vụ tai nạn. 13 chiếc F-35 hình thành phi đội số 302 đóng quân tại căn cứ Misawa.
Bộ trưởng Iwaya cho biết sẽ tạm dừng hoạt động những chiếc F-35 còn lại cho đến khi nguyên nhân tai nạn được xác định.
Tuy vậy, báo cáo sơ bộ cho thấy phi công đã báo lỗi hệ thống và điều đó dẫn đến nhiều rắc rối vì có thể một thứ gì đó đã bị bỏ sót trong quá trình sản xuất, Carl Schuster, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, giáo sư tại Đại học Hawaii Pacific cho biết.
Trong khi hầu hết F-35 được sản xuất tại Mỹ, chiếc F-35A rơi hôm 9/4 là máy bay đầu tiên được lắp ráp tại nhà máy Nagoya, Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Peter Layton, cựu sĩ quan và nhà phân tích của Không quân Australia tại Viện Griffith châu Á, cho biết dây chuyền lắp ráp ở Nhật Bản sẽ là một trong những nơi tìm kiếm câu trả lời. “Có hàng trăm chiếc F-35 đang bay trên toàn thế giới cho thấy vấn đề mang tính cục bộ chứ không phải đối với toàn bộ phi đội”, ông Layton nói với CNN.
Những câu hỏi chưa có đáp án
Phi công lái chiếc F-35 gặp nạn yêu cầu hủy bỏ nhiệm vụ, nhưng dường như ông ta không đưa ra cuộc gọi cho biết máy bay đang gặp lỗi gì, có thể là vấn đề với hệ thống dây điện trên máy bay, ông Layton nhận định.
“Phi công nghĩ rằng anh ta có thể kiểm soát được vấn đề và không có nguy hiểm sắp xảy ra. Có thể phi công đang cố gắng khắc phục sự cố và ông ta bay thẳng ra biển”, ông Layton nói. Chiếc F-35A gặp nạn ở Nhật Bản là máy bay thứ 2 bị rơi.
Máy bay, tàu thuyền của Mỹ và Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm phần còn lại của chiếc F-35 gặp nạn. Ảnh: CNN. |
Một chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ đã rơi ở Beaufort, South Carolina vào tháng 9/2018. Các quan chức quốc phòng Mỹ sau đó cho biết một ống nhiên liệu bị lỗi có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Các sự cố khác đã xảy ra trong chương trình F-35 bao gồm lửa cháy trong động cơ ở Florida năm 2014, dẫn đến việc kiểm tra toàn bộ động cơ máy bay. 5 sự cố khác được báo cáo trong năm 2017 liên quan đến vấn đề thiếu oxy.
Chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 có 3 phiên bản, F-35A, giống như chiếc bị rơi ở Nhật Bản được thiết kế cho không quân sử dụng ở đường băng thông thường. F-35B có thể cất hạ cánh thẳng đứng dùng cho thủy quân lục chiến và F-35C dùng trên các tàu sân bay của hải quân.
Quá trình phát triển chương trình F-35 bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề rất kỳ quái. Máy bay sử dụng nhiên liệu để làm mát cho một số bộ phận nóng của máy bay, vì vậy ở một số vùng khí hậu nhiên liệu phải được làm mát trước khi bơm lên máy bay.
Theo các nhà phê bình vấn đề lớn nhất đối với F-35 là nó quá đắt. Trong năm 2012, Lầu Năm Góc ước tính chi phí vận hành trọn đời của F-35 ở mức 1.500 tỷ USD trong 50 năm, đưa nó trở thành chương trình máy bay đắt nhất lịch sử hàng không.
Vụ tai nạn hôm 9/4 chắc chắn là một trở ngại cho chương trình F-35 đầy tham vọng của Nhật Bản. Với 147 chiếc F-35 đã đặt hàng, Nhật Bản là khách hàng lớn thứ 2 của tập đoàn Lockheed Martin sau quân đội Mỹ. Nhật Bản đã công bố kế hoạch mua 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B, phiên bản này có thể sử dụng để biến tàu khu trục trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên của Nhật kể từ sau Thế chiến II.