BBC đã gọi những bất đồng giữa Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 là "cuộc chiến của những con gà". Giữa hai bên có sự xung đột về các quyết định hoãn hay tiếp tục tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay.
BTC Olympic phản đối bất kỳ quyết định hoãn giải đấu nào, nhưng chịu sức ép từ các bên liên quan. Ảnh: Noriko Hayashi. |
Làn sóng kêu gọi hoãn Olympic
Trong cuộc họp khẩn diễn ra ngày 22/3, IOC cân nhắc tới khả năng dời Olympic Tokyo sang năm 2021. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức mà hẹn thêm 4 tuần nữa. Đến ngày 24/3, Dick Pound - một trong những thành viên cao cấp của IOC (từng giữ chức phó chủ tịch) - tiết lộ IOC đã quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020 để tránh những nguy cơ từ dịch bệnh Covid-19.
"Dựa vào những thông tin cơ bản mà IOC có được, quyết định hoãn Olympic 2020 đã được đưa ra", Pound nói với USA Today. "Những gì tôi biết được rằng Olympic sẽ không diễn ra đúng thời hạn 24/7".
Tiết lộ của ông Dick Pound diễn ra trong bối cảnh làn sóng tẩy chay việc Olympic diễn ra trong năm nay đang dâng cao. Ủy ban Olympic Canada, Australia cho biết sẽ không cử vận động viên tới Tokyo trừ khi Thế vận hội bị hoãn một năm.
Sau đó, tới lượt Ủy ban Olympic Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hugh Robertson khẳng định tổ chức này nhiều khả năng sẽ có hành động giống như Canada và Australia, tức là tẩy chay Olympic 2020 nếu nó không được hoãn.
"Tôi nghĩ vấn đề rất đơn giản. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục như dự đoán của chính quyền, sẽ không có cơ sở nào để chúng tôi cử các vận động viên đến thi đấu", Robertson nói trên Sky Sports News.
"Các vận động viên sẽ không sẵn sàng để tập luyện và thi đấu. Mọi cơ sở hạ tầng để phục vụ cho thể thao đều bị đóng cửa trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc tranh tài trong thời điểm này là không phù hợp", Robertson khẳng định.
Sau Anh, Australia và Canada, có thêm Na Uy, Serbia và Croatia bày tỏ quan điểm muốn hoãn Olympic 2020. Ủy ban Olympic Mỹ đã khuyên ban tổ chức Thế vận hội Tokyo nên hoãn giải đấu. Tiếng nói của đoàn thể thao Mỹ chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên quyết định cuối cùng của IOC.
Chính phủ Nhật Bản không muốn Thế vận hội mùa hè bị hoãn. Ảnh: Reuters. |
Quan điểm từ phía Nhật Bản
IOC đứng trước quyết định khó khăn, bởi chính quyền Nhật Bản muốn Olympic Tokyo diễn ra đúng như dự kiến. Đất nước mặt trời đã đầu tư hàng tỷ USD cho sự kiện này và họ có thể chịu thiệt hại nặng nề nếu mọi thứ diễn ra không đúng như kế hoạch.
"Sự bất đồng giữa IOC và chính quyền Nhật Bản đến từ các vấn đề thương mại, pháp lý khổng lồ khi Olympic bị hoãn", John Mehrzad, luật sư trong lĩnh vực thể thao người Anh phân tích. "Các nhân vật có liên quan đang hết sức thận trọng trong việc đưa ra các quyết định cuối cùng. Nếu có điều gì đó không ổn xảy ra, họ sẽ bị chỉ trích thậm chí là kiện".
New York Times cho biết tại Nhật Bản, các chính trị gia và ban tổ chức địa phương phản đối với ý tưởng hoãn Thế vận hội. Nếu điều đó xảy ra, đất nước mặt trời mọc sẽ chịu thiệt hại khổng lồ về kinh tế. Ngân sách chi cho Olympic 2020 của Nhật Bản ước tính rơi vào khoảng 1,35 nghìn tỷ yên (tương đương 12,6 tỷ USD).
Yoshiro Mori, một thành viên trong BTC Olympics mô tả sự chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định cuối cùng là điều không thể tránh được. Người Nhật không ngu ngốc đến mức bỏ qua quan điểm và thái độ của VĐV cũng như các nước tham dự. Tuy nhiên, họ cần xem xét kỹ mọi việc.
Reuters dẫn lời một nguồn tin từ phía Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này đã tính đến các phương án B, C và D để Thế vận hội diễn ra đúng thời gian dự kiến.
Trong lịch sử của mình, Thế vận hội mùa hè từng 3 lần bị hoãn vì các cuộc chiến tranh thế giới, đó là vào các năm 1916, 1940 và 1944. Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, ngày hội thể thao lớn nhất thế giới phải dừng lại vì lý do khác ngoài chiến tranh.