Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh của văn chương

Để trả lời cho câu hỏi “Đọc văn chương để làm gì?”, theo dịch giả Lê Quang, cần đặt ra câu hỏi: “Không đọc văn chương thì có sao không?”.

Trinh Lu anh 1

Nhiều người yêu thích đọc sách, nhưng một số băn khoăn đọc sách mang lại lợi ích gì. Tranh: Michelle Pereira/ABC News.

Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta đã được nghe ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Khi lớn lên, chúng ta được học trong trường những mẩu truyện ngắn hay trích đoạn tiểu thuyết.

Dù vô tình hay hữu ý, văn chương đến với con người theo sự rung động của tình cảm tự nhiên, không gò bó, ép buộc. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi ta đang đọc văn chương với mục đích gì? Văn chương có ý nghĩa gì với bản thân và cộng đồng? Chúng ta thu lượm được gì sau khi đọc những tác phẩm văn học?

“Đọc văn chương để làm gì?” không phải câu hỏi mới lạ, nhưng luôn thôi thúc những độc giả yêu văn chương đi tìm kiếm lời giải đáp. Đó cũng chính là chủ đề được các diễn giả, dịch giả giàu kinh nghiệm đưa ra bàn luận sáng 13/11 tại một điểm của hệ thống Nhà sách Phương Nam, Hà Nội.

Trinh Lu anh 2

Cứ 7 người Nhật thì có một người đọc tác phẩm văn học Rừng Na Uy. Ảnh: Thu Huệ.

Đọc văn chương là điều rất riêng tư

Lớn lên trong môi trường xung quanh là sách vở, gia đình có truyền thống văn chương, tiến sĩ văn học Quyên Nguyễn cho biết chị luôn bị văn chương chi phối.

“Thuở nhỏ đọc nhiều sách văn chương, lớn lên cũng làm việc trong môi trường văn chương, nên với tôi, văn chương luôn gắn liền với cuộc sống và trao cho tôi nhiều ý tưởng”, TS Quyên Nguyễn chia sẻ.

Theo chị, “đọc văn chương để làm gì” là câu hỏi cần suy ngẫm dài lâu và chưa thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Nhưng trước hết, với chị, văn chương là thứ gì đó rất riêng tư, liên quan đến cái “tôi” của người đọc.

Khi đọc văn chương, con người sẽ tìm thấy nhiều vui thú như có cảm giác được giải trí, hòa mình vào tác phẩm, tìm bản ngã và kết nối với cộng đồng.

Theo TS Quyên Nguyễn, đọc văn chương còn mang lại một vui thú nữa, đó là lao động trí óc. Đọc một tác phẩm văn học là công việc đòi hỏi sự lao động nghiêm túc ở người đọc, bởi khác với dòng sách kỹ năng thu nạp kiến thức, sách văn học yêu cầu ta phải đọc từng dòng, theo dõi văn bản, chỉ cần lơ là một chút là sẽ phải quay lại đoạn trước.

Dù văn chương không cung cấp một điều gì cụ thể, con người lại phải bỏ sức ra mỗi khi đọc. “Văn chương đòi hỏi người đọc phải tham gia vào văn bản để tương tác và tìm ra khoái lạc trong câu chuyện”, TS Quyên Nguyễn nói.

Có mặt tại buổi giao lưu, dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng như Rừng Na Uy, Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby, Biển, cũng cho rằng đọc sách văn chương là công việc mang tính chất riêng tư, không hướng tới mục đích cụ thể và mỗi người sẽ có một nguyên nhân, động lực đọc khác nhau.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, bản thân ông sớm hình thành thói quen đọc sách. Từ trước năm 1954, trong nhà ông đã có nhiều cuốn sách văn chương, kiến trúc, hội họa và âm nhạc.

“Đọc sách bắt nguồn từ thú vui cá nhân. Tôi đọc vì nó làm cho mình cảm thấy hứng khởi. Những nhân vật trong sách văn chương mà tôi đọc có nhiều ảnh hưởng đến tính cách, tuổi trẻ và tình yêu của tôi. Thời trẻ, tôi còn hay nghĩ những mối tình của mình cũng có nhiều điểm lãng mạn giống như tiểu thuyết”, họa sĩ Trịnh Lữ tâm sự.

Trinh Lu anh 3

Từ trái qua: Dịch giả Lê Quang, tiến sĩ văn học Quyên Nguyễn, dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ giao lưu sáng 13/11 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Huệ.

Phương thức chữa lành

Dịch giả Trịnh Lữ cũng nhận định văn chương là phương thức chữa lành tâm lý hiệu quả nhất cho mỗi người. Những nhân vật trong văn chương cũng dựa trên đời thực, nên mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, ông hay liên tưởng đến nhân vật trong các tác phẩm mà ông đã đọc và tin rằng mình cũng sẽ tìm ra hướng đi như họ.

Ông nói: “Đọc những cuốn sách văn học không phải đi tìm đức tin, mà để chiêm nghiệm và nghĩ về nó. Điều mà ta học được sẽ giúp hình thành thái độ sống, chứ không phải đọc rồi bắt chước một cách máy móc theo tâm lý và hành động của các nhân vật trong truyện”.

Đọc văn chương là điều mang tính cá nhân, nhưng dịch văn chương là điều mà cả dịch giả Trịnh Lữ, Quyên Nguyễn hay Lê Quang - những người góp công mang các tác phẩm văn học thế giới về Việt Nam - đều cho rằng nó hướng tới mục đích chia sẻ và lan rộng văn chương với mọi người.

Nhận định về nền văn học Việt, TS Quyên Nguyễn đánh giá chúng ta đang có một nền văn chương khá nghèo nàn, phải nhờ vào văn học dịch. Nhