Tối 24/4 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo nước này sẽ hoãn Olympics tới mùa hè năm 2021 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Quyết định nói trên được xem là đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, nhưng sẽ để lại hậu quả cho nền kinh tế xứ sở hoa anh đào.
Chính phủ Nhật và IOC đã đồng ý hoãn tổ chức Olympics sang năm tới. Ảnh: Reuters. |
Tổn thất hàng tỷ USD
Việc chính phủ Nhật Bản và IOC chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định cuối cùng về tương lai của Olympic 2020 xuất phát từ các lợi ích tài chính và pháp lý.
Theo ước tính từ ban tổ chức Thế vận hội mùa hè 2020, ngân sách mà Nhật Bản bỏ ra cho sự kiện này lên tới 1,35 nghìn tỷ yên. Reuters cho biết con số này chưa bao gồm các chi phí liên quan khác, ví dụ như việc Nhật Bản chuyển địa điểm thi đấu của môn marathon từ Tokyo sang Sapporo vào tháng 10/2019, tiêu tốn của nước này gần 30 triệu USD.
Rất nhiều tiền được Nhật Bản bỏ ra để cải tạo hệ thống giao thông, xây dựng địa điểm thi đấu và thu hút khách du lịch. Chính quyền địa phương dự đoán có khoảng 90 triệu khách du lịch sẽ đến Nhật Bản trong thời gian diễn ra Olympic.
Việc Olympic Tokyo 2020 bị hoãn không chỉ ảnh hưởng nặng tới thành phố Tokyo. "Thiệt hại kinh tế sẽ bao trùm toàn bộ đất nước Nhật Bản", Keith Henry, một chuyên gia chính sách công tại Nhật nói trên CNN. "Mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là các du khách sau khi đến Tokyo có thể khám phá toàn bộ đất nước".
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng các du khách đến trong thời gian diễn ra Thế vận hội sẽ tạo ra cú hích cho đất nước. Họ là những người sẵn sàng trả tiền thuê phòng cao hơn bình thường và sẽ góp phần quảng bá hình ảnh xứ sở mặt trời mọc ra thế giới.
Jun Saito - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho biết các công ty và chính phủ đã chi khoảng 32-41 tỷ USD cho việc xây dựng các địa điểm thi đấu và bổ sung nơi lưu trú cho các khách sạn. "Gánh nặng tài chính với các công ty đã đổ tiền và kỳ vọng vào Thế vận hội là rất lớn", Saito cho biết.
Nikkei Asian Review đưa ra dự đoán Nhật Bản sẽ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD khi Thế vận hội mùa hè Tokyo không diễn ra theo kế hoạch. Con số này chưa tính đến thiệt hại của các nhà tài trợ, hay các đơn vị truyền hình khác của giải đấu.
Victor Matheson, chuyên gia kinh tế thể thao của Đại học Holy Cross dự đoán con số thiệt hại cuối cùng mà chính quyền Nhật Bản chịu khi Olympic Tokyo 2020 bị hoãn có thể lên tới 25 tỷ USD.
Nhật Bản sẽ chịu tổn thất về kinh tế khi Olympic bị hoãn. Ảnh: Getty. |
Tác động tiêu cực
Về phía các vận động viên, nhiều người ủng hộ quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, với những VĐV chưa thể giành quyền dự Thế vận hội, giải đấu bị hoãn đồng nghĩa với việc họ phải tiếp tục chờ. "Hàng nghìn VĐV đã chuẩn bị cho sự kiện này sẽ phải thay đổi kế hoạch của mình", Henry phân tích.
Việc Olympic 2020 bị dời sang năm 2021 còn khiến các tập đoàn truyền hình đang giữ bản quyền giải đấu không hài lòng. "Tiền bản quyển truyền hình của Olympic rơi vào khoảng 3-4 tỷ USD", Giáo sư Matheson phân tích. Về phía IOC, tổ chức này đã bỏ ra hơn 700 triệu USD để chuẩn bị cho giải đấu.
Với việc Olympics Tokyo và Paralympics sẽ được tổ chức muộn nhất vào mùa hè năm 2021, giải đấu này có thể trùng thời gian với nhiều sự kiện lớn khác của thể thao thế giới. Giải vô địch điền kinh thế giới sẽ diễn ra tại Mỹ từ ngày 6-15 tháng 8/2021.
EURO 2020 đã bị dời sang mùa hè 2021, và giải đấu này có thể diễn ra trễ hơn so với mọi năm nếu mùa giải 2020/21 của các giải VĐQG châu Âu bắt đầu trễ vào cuối năm nay.
Daily Mail nhận định các đơn vị truyền hình sẽ mất ít nhất 2,4 tỷ USD khi Olympic Tokyo 2020 không diễn ra như kế hoạch. Con số cuối cùng về tài trợ và bảo hiểm mà các đài truyền hình lớn như NBC, Discovery phải chịu có thể lên tới 7,5 tỷ USD.
Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đất nước Nhật Bản. Đầu năm nay, giới chuyên gia đã dự đoán nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc sẽ suy thoái do tác động tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng vào đầu tháng 10/2019.
Việc Nhật Bản tiến hành đăng cai Olympic 2020 được nước này coi như cơ hội để cải thiện bộ mặt quốc gia, sau các thảm họa động đất và sóng thần trong quá khứ. Năm 2011, thảm họa động đất và sóng thần diễn ra tại Nhật Bản làm chết gần 20.000 người và khiến 2.500 người khác mất tích.
Sau đó, thảm họa hạt nhân bắt đầu tại thành phố Fukushima khiến hình ảnh của Nhật Bản trong mắt thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. "Nếu người Nhật tiếp tục phải chờ thêm một năm nữa để tổ chức Olympic, điều đó sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho họ", Henry kết luận.