Kể từ khi chiếc F-35A của Nhật Bản rơi xuống biển vào ngày 9/4, lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) và quân đội Mỹ đã triển khai máy bay, tàu chiến, tàu cứu hộ tiến hành chiến dịch tìm kiếm điên cuồng ở Thái Bình Dương, nhằm tìm kiếm mảnh vỡ và thiếu tá phi công Akinori Hosomi, người vẫn đang mất tích.
Các máy bay tuần tra hàng hải P-8A, phương tiện tìm kiếm tàu ngầm chuyên dụng đã được triển khai, cùng với đó là tàu khu trục USS Stethem, khu trục hạm được trang bị radar Aegis mạnh mẽ. Được biết, máy bay ném bom B-52 cũng được điều động từ căn cứ không quân trên đảo Guam, Nikkei Asia Review cho biết.
Bảo vệ bí mật công nghệ bằng mọi giá
Mỹ đã đặt mức độ ưu tiên chưa từng có trong vụ tai nạn của chiếc F-35A. Điều này cũng là sự tất yếu, vì F-35 dự kiến đóng vai trò quan trọng trong tương lai của chiến tranh hiện đại. Trước đó, vào tháng 12/2018, một tiêm kích trên hạm F/A-18 va chạm với máy bay tiếp dầu KC-130 ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Nhưng lúc đó Mỹ đã không triển khai chiến dịch tìm kiếm rầm rộ như với tai nạn của chiếc F-35.
Máy bay, tàu chiến Mỹ, Nhật Bản đang gấp rút tìm kiếm mảnh vỡ của chiếc F-35A gặp nạn. Ảnh: AP. |
Chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 được phát triển bởi tập đoàn Lockheed Martin. Nó là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo, được phát triển sau khi Washington dành nhiều năm và hàng tỷ USD cho nghiên cứu.
F-35 sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ trên không cho Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia và các đồng minh khác trong vài thập niên tới. Ngoài ra, F-35 còn có khả năng sử dụng trong phòng thủ tên lửa nhờ hệ thống radar hiệu suất cao. Điều đó đã thu hút sự quan tâm của tình báo nước ngoài.
F-35 có khả năng trang bị các tên lửa đánh chặn tiên tiến sẽ được phát triển sau này. Các tiêm kích F-35 được điều khiển bởi các phi công Mỹ, Nhật Bản sẽ triển khai ở các vị trí chờ sẵn sàng để phát hiện và bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương trong giai đoạn khởi động, khi tốc độ của chúng còn chậm.
Khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo trên không trung không chỉ đóng vai trò phòng thủ chống lại các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và Trung Quốc, mà còn tăng thêm lớp bảo vệ đối phó với Nga.
Các nhà phân tích quân sự tin rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga sẽ tấn công lá chắn tên lửa Aegis Ashore triển khai trên đất liền với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Khi đó, những chiếc F-35 sẽ bổ sung thêm lớp phòng thủ với khả năng đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Tàu chiến Nhật Bản quần thảo khu vực chiếc F-35A gặp nạn. Ảnh: Kyodo. |
Trước đó, Mỹ đã đình chỉ việc giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận ở NATO, vì quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Bất kỳ thông tin nào về công nghệ của F-35 đều rất đáng giá.
Trung Quốc được cho là đã thu được một phần kế hoạch chi tiết của F-35 thông qua tấn công mạng. Điều đó được cho là đã thúc đẩy chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc để cạnh tranh với F-35.
Tuy vậy, thông tin thu thập được từ tấn công mạng không thể hữu ích bằng việc sở hữu và phân tích một mẫu vật thực tế từ chiếc F-35. Thông qua quá trình phân tích vật liệu chế tạo, lớp sơn tàng hình sẽ thúc đẩy sự hiểu biết của họ lên mức độ cao hơn nhiều.
Ngoài ra, những thông tin mà Trung Quốc có được về F-35 thông qua tấn công mạng có thể không hoàn toàn chính xác. Mỹ có thể cố tình cài cắm thông tin không chính xác trong không gian mạng như một biện pháp phản gián.
Không có gì chính xác bằng mẫu vật thực tế. Không khó để hình dung rằng giới tình báo Nga và Trung Quốc đang “thèm thuồng” mảnh vỡ của chiếc F-35 trên biển. Việc quân đội Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 đến khu vực máy bay gặp nạn là một thông điệp cứng rắn, rằng sẽ không cho phép bất kỳ ai chạm vào mảnh vỡ của F-35.
Mỹ từng nẫng tay trên vũ khí của Nga gặp nạn
Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc trục vớt công nghệ nhạy cảm từ một vụ tai nạn dưới biển. NPR cho biết hơn 50 năm trước, Washington đã tận dụng cơ hội vàng để có được vũ khí của kẻ thù mà họ thèm muốn từ biển.
Năm 1968, một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đã phát nổ và chìm ở vùng biển gần Hawaii. Mỹ đã phát hiện ra vụ nổ thông qua mạng lưới định vị thủy âm dưới nước SOSUS và xác định được vị trí gặp nạn của tàu ngầm Liên Xô.
Tàu thăm dò khoáng sản Glomar Explorer dùng để ngụy trang cho việc trục vớt tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Chính phủ Mỹ. |
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), phối hợp với Lầu Năm Góc lập tức triển khai chiến dịch trục vớt chiếc tàu ngầm Liên Xô gặp nạn để tìm hiểu bí mật công nghệ của Liên Xô. Chiến dịch mang tên Dự án Azorian, nhưng thường được biết đến với tên gọi “Dự án Jennifer”.
CIA đã trưng dụng một tàu thương mại lớn và cải tạo thành tàu trục vớt. Năm 1974, sáu năm sau vụ tai nạn, dưới vỏ bọc khai thác quặng mangan từ đáy đại dương, CIA đã thành công trong việc trục vớt một phần tàu ngầm Liên Xô, nơi chứa đầy bí mật công nghệ.
Liên Xô khi đó cũng tích cực tìm kiếm chiếc tàu ngầm gặp nạn, nhưng do thiếu công nghệ định vị thủy âm. Họ đã thất bại trong việc tiếp cận xác tàu ngầm trước người Mỹ.
Chiếc F-35A gặp nạn lần này được cho là đã chìm ở vùng biển sâu 1.500 m, dù có khó khăn nhưng vẫn có thể cứu vãn. Công nghệ dò tìm và phát hiện vật thể chìm dưới nước đã tiến bộ hơn rất nhiều so với 45 năm trước. Bên cạnh đó, một chiếc F-35 nhỏ và dễ dàng trục vớt hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân.
Địa điểm xảy ra sự cố cách tỉnh Aomori khoảng 150 km và trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trung Quốc và Nga không thể tiến hành các hoạt động tìm kiếm và trục vớt công khai mà không có sự cho phép của Nhật Bản. Tuy vậy, Trung Quốc và Nga có thể bí mật triển khai tàu ngầm hoặc phương tiện không người lái dưới nước để tìm cách tiếp cận xác chiếc F-35.
Số phận chiếc F-35A gặp nạn chìm dưới biển có khả năng thay đổi cán cân quân sự trên không giữa các cường quốc. Các nước đối tác tham gia trong chương trình F-35 như Anh, Australia, Israel sẽ theo dõi sát sao tình hình.