Siêu hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã cập cảng Singapore sáng 17/10, sau một thời gian tiến hành các hoạt động "thường quy" trên Biển Đông cùng các tàu trong Nhóm Tác chiến Tàu sân bay số 5.
Di chuyển của tàu sân bay Mỹ, từ căn cứ ở Yokohama ở Nhật Bản hướng xuống phía nam, đã khiến Trung Quốc phản ứng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/9 chỉ trích Mỹ "diễu võ dương oai tại khu vực" sau khi tàu Reagan di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam cuối tháng trước.
Khi đó, một số báo loan tin rằng một số tàu Trung Quốc đã bám đuôi tàu Mỹ. Nhận định xuất phát từ một số hình ảnh vệ tinh được đăng trên mạng xã hội cho thấy tàu sân bay Reagan bị ít nhất 7 tàu được cho là các chiến hạm Trung Quốc vây quanh.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (lớn, bên trái) cùng một số chiếm hạm Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trả lời Bloomberg hôm 17/10, Chuẩn đô đốc George Wikoff - chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 70, nhóm chiến đấu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ - không bác bỏ thông tin trên.
"Chúng tôi chưa từng ngạc nhiên, chưa bao giờ, vậy nên hãy nói rõ ràng điều đó", ông Wikoff nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nhiệm vụ của tàu sân bay Reagan vẫn luôn "mang tính sát thương và sẵn sàng khi chuông reo và được lệnh làm vậy".
Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông được xem là cách Washington thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua cái gọi là "đường lưỡi bò". Dù không phải là bên tranh chấp, Mỹ thường xuyên nhấn mạnh cam kết về một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".
Từ năm 2015, Mỹ đã thực hiện các "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) trên Biển Đông, việc mà Trung Quốc phản đối. Hoạt động gần nhất diễn ra hồi tháng trước khi tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.