Ngày 7/3, ông Ronald Haeberle, tác giả chụp bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cùng bạn bè quốc tế trở về thăm lại vùng đất Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), nơi 55 năm trước lính Mỹ thảm sát 504 thường dân nơi đây.
Gieo hạt giống hòa bình
Tháng 10/2011, lần đầu tiên trở lại vùng đất này, Ronald Haeberle hoàn toàn bất ngờ khi người dân nơi đây đã mở rộng vòng tay chào đón ông. Hôm nay, lần thứ 2 trở lại thăm Sơn Mỹ, hàng trăm học sinh trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cùng chạy ùa tới trò chuyện cùng ông như thể đón người thân đi xa lâu ngày trở về.
Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai trò chuyện với học sinh trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Dịp này, ông cùng một số bạn bè đã quyên góp quỹ trở về đây tặng 100 suất quà (mỗi suất quà gồm cặp sách, hộp bút, áo mưa) cho trẻ em nghèo hiếu học.
"Suốt nhiều năm qua, ký ức đau thương ở Mỹ Lai vẫn còn day dứt mãi trong trái tim tôi. Lần thứ hai trở về thăm Quảng Ngãi, tôi cùng bạn bè mong muốn điều duy nhất, đó là thế giới được hòa bình, không còn cảnh chiến tranh xảy ra nữa", ông Ronald Haeberle nói.
Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Khắp nơi đồng lúa chín vàng. Trên cánh đồng lô nhô nông dân đang làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ con. Những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, còn vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Đi tìm chân lý sự thật
Một trong những bức ảnh Ronald Haeberle ghi lại cảnh hai đứa trẻ trườn mình trên bờ ruộng lúa để tránh đạn, đứa lớn hơn đang che chở cho em nhỏ. Cách đó vài chục mét, khoảng 21 xác người (hầu hết phụ nữ, trẻ em) vừa bị lính Mỹ sát hại. Một bức ảnh trắng đen khác cho thấy nhiều lính Mỹ bình thản bên bờ ruộng lúa sau cuộc thảm sát.
Ronald Haeberle tặng cặp sách đến trường cho học sinh nghèo trường THCS Võ Bẩm. Ảnh: Minh Hoàng. |
Là phóng viên chiến trường, thời điểm ấy Ronald Haeberle có mặt trong nhiều cuộc hành quân ở miền Trung Việt Nam để ghi lại những gì mà quân đội Mỹ đã làm. Mỗi lần nhớ lại, lương tâm Haeberle bứt rứt không yên.
"Tôi nhớ người dân nơi ấy gần gũi, thân thiện, nhớ nhất là nụ cười của trẻ em luôn vẫy tay chào mỗi khi được chụp ảnh. Chính điều này đã thúc giục tôi phải công bố sự thật", tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai nhớ lại.
Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Life, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội. Haeberle nhớ lại cảm xúc khi quyết định công bố bộ ảnh: "Ấy là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường. Một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn".
Lần thứ hai trở lại thăm, tặng quà cho học sinh nghèo ở vùng đất Sơn Mỹ, Ronald Haeberle cảm thấy ấm lòng khi giáo viên, học sinh vui vẻ trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm cùng ông giữa sân trường rợp mát cây xanh. Tặng quà cho trẻ em nơi đây, ông tin rằng mỗi học sinh sẽ ươm mầm "ngày mai tốt đẹp", hành trang vững chắc cho cuộc sống mãi mãi hòa bình.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.