Không ít liên đoàn thể thao trên thế giới đã chỉ trích Nhật Bản. Thậm chí, một thành viên của Ủy ban Olympic thế giới (IOC) còn viết trên mạng xã hội mắng Nhật Bản là “vô cảm và vô trách nhiệm” khi kiên quyết tổ chức Olympic giữa thời dịch bệnh.
Chúng ta có lý do để tin Nhật Bản phải đi tới nước hoãn Olympic sang năm 2021 một phần đến từ sức ép quá lớn của dư luận, song hãy thông cảm cho Nhật Bản. Họ đã làm những gì có thể để kỳ Olympic 2020 diễn ra hoàn hảo. Và họ có quyền được nuối tiếc. Hãy cùng cảm nhận qua những câu chuyện lượm lặt sau.
Người Nhật đã nỗ lực suốt 7 năm qua để ngọn đuốc Olympic bùng lên mùa hè này. Ảnh: Getty Images. |
Những mẩu chuyện lượm lặt
Nằm khuất trong những con ngõ nhỏ trên phố Higashiogu, Arakawa, Tokyo có một căn nhà 2 tầng treo biển: Tokyo 2020. Căn nhà thuộc về cặp vợ chồng già. Người chồng từng học tập ở Mỹ, thông thạo tiếng Anh, đã về hưu một thời gian. Ông sống cùng người vợ làm nội trợ trong căn hộ 2 tầng - nơi mà vợ chồng ông cùng 2 cậu con trai đã sống cả cuộc đời.
Thế rồi ông nghe tin Tokyo sẽ trở thành nơi diễn ra Olympic 2020. Ông nảy ra ý tưởng: Biến căn hộ của mình thành nhà khách xinh xắn với cái tên đại diện luôn cho kỳ Olympic. Căn hộ của ông nằm cách trung tâm khoảng 20 phút đi tàu, ẩn mình trong khu dân cư yên tĩnh. Nó khá đẹp.
Tuy nhiên, ông chỉ thu một khoản phí rất nhỏ: Căn phòng đủ cho 4 người ở có giá 2.000 yên/đêm. Đây là mức giá thấp khó tin tại thành phố đắt khủng khiếp như Tokyo (giá trung bình cho một đêm ở là trên 7.000 yên). Ông không có ý định làm giàu. Người đàn ông này chỉ muốn sống cùng hơi thở Olympic. Ông muốn chia sẻ áp lực về nơi ở với thành phố thân yêu của mình.
Ở Nhật Bản, không hiếm gặp những con người như thế. Sau khi Olympic chính thức bị hoãn sang năm 2021, Ủy ban kiểm toán Nhật Bản mới công bố khá nhiều con số gây ngỡ ngàng. Một trong số đó là số tiền 3 tỷ euro mà các công ty tư nhân của Nhật đã đóng góp để chung tay với chính phủ tạo nên kỳ Thế vận hội đáng nhớ.
Ở Tokyo, line tàu Yamanote chắc chắn là line nổi tiếng nhất. Line tàu này chạy ra những khu vực nổi tiếng nhất Tokyo, trong đó có Shinjuku. Với lượng người qua lại vượt mốc 3.500 người/ngày, Shinjuku là ga tàu đông đúc nhất thế giới.
Shinjuku là nhà ga có lượng người qua lại đông nhất thế giới. Ảnh: Realestate. |
Tuy nhiên, cũng nằm trên line Yamanote có một ga tàu tên Tabata. Đây là nhà ga cực kỳ nhỏ bé, hoang vắng với số lượng người qua lại thậm chí có thể đếm trên đầu ngón tay mỗi ngày. Trước cửa ga còn có điểm tập kết rác và cách không xa là một nhà tang lễ.
Thiệt hại đâu chỉ về tiền
Tuy nhiên, chính quyền thành phố Tokyo đã thổi một luồng sinh khí mới vào nhà ga Tabata sau khi bộ phim “Đứa con của thời tiết” lên sóng truyền hình. Bộ phim nổi tiếng này có những cảnh quay đẹp và lãng mạn ở con dốc và được diễn viên chính nhiều lần nhấn mạnh “nó nằm ở cửa phía nam ga Tabata”. Kể từ đó, con dốc chạy ngang ga Tabata bỗng dưng đông đúc khách du lịch.
Không có sự tình cờ nào ở đây cả. Chính quyền Tokyo muốn biến toàn bộ những nhà ga trên line tàu Yamanote thành các địa điểm “in dấu chân của khách du lịch vào dịp Olympic”. Sự cầu toàn của người Nhật Bản quả thật đáng nể. Nó cho thấy tâm huyết mà nước Nhật đổ vào Olympic lớn hơn gấp bội so với những con số khô khan được thống kê trên mặt báo.
Trong nỗ lực phục vụ khoảng 60.000 khách du lịch dự kiến sẽ tới Tokyo vào mùa hè này, Nhật Bản còn cầu cứu một lượng tình nguyện viên rất lớn từ các quốc gia nói tiếng Anh. Họ làm việc như các nhân viên chính thức tại các nhà ga lớn và nhiệm vụ chính là giúp đỡ các du khách nước ngoài. Sự có mặt của những cô gái phương tây tóc vàng rực, nhưng lại bộ đồng phục của Nhật Bản mang tới cảm giác thú vị và thân thiện đối với các du khách nước ngoài.
Nhật Bản đã dốc toàn bộ tâm huyết cho Olympic 2020. Ảnh: Eugene Hoshiko/AP. |
Những câu chuyện lượm lặt trên chính là những lát cắt nhỏ cho thấy nỗ lực và sự chu đáo của người Nhật trong quá trình chuẩn bị cho Tokyo 2020. Người Nhật là thế. Đến cả những sự kiện mang tầm khu phố cũng được họ tổ chức công phu, chi tiết, chuyên nghiệp, thì Olypmic đích thực là mục tiêu lớn mà cả xã hội cùng chung tay xây dựng.
Việc Olympic phải hoãn sang năm 2021 là sự nuối tiếc lớn không chỉ với chính phủ Nhật Bản, mà đối với toàn bộ người dân Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung. Chúng ta đã được biết về con số thiệt hại vượt trên 2.000 tỷ yên, về những kế hoạch sụp đổ, những mất mát khổng lồ về lượng khách du lịch, những tấn hàng hóa sẽ bị tồn đọng lại.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không biết được biết bao giọt mồ hôi và tâm huyết đã đổ xuống từ năm 2013 đến nay để Tokyo sẵn sàng cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Nhật Bản đang hụt hẫng biết bao khi ngọn đuốc Olypmic không thể bùng lên mùa hè này.