Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạ Huy Long đem sinh mệnh mới cho ‘Lĩnh Nam chích quái'

Tiến sĩ Hán – Nôm Tô Lan cho rằng sách tranh Lĩnh Nam chích quái không chỉ đẹp, mà còn giàu hàm lượng tri thức lịch sử, văn hóa.

- Trước đây chị đã tiếp nhận tác phẩm văn học "Lĩnh Nam chích quái" như thế nào?

- Tôi đọc Lĩnh Nam chích quái từ tiểu học, có lẽ là năm học lớp 2. Lúc đó trong nhà có một ấn bản của tác phẩm này, không nhớ rõ là ấn bản năm nào, của đơn vị xuất bản nào vì đã thất lạc.

Khi là sinh viên ngành Hán Nôm của khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đọc lại Lĩnh Nam chích quái với tư cách là một tác phẩm văn học Việt Nam thời Trung đại.

Nếu ở lần đọc trước, sự đọc hoàn toàn tới một cách tự nhiên, cũng như đọc truyện cổ tích vậy, thì sự đọc thứ hai đã là cái đọc có “ý đồ”, nhằm đọc được những điều khác bên ngoài những yếu tố kỳ ảo hấp dẫn mà tác phẩm đưa đến.

Linh Nam chich quai,  To Lan,  Art Book anh 1
Sách Lĩnh Nam chích quái ấn bản ra mắt năm 2017 được yêu thích nhờ phần tranh của Tạ Huy Long.

- Vậy điều gì khiến chị đọc bản "Lĩnh Nam chích quái" 2017 của NXB Kim Đồng?

- Tôi đọc Lĩnh Nam chích quái 2017 của NXB Kim Đồng là để tham dự buổi ra mắt sách này theo lời mời của NXB, với tư cách là một diễn giả giao lưu với hoạ sĩ Tạ Huy Long.

Thú thực, nếu không có lời mời, chưa chắc tôi đã biết tới phiên bản mới này. Bởi Lĩnh Nam chích quái không phải là tác phẩm xa lạ với tôi, thêm nữa, tôi chỉ có đủ thời gian đọc sách liên quan trực tiếp tới lĩnh vực đang nghiên cứu.

- Vậy khi tiếp nhận ấn bản này, chị nhận xét gì phần tranh vẽ trong sách?

- Trước nhất, phải khẳng định Lĩnh Nam chích quái phiên bản 2017 là một dạng art-book, không phải là tranh minh hoạ. Có nghĩa là, phần tranh cũng quan trọng như phần chữ. Phần tranh không chỉ là thể hiện lại nội dung của phần chữ bằng ngôn ngữ khác – ngôn ngữ hội hoạ, mà nó cung cấp cho người đọc một cách hiểu khác mang tính đương đại.

- Là nhà nghiên cứu Hán Nôm, ít nhiều liên quan tới các vấn đề văn hóa, lịch sử. Vậy chị thấy các yếu tố lịch sử, văn hóa được họa sĩ thể hiện ra sao trong cuốn sách này?

 - Có thể nói ở mỗi bức tranh đều thấy một sự giàu có về hàm lượng tri thức lịch sử và văn hoá. Mỗi bức tranh cần được “đọc” chứ không chỉ để được “xem”.

Như tranh minh hoạ truyện Lý Ông Trọng tại sao lại có màu chủ đạo là màu đen? Ấy là vì Lý Ông Trọng là một nhân vật được gắn với thời Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc. Theo văn hoá phương Đông thì vị vua này thuộc hành thủy, tương ứng với màu đen, vì vậy là dưới thời Tần Thuỷ Hoàng thì màu sắc của vương triều là màu đen.

Hoặc như nhân vật Hà Ô Lôi được tạo hình với những đặc tính của dân tộc Chăm như nước da đen, thân hình tròn trịa v.v…, bởi thông qua nghiên cứu, các học giả đã chỉ ra rằng nhân vật trong truyện này ắt hẳn là có nguồn gốc Chiêm Thành, nếu không phải là tù binh bị đưa về kinh thành Thăng Long sau những trận chiến của nhà Lý, nhà Trần ở phương Nam.

Hiện nay, những dấu vết về giao thoa văn hoá Đại Việt – Chiêm Thành vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi tại Hà Nội, qua những di tích, qua những địa danh v.v…

Linh Nam chich quai,  To Lan,  Art Book anh 2
Tiến sĩ Tô Lan cho rằng không chỉ "xem" mà cần phải "đọc" tranh Tạ Huy Long trong Lĩnh Nam chích quái ấn bản 2017. 

- Phần hình ảnh trong "Lĩnh Nam chích quái" có ý nghĩa ra sao? Nó giải quyết những vấn đề gì mà các ấn bản trước đây chưa có được?

- Đây là một phiên bản Lĩnh Nam chích quái thứ 3, sau phiên bản chữ Hán, và chữ quốc ngữ.

Lĩnh Nam chích quái vốn là một tác phẩm văn học có tính phức tạp bậc nhất trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam nếu xét về phương diện văn bản học. Tức là có rất nhiều văn bản khác nhau.

Riêng ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm là 12 bản, thư viện Quốc gia là hai bản, thư viện Viện Sử học một bản, thư viện riêng của ông Phạm Quỳnh được nhà sách Khai Trí, Sài Gòn chế bản lại in kèm bản dịch năm 1960.

