Tối 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo nước này sẽ hoãn Thế vận hội Tokyo tới mùa hè năm 2021 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Thủ tướng Nhật Bản cho biết đề nghị lùi thời gian tổ chức được gửi lên IOC và Chủ tịch Thomas Bach thống nhất ủng hộ trong cuộc điện đàm cùng ngày.
Trước thông tin này, Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng và các vận động trong diện dành vé tham dự Olympic tỏ ra không quá bất ngờ, đồng thời nhận định đây là cơ hội để lên kế hoạch nhằm chuẩn bị cho mục tiêu kép vào năm 2021.
Olympic Tokyo hoãn sang mùa hè năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Hoãn Olympic Tokyo là hợp lý
"Hoãn Olympic là quyết định hợp lý. Do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đã rút hết các VĐV tập huấn về nước. Tùy theo quyết định của IOC, lãnh đạo ngành thể thao sẽ ngồi lại xây dựng kế hoạch, bởi còn liên quan đến kế hoạch của liên đoàn quốc tế, lịch vòng loại Olympic các môn", ông Vương Bích Thắng chia sẻ với Zing.vn sau khi Olympic Tokyo hoãn sang năm 2021.
Quyết định hoãn Olympic được đưa ra khi các tổ chức thể thao và vận động viên gia tăng sức ép yêu cầu bố trí lại thời gian tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Trước đó, nhiều liên đoàn thể thao gồm Mỹ, Canada, Australia hay Brazil lên tiếng tẩy chay và tuyên bố không cho vận động viên tham dự nếu Olympic diễn ra vào tháng 7.
Trước thông tin hoãn Thế vận hội, võ sĩ Nguyễn Văn Đương, người vừa giành tấm vé thứ 5 cho Đoàn thể thao Việt Nam tỏ ra không quá bất ngờ. "Việc hoãn Olympic sang năm 2021 cũng không quá bất ngờ. Với tôi, đây cũng có thể coi là điều tốt, bởi sẽ có thêm thời gian chuẩn bị", Văn Đương chia sẻ.
Tại vòng loại Olympic môn boxing khu vực châu Á, võ sĩ Văn Đương xuất sắc hạ đối thủ người Thái Lan để vào bán kết và có vé tới Tokyo. Việc anh giành vé nằm ngoài dự liệu của ban huấn luyện. Ngay sau đó, Văn Đương được lên kế hoạch tập huấn, chuẩn bị cho Thế vận hội.
Thanh Tùng giành vé Olympic ở nội dung nhảy chống. Ảnh: Minh Chiến. |
Kế hoạch chuẩn bị cho năm 2021
Với việc lùi Thế vận hội sang mùa hè năm sau, thể thao Việt Nam sẽ có nửa cuối năm 2021 đầy bận rộn khi tham dự Olympic Tokyo và sau đó là chủ nhà của SEA Games 31. Ông Vương Bích Thắng cho rằng đây cũng là cơ hội để các vận động viên có thời gian tập huấn và thi đấu cho hai đại hội.
"Nhìn chung việc hoãn không ảnh hưởng nhiều, bởi sang năm SEA Games cũng sẽ diễn ra, những công việc này đều liên thông với nhau. Chúng tôi sẽ có kế hoạch chuẩn bị tốt cho các vận động viên vừa dự Olympic và cũng là tập huấn, thi đấu SEA Games sau đó", ông Thắng cho biết.
Đoàn thể thao Việt Nam hiện có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo, bao gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (TDDC), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), và Nguyễn Văn Đương (boxing). Theo IOC, việc vòng loại nhiều môn Olympic bị hoãn khiến số vận động viên đủ điều kiện tham dự Tokyo mới chỉ đạt 57%.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang, người trực tiếp dẫn dắt Lê Thanh Tùng giành vé môn thể dục dụng cụ cho biết: "Về mặt thuận lợi, chúng tôi có thêm thời gian để tập luyện. Từ lúc Tùng giành vé, chúng tôi đã lên kế hoạch tập huấn ở Nhật".
"Liên đoàn thể dục đã liên hệ bên Nhật, nhưng kế hoạch có thể thay đổi vì tình hình dịch bệnh. Còn 1 năm chuẩn bị cho Tùng, nếu tình hình ổn, chúng tôi vẫn có thể đi tập huấn. Xấu nhất, thầy trò sẽ vượt khó, rèn quân trong nước", HLV Sang bày tỏ.
Hoàng Thị Duyên đang giữ kỷ lục hạng 59 kg tại SEA Games. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong nhóm có cơ hội giành vé dự Olympic, đô cử Hoàng Thị Duyên trải lòng: "Khi nghe tin, tôi buồn vui lẫn lộn. Các giải bị hoãn, cả đội đang tập luyện duy trì thể lực và điều chỉnh kỹ thuật chỗ bản thân yếu kém. Năm ngoái cử tạ thi đấu nhiều căng quá, coi như năm nay cho bộ máy cơ thể được nghỉ dưỡng, dễ lên dây cót năm sau vậy để chuẩn bị cho 1 năm nhiều thách thức".
Cử tạ Việt Nam hiện có 3 vận động viên nằm trong top 8 thế giới mỗi hạng cân và gần như nắm suất dự Olympic. Đó là Thạch Kim Tuấn (61 kg nam), Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ) và Vương Thị Huyền (49 kg nữ).