Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo nước này sẽ hoãn Olympic tới mùa hè năm 2021 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Quyết định nói trên được xem là đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành. Tuy nhiên, nó sẽ khiến các lãnh đạo của thể thao thế giới phải giải bài toán khó, đó là ngăn chặn những kẻ "gian lận".
Sun Yang có thêm cơ hội khi Olympic Tokyo 2020 bị hoãn. Ảnh: Getty. |
Thời hạn án phạt
Chủ tịch Ủy ban Phòng chống doping Mỹ (USADA) Travis Tygart bày tỏ sự lo lắng về trường hợp Sun Yang và nhiều vận động viên khác đang chịu án phạt vì sử dụng chất cấm.
"Sự thật là bạn không thể tăng hình phạt hoặc thay đổi luật để đối phó với các trường hợp vi phạm, sau khi Olympic Tokyo 2020 bị hoãn", Tygart phân tích trên Yahoo. "Quy định là quy định và có thể nhiều vận động viên đang chịu án phạt vì doping sẽ có thể tham dự Olympic vào năm 2021".
Nhiều VĐV hoặc huấn luyện viên sẽ chịu án phạt cấm thi đấu vì doping trong thời gian Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào mùa hè năm nay. Nhiều VĐV cử tạ của Thái Lan hay các ngôi sao thể thao của Nga thuộc nhóm này. Tuy nhiên, khi Thế vận hội bị hoãn sang năm 2021, họ có thể tham dự bình thường nếu đã chịu xong án phạt.
Tygart khẳng định: "Đây là vấn đề đã được bàn thảo trong các cuộc thảo luận của nhiều cơ quan chống doping từ 21 quốc gia trên thế giới. Khi Olympic 2020 đã bị hoãn, đây sẽ là vấn đề vô cùng phức tạp và khiến nhiều bên đau đầu".
IOC và Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) đang xem xét ý tưởng áp dụng luật từ giải bóng chày Nhà nghề Mỹ (Major League Baseball), đó là tiếp tục án phạt với các VĐV bị cấm thi đấu vì doping nếu giải đấu bị hoãn vì bất cứ điều gì.
WADA dự kiến triển khai bộ luật chống doping mới vào tháng 1/2021, nhưng tổ chức này cho biết ngay cả theo các quy tắc mới, không có điều khoản nào ngăn cản vận động viên gian lận doping bị cấm tham gia Olympic năm nay dự sự kiện vào năm tới nếu họ đã hoàn thành án cấm.
Sẽ có những pháp lý nảy sinh nếu một VĐV đã chịu xong án cấm thi đấu của mình, nhưng bị từ chối tham dự Olympic vào mùa hè năm 2021. Họ có thể kiện các cơ quan thể thao ra tòa.
Tay bơi xinh đẹp người Nga, Yuliya Yefimova thậm chí tuyên bố sẽ kiện lên Tòa án thể thao (CAS) nếu không thể tham dự Olympic Tokyo trên tư cách trung lập. Yefimova hiện không được tham dự Olympic vì từng chịu án cấm doping nhiều năm trước.
Siripuch Gulnoi - một trong những nữ lực sĩ hàng đầu thế giới của Thái Lan - từng bị phát hiện sử dụng doping và bị cấm thi đấu ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters. |
Cơ hội mở ra với Sun Yang
Với Sun Yang, kình ngư người Trung Quốc sẽ có thêm thời gian để thử vận may ở Tòa án Liên bang Thụy Sĩ. Sau khi nhận án phạt cấm thi đấu 8 năm hồi cuối tháng 2, Sun Yang tuyên bố quyết định của CAS là "bất công" và sẽ làm tất cả để sự thật sáng tỏ.
Sun Yang và đội ngũ luật sư đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Liên bang Thụy Sĩ (Swiss Federal Tribunal - SFT). Đây là nơi có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự quốc tế ở cấp cao hơn CAS và có quyền lật ngược các quyết định của những tổ chức dân sự có trụ sở tại Thụy Sĩ như CAS, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) hay Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).
"Có sự thật là CAS hay WADA không phải nơi đưa ra các phán quyết cuối cùng", Tygart thừa nhận. Sun Yang có thể chờ đợi nếu SFT thụ lý đơn kháng cáo, họ có quyền ra phán quyết tạm dừng đối với bất kỳ án phạt nào từ CAS hay các tổ chức dân sự khác ở cấp thấp hơn để chờ điều tra.
Điều này đồng nghĩa với việc Sun Yang có cơ hội tham dự Olympic Tokyo vào năm 2021. Trong một số vụ việc cụ thể, việc tạm đình chỉ án phạt của SFT còn phụ thuộc vào động thái của bên liên quan. Ở trường hợp của Sun Yang, Cơ quan phòng chống doping thế giới (World Anti-Doping Agency - WADA). WADA có thể đưa ra các bằng chứng hoặc lời buộc tội, yêu cầu SFT không hoãn thời gian thi hành án hoặc chỉ hoãn trong thời gian ngắn.
Ngược lại, kình ngư 28 tuổi người Trung Quốc có thể tiếp tục có thêm thời gian, tìm và củng cố các bằng chứng của mình để khiến SFT phủ quyết hoặc tạm hoãn các phán quyết từ CAS. Trong phiên điều trần trước CAS, Sun Yang từng nhiều lần thanh minh những nhân viên kiểm tra doping không trình báo danh tính và giấy tờ cho thấy họ đủ thẩm quyền liên quan tới công việc.
Hồi tháng 1/2019, tay bơi 28 tuổi được tuyên trắng án bởi Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA). WADA sau đó lại kiện lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) để chống trả phán quyết của FINA. Đến 28/2, CAS đưa phán quyết cuối cùng cho tay bơi tay bơi người Trung Quốc là án phạt cấm thi đấu 8 năm.
Olympic Tokyo 2020 đã bị hoãn tới mùa hè năm 2021. Ảnh: Getty. |
Những kẻ gian lận tiềm tàng
Bên cạnh vấn đề của Sun Yang và nhiều VĐV đang thụ án khác, một vấn đề khiến các cơ quan phòng chống doping thế giới đau đầu nằm ở việc nhiều VĐV khác có thể tận dụng việc hoãn Thế vận hội mùa hè Tokyo để thử nhiều loại doping và thuốc kích thích mới.
"Tôi luôn hy vọng các VĐV sẽ giữ mình trong sạch. Tuy nhiên, thật ngây thơ khi nghĩ những kẻ gian lận chưa bị phát hiện sẽ không tận dụng thời gian hoãn Olympic để thử nghiệm thêm các loại thuốc mới", Tygart phân tích.
Cuộc chiến chống doping trên thế giới gần như là cuộc đua của công nghệ, và việc phát hiện cũng như tìm ra các loại chất kích thích mà nhiều VĐV sử dụng. Những cơ quan như WADA hay USADA sẽ phải quan sát kỹ tình hình để đưa ra các phương án.
"Các cơ quan phòng chống doping phải chạy đua với thời gian và công nghệ để có thể bắt kịp và tìm ra những kẻ gian lận mới. Chúng tôi có thể phải làm mọi thứ thật nhanh trong 5-6 tuần để đảm bảo mọi thứ trong sạch. Đó là thách thức", Tygart kết luận.