Đây là một tập hợp các truyện dân gian cõi Lĩnh Nam được cho rằng do Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú tập hợp ghi chép lại và san cải theo cách của mình. Sau đó văn bản này lại tiếp tục được nhiều thế hệ học giả hoặc hữu danh, hoặc vô danh tiếp tục gia công vào.

Theo cách này thì Lĩnh Nam chích quái là phiên bản thứ nhất – cố định truyện dân gian bằng Hán văn. Phiên bản thứ hai là phiên bản chữ quốc ngữ do Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San thực hiện trên cơ sở dịch từ văn bản Hán văn. Tuy nhiên, học giả này không dịch trọn vẹn một văn bản gốc nào cả mà căn cứ trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu so sánh 9 bản ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã đưa ra một phiên bản mới của Lĩnh Nam chích quái gồm 23 truyện.

Tới Tạ Huy Long đã từ văn bản quốc ngữ nói trên để tạo ra một ấn bản mới bằng tranh. Cả ba phiên bản này đều thể hiện lao động sáng tạo của những người thực hiện, và tuy bằng những cách thức khác nhau, nhưng cơ chế là như nhau. 

Linh Nam chich quai,  To Lan,  Art Book anh 3
Tranh minh họa Truyện dưa hấu trong sách.

- Chị nghĩ sao về đánh giá: “Phần tranh 'Lĩnh Nam chích quái' vừa mang các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng lại là sự kết hợp, pha trộn nhuần nhuyễn với các nền văn hóa khác”?

- Ở một chừng mực nào đó thì đánh giá này cũng thể hiện được giá trị tranh của Tạ Huy Long, tuy nhiên theo tôi thì nên đánh giá hơn như thế.

Điểm nổi bật và thống nhất qua tất cả tranh Tạ Huy Long trong ấn bản này đó là triết lý mà học giả Đinh Gia Khánh đã thể hiện trong lời giới thiệu bản dịch Lĩnh Nam chích quái của mình: “Ở đây chúng tôi không nhằm mục đích đi tìm nguồn gốc các truyện trong Lĩnh Nam chích quái. Chúng tôi chỉ muốn chứng tỏ rằng trước khi nêu cao tính chất dân tộc của tác phẩm cũng cần có một cái nhìn toàn diện”.

Cũng như tự thân các câu truyện trong Lĩnh Nam chích quái đã thể hiện, tranh của Tạ Huy Long đã đưa người đọc tới một hình dung về Việt Nam là một giao điểm của các luồng văn hoá di chuyển từ các châu lục, là một mảnh đất màu mỡ để gieo trồng hạt văn hoá từ khắp nơi.

Văn hoá là một thứ để chia sẻ chứ không phải để chiếm hữu, nên những hình họa có thể phảng phất bóng dáng của văn hoá Nhật Bản, Trung Quốc trong dáng hình Việt Nam nhưng đó là sự cộng hưởng, sự hòa hợp chứ không phải là bài trừ.

- Theo chị, việc vẽ tranh minh họa như Tạ Huy Long có đóng khung cái nhìn, cách tưởng tượng của độc giả về các nhân vật, bối cảnh trong "Lĩnh Nam chích quái"?

- Chắc chắn là đóng khung chứ. Vì đẹp quá và hay quá (cười). Nhưng làm gì có tác giả nào (hoặc dịch giả nào) lại không muốn làm điều đó. Ngay khi họ muốn độc giả tiếp nhận mình tức là một cách vô thức họ đã gây ảnh hưởng ở chừng mực nào đó. Đó là động cơ cho sáng tạo nhưng không bài trừ những sự sáng tạo trong tương lai.

Có nghĩa là nếu có một thế hệ được đóng khung bởi tranh Tạ Huy Long thì sẽ có một thế hệ khác được đóng khung bởi một tác giả khác, bằng một thể loại khác. Tôi nghĩ đó không phải là điều đáng quan ngại.

Linh Nam chich quai,  To Lan,  Art Book anh 4
Họa sĩ Tạ Huy Long.

- Theo chị, ấn bản "Lĩnh Nam chích quái" có minh họa của Tạ Huy Long có là một cách làm cho quá khứ sống động hơn, dễ tiếp nhận hơn với độc giả hôm nay?

- Tôi không nghĩ là chỉ có quá khứ mới được sống động bởi Tạ Huy Long đâu. Tạ Huy Long đã “thừa kế” rất nhiều từ quá khứ đấy chứ, nên tranh của Tạ Huy Long mới sống động như thế. Có thể nói đây là một mối quan hệ “hai chiều”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Phải có những tác phẩm có giá trị văn học cao như Lĩnh Nam chích quái mới có Tạ Huy Long, và phải đến Tạ Huy Long thì Lĩnh Nam chích quái mới có sinh mệnh mới. Từ góc độ này, ngoài lựa chọn của hoạ sĩ có thể thấy “con mắt tinh đời” của nhà xuất bản.

'Lĩnh Nam chích quái': Từ huyền thoại đến huyền sử

Bên cạnh việc gói ghém tâm thức, tình cảm của người xưa, tác phẩm này cũng để lại dấu ấn lớn lao trong những bộ sử truyền thống của Việt Nam.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm