Chất lượng không khí ở Sydney đã sụt giảm nghiêm trọng hôm 10/12 khi thành phố bị bao phủ trong làn khói dày đặc, làm gián đoạn các dịch vụ vận tải và khiến chính quyền phải đưa ra các cảnh báo về sức khỏe.
Reuters cho hay tại một số khu vực ở Sydney, chỉ số chất lượng không khí đã cao gấp 11 lần ngưỡng an toàn, theo dữ liệu chính phủ.
Tình trạng khói mù đã kéo dài trong hai tuần qua với hơn 100 đám cháy đang diễn ra ở hai bang New South Wales và Victoria, trong đó nhiều đám cháy đã bắt đầu từ tháng 11. Ít nhất 4 người thiệt mạng, hơn 680 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 1 triệu ha đất rừng bị thiêu rụi.
Sau khoảng thời gian tạm lắng dịu vào cuối tuần trước, tình hình đang trở nên tệ hơn hôm 10/12 khi nhiệt độ tăng lên đến 40 độ C và gió thổi mạnh, làm dấy lên lo ngại rằng cháy có thể lan sang các khu vực đông dân cư hơn.
Tình trạng khói mù đã kéo dài trong hai tuần qua tại Sydney. Ảnh: AAP |
Những dự báo như vậy đã làm gia tăng lo lắng về cái gọi là "megablaze" (đám cháy siêu lớn) ở phía bắc Sydney, thành phố lớn nhất đất nước. Trải dài hơn 60 km, vùng cháy ở khu vực Hawkesbury, cách Sydney khoảng 50 km về phía tây bắc, có thể lan rộng nếu có gió mạnh như dự báo, theo các nhà chức trách.
Dù không có lệnh sơ tán chính thức, nhiều cư dân địa phương đã quyết định đi khỏi nhà, Thị trưởng Hawkesbury Barry Calvert nói với Reuters.
"Thật kỳ lạ, nhiều người đã quyết định rời đi, và tôi sẽ làm điều tương tự", ông Calvert nói. "Tôi đã trải qua chuyện này khoảng 20 năm trước, đứng ngoài ngôi nhà của mình và nhìn ngọn lửa cao 15 m. Khi đó, tôi đã tự bảo mình rằng tôi sẽ rời đi sớm nếu chuyện này xảy ra lần nữa".
Trong khi tình hình được dự báo không đến mức "nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc" như tháng trước, các nhà chức trách cho biết thời tiết khô, nóng gần đây đã làm gia tăng diện tích có thể bị cháy.
Trấn an người dân địa phương, Thủ tướng Scott Morrison cho biết có 111 máy bay sẵn sàng tham gia các nỗ lực chữa cháy nếu cần.
Cháy rừng là chuyện phổ biến trong mùa hè nóng, khô, ở Australia nhưng sự dữ dội và đến sớm của các đám cháy trong mùa xuân ở bán cầu nam là điều chưa từng xảy ra. Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đã khiến rừng trở nên khô cằn.