Ông Colburn mất ngày 13/12 tại nhà ở Canton, Georgia, Mỹ. Nói với hãng thông tấn AP qua điện thoại, bà Lisa Colburn cho biết chồng mình qua đời vì căn bệnh ung thư phát hiện hồi cuối tháng 9.
"Một người giàu lòng trắc ẩn, một vị anh hùng trong mắt nhiều người", bà Lisa, vợ của Lawrence Coluburn, nói về người bạn đời.
Lawrence Colburn là xạ thủ trên máy bay trực thăng thuộc đại đội Charlie (Mỹ). Ở tuổi 18, ông đã cùng 2 đồng đội nỗ lực ngăn chặn vụ thảm sát dân làng thôn Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Đỗ Bá (trái), người sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai chụp ảnh cùng Lawrence Colburn, người đã cứu ông ngày 16/3/1968. Cuộc gặp diễn ra ngày 15/3/2008, trong chuyến trở lại Việt Nam của Colburn nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Mỹ Lai. Ảnh: AP. |
Sáng 16/3/1968, phi đội 3 thành viên của Colburn được giao nhiệm vụ "rà soát" khu vực Mỹ Lai để xác định vị trí đối phương. Nhưng khi bay ngang qua ngôi làng, cái họ bất ngờ chứng kiến là khung cảnh rùng rợn, yên tĩnh đến kỳ lạ, hàng loạt dân làng chết và bị thương trên đường làng, ngoài đồng.
Họ thả trái khói xanh, dấu hiệu cần cấp cứu y tế, xuống nơi những người cần cứu giúp. Thế nhưng không những không cứu, đám lính bộ binh bên dưới quay lại sát hại luôn những người bị thương.
Hiểu chuyện gì đang xảy ra, ngay lập tức, phi đội của Colburn đã cho hạ máy bay chắn giữa dân làng và đám lính, ngăn cản vụ thảm sát và cứu các nạn nhân.
Nhiều giờ sau, cuộc thảm sát ở Mỹ Lai được báo cáo cho các chỉ huy cấp cao trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã đến quá muộn. Hơn 504 thường dân đã bị sát hại trong cuộc tắm máu của lục quân Mỹ.
Về Lawrence Colburn, vai trò của ông được đánh giá là then chốt trong việc chặn đứng cuộc thảm sát cách đây gần nửa thế kỷ. Ông là người cuối cùng còn sống trong phi đội 3 người.
Trent Angers, tác giả cuốn "Anh hùng bị lãng quên của Mỹ Lai: Câu chuyện về Hugh Thompson" xuất bản năm 1999, nói với AP rằng Colburn đã "đứng lên, sát cánh cùng Hugh và Glenn để chống lại những kẻ gây ra tội ác với loài người".
"Nếu không có sự hỗ trợ của ông ấy (Colburn), Hugh có thể đã không làm được như vậy", Angers nói thêm.
Ông Thompson (giữa) và Colburn (phải) nhận Huân chương Người lính tại Washington, Mỹ năm 1998 . Ảnh: Getty. |
Năm 2001, cựu binh Colburn cùng chỉ huy phi đội lúc đó là Hugh Thompson từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì hành động ngăn cản tội ác chiến tranh này.
Năm 2008, 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, cả hai đều được chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Người lính, phần thưởng cao quý nhất của nước Mỹ cho sự dũng cảm trong các nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu. Họ đã trở về Việt Nam và gửi lại Bảo tàng Sơn Mỹ hai huân chương anh hùng ấy.
"Ông ấy là một người đàn ông vô cùng hiền hòa, với khát khao mãnh liệt về một thế giới hòa bình", bà Lisa chia sẻ về người chồng Lawrence Colburn.