Những tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường được xuất bản tại Việt Nam gần đây đem lại một góc tiếp cận mới thú vị cho giới nghiên cứu lịch sử cũng như bạn đọc đại chúng.
Gọi đúng tên một cuộc chiến
Từ 2006 đến nay, một số tác phẩm của sử gia Tạ Chí Đại Trường đã được lần lượt xuất bản tại Việt Nam, sớm nhất là cuốn Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802. Trong tác phẩm này, khác với các sử gia gốc Bắc luôn coi chiến cuộc Nguyễn – Tây Sơn là phong trào khởi nghĩa của nông dân, Tạ Chí Đại Trường, bằng công phu nghiên cứu của mình, đã định vị lại đây là cuộc nội chiến giữa các thế lực khác nhau của thời đại nhiễu nhương ấy.
Tác phẩm Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802. |
Thoát khỏi sự ràng buộc bắt nguồn từ những định kiến, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 đã dựng lại chi tiết bàn cờ quyền lực trong xã hội Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18. Những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện sinh động: những giáo sĩ thừa sai và các nhà buôn Tây phương, nhóm di dân Hoa kiều và cướp biển Tề Ngôi, các thế lực ngoại bang Xiêm La và Mãn Thanh, nhà Lê-Trịnh thời mạt diệp và những vị hoàng thân chạy loạn... Vượt lên trên hết là gương mặt hai đối thủ lớn nhất của thời đại này: Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh.
Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 chiếm một địa vị riêng trong những tác phẩm sử học về giai đoạn Trung đại. Ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1973 tại Sài Gòn, tác phẩm đã được học giới nhìn nhận như một công trình chung quyết về lịch sử phân ly và nhất thống đất nước.
Nhà chuyên môn tìm thấy ở sách một tinh thần học thuật không vì nể, người đọc phổ thông tìm thấy trong sách những câu chuyện xảy ra nhiều thế kỷ trước mà ảnh hưởng còn mãi đến ngày nay. Khi đọc các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta thấy có một sự tìm kiếm sự thật công phu, có sự nhận định và lý luận thẳng thắn.
Một góc tâm linh người Việt
Tạ Chí Đại Trường khi sinh thời đã đinh ninh rằng “Người ta chỉ có thể thay đổi chứ không thể hủy thần linh…” và thần linh xuất phát từ “vọng tưởng thiêng liêng” trong tâm hồn người Việt.
Không chỉ là một công trình quan trọng nghiên cứu cách thức suy nghĩ và ứng xử của người Việt trong đời sống tâm linh, Thần, người và đất Việt còn là một bức tranh đa sắc về các hệ thống thần linh Việt; mỗi trang trong sách như một mảng màu miêu tả những biến chuyển văn hóa ẩn sâu dưới lớp hỗn độn của thần thoại, huyền sử và tín ngưỡng.
Từng gương mặt nhiên thần rũ bỏ vàng son tô vẽ, trở lại nét nguyên sơ trong sự vọng tưởng về văn hóa bản địa linh thiêng. Hiểu rằng thẳm sâu trong tâm thức người Việt luôn có một quan niệm về sự tồn tại thế giới siêu nhiên, Thần, người và đất Việt đã không dừng lại ở những khảo sát hệ thống thần linh thuở sơ khai, mà còn đặt những bước đi đầu tiên trong việc làm sáng tỏ chiều hướng kết tập thần linh mới.
Thần, người và đất Việt - một tác phẩm đưa ra nhiều kiến giải thú vị về văn hóa truyền thống Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường. |
Đồng quan điểm với nhà sử học Dương Trung Quốc khi nhận định Thần, người và đất Việt là một công trình vạch lại chi tiết lịch sử biến chuyển các quan niệm thần linh của người Việt, sử gia Nguyễn Thế Anh cũng chỉ rõ: “Nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường là nghiên cứu các đổi thay: tín ngưỡng tôn giáo chuyển hóa hơn là tan biến, với những đổi thay nghi thức phụng thờ đi đôi với sự lệ thuộc thần quyền vào thế quyền, với những niềm tin mới phát xuất từ sự gặp gỡ với những văn hóa ngoại lai.”
