Hải quân Mỹ đang vận hành 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, tạo nên hạm đội hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất thế giới. Tàu đầu tiên của lớp được đặt theo tên Đô đốc Chester W. Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trong Thế chiến II, vị chỉ huy tài ba giúp Mỹ đánh bại Hải quân Đế quốc Nhật Bản ở Mặt trận Thái Bình Dương. |
Tàu USS Theodore Roosevelt đang ở thăm Đà Nẵng thuộc lớp Nimitz, chiến hạm có uy lực hạng nhất trong lực lượng Hải quân Mỹ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ngoại trừ USS Nimitz (CVN-68), USS Carl Vinson (CVN-70) và USS John C.Stennis (CVN-74), các tàu còn lại đều được đặt theo tên các tổng thống Mỹ như tàu USS Theodore Roosevelt đang tới thăm ở Đà Nẵng. Chương trình tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz được khởi xướng từ giữa những năm 1960. Quá trình đóng mới diễn ra từ năm 1968-2006. |
Siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz có chiều dài 333 m, rộng lớn nhất 76,8 m, mớn nước 11,3 m, lượng choán nước dao động từ 100.000 đến 106.000 tấn. Nimitz là chiến hạm lớn nhất từng được chế tạo cho đến khi tàu sân bay USS Gerald R.Ford gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2017. |
Năng lượng cho cỗ máy chiến tranh khổng lồ này đến từ 2 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W cung cấp cho 4 tuabin hơi nước để truyền động cho 4 chân vịt với tổng công suất 260.000 mã lực. Lò phản ứng có thể giúp tàu hoạt động từ 20-25 năm mà không cần nạp nhiên liệu. |
Dù là cỗ máy chiến tranh khổng lồ, nhưng tàu sân bay lớp Nimitz lại sở hữu khả năng cơ động cực kỳ ấn tượng. Chiến hạm nặng hơn 100.000 tấn này có thể chạy với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ. |
Để vận hành chiến hạm khổng lồ này cần đến thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, trong đó hơn 3.000 thủy thủ vận hành các hệ thống của tàu và hơn 2.000 nhân viên hàng không. |
Nòng cốt sức mạnh trên tàu sân bay lớp Nimitz là 44 tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet. Chiến đấu cơ này được giới phân tích quân sự đánh giá là một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới. |
Các tiêm kích F/A-18 cung cấp năng lực tấn công tầm xa và phòng thủ trên không chống lại đợt tấn công của máy bay đối phương vào tàu sân bay. Tuy vậy, với sức mạnh áp đảo của Hải quân Mỹ, những chiếc F/A-18 tấn công nhiều hơn là phòng thủ. |
Ngoài ra, tàu còn mang theo 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Những máy bay này mang theo hàng loạt thiết bị gây nhiễu điện tử để áp chế radar trinh sát và điều khiển hỏa lực của đối phương, tạo nên chiếc ô điện tử che chắn cho phi đội tấn công. |
4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2 C/D Hawkeye. Những máy bay này được trang bị radar giúp mở rộng phạm vi cảnh giới cho hạm đội, đồng thời chỉ huy phi đội tiêm kích trong các nhiệm vụ tấn công vào lãnh thổ đối phương. Nó hoạt động như "tai mắt" trên bầu trời cho nhóm tác chiến tàu sân bay. |
6-8 trực thăng MH-60 Seahawk, chia thành 2 phi đội chống ngầm và chiến đấu. Ngoài ra, những chiếc trực thăng có nhiệm vụ vận tải hàng hóa chặng ngắn, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chuyên chở lực lượng đặc nhiệm. 2 máy bay C-2A Greyhound làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa tầm trung. |
Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz được trang bị 4 máy phóng hơi nước, cùng 3-4 cáp hãm đà cho phép việc cất cánh và hạ cánh diễn ra song song. Hệ thống máy phóng trên tàu có khả năng phóng một máy bay cứ sau mỗi 20 giây. |
Các tàu sân bay lớp Nimitz khi hoạt động trên biển được bảo vệ bởi đội tàu hộ tống hùng hậu. Mỗi tàu sân bay được hộ tống bởi một tuần dương hạm, 2-3 tàu khu trục và 1-2 tàu ngầm hạt nhân. |
Việc bảo vệ cho tàu sân bay là nhiệm vụ của đội hộ tống, nhưng tàu vẫn được lắp vũ khí cho nhiệm vụ phòng thủ. Tàu được trang bị 3-4 bệ phóng tên lửa hải đối không tầm thấp RIM-116, hoặc hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS cho nhiệm vụ phòng thủ đánh chặn tên lửa và vũ khí dẫn đường của đối phương. |
3 bệ phóng tên lửa hải đối không tầm trung RIM-7 Sea Sparrow, mỗi bệ phóng chứa 8 tên lửa. Nó có thể đánh chặn mục tiêu trong phạm vi từ 14-22 km, tùy phiên bản. Đây là những chốt chặn cuối cùng trên chiến hạm. |