Qua ngòi bút của Tạ Chí Đại Trường, nguyên do và hình thái của đình, chùa, miếu, quán và các nơi thờ tự khác của người Việt hiện rõ trong cấu trúc tâm linh trải dài theo thế cuộc. Sau những cuộc chiến (với người Chàm chẳng hạn), những thần linh lại theo chân tù nhân phả vào hồn dân tộc những tâm thức mới mẻ, truyền đến tận ngày nay.
Những người lính thuộc địa
Câu chuyện bắt đầu khi người Pháp khởi sự xâm chiếm và đặt ách bình định lên vùng đất phương Nam rộng lớn. Đội quân viễn chinh nhanh chóng lợi dụng ngay cơ chế binh dịch sẵn có và nguồn nhân lực tại chỗ để sẻ bớt gánh nặng máu xương.
Những con người với xuất thân khác nhau nay được chiêu mộ thành một đội quân chính quy dưới quyền chỉ huy của khung cán bộ Pháp. Từ đây họ, với khẩu súng dài lê thê và cái chóp đồng loang loáng trên mũ sẽ trở thành một biểu tượng quyền lực quân sự quan trọng một thời .
Nguyên tác phẩm Người lính thuộc địa Nam kỳ là bản thảo luận án tiến sĩ lịch sử tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1975 của Tạ Chí Đại Trường, mãi 30 năm sau mới được san định và xuất bản (tới 2011 được NXB Tri Thức in tại Hà Nội).
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường. |
Người lính thuộc địa Nam kỳ tập trung soi rọi một mảng lịch sử quan trọng từng bị quên lãng ngay trên chính quê hương mình, đó là những người lính vì mưu sinh đã đầu quân cho người Pháp.
Cùng một cung cách khảo cứu công phu như ở Lịch sử nội chiến, trong Người lính thuộc địa Nam kỳ, Tạ Chí Đại Trường mang đến nhiều kiến giải sâu xa về mối quan hệ đan cài phức tạp giữa các phe phái dân sự-quân sự cầm quyền tại một xứ thuộc địa, giữa lính bản xứ và sĩ quan chính quốc, vị trí của người lính trong hoàn cảnh mới qua số phận những nhân vật nổi bật như Đỗ Hữu Phương, Trần Bá Lộc... và cả những viên cai, viên đội nay đã thành vô danh theo “cát bụi thời gian”.
Có điều gì giống nhau giữa Tạ Chí Đại Trường và Trịnh Văn Thảo khi giáo sư Thảo nghiên cứu về “những người lính thợ Đông Dương” sang Pháp và rơi vào quên lãng của lịch sử (Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952) – Một trang sử thuộc địa bị lãng quên). Mặc dù, trong số những lĩnh thợ này có những người rất nổi tiếng như họa sĩ Lê Bá Đảng. Phải chăng cái tâm của sử gia chân chính là không được quên lãng lịch sử, vì bất cứ lý do gì?
Với văn phong giản dị, bút lực dồi dào, sử gia Tạ Chí Đại Trường đã đưa độc giả đến một góc hồn sử của Người Việt, đâu đó trong tâm tưởng của mỗi con dân đất Nam…
Sử gia Tạ Chí Đại Trường quê gốc Bình Định, sinh ở Nha Trang, sang Mỹ từ năm 1994 và sống tại Westminster, bang California.
Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hạng mục Giải Nghiên cứu. Ngày 24/3/2016, ông qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM.
Bút danh Tạ Chí Đại Trường là bởi Tạ Chí là họ và của thế thứ, Đại Trường là ghép của hai địa danh ở tỉnh Khánh Hoà, nơi ông ra đời: Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái).
Các tác phẩm đã xuất bản trong nước: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt; Những bài dã sử Việt; Người lính thuộc địa Nam Kỳ và Chuyện phiếm sử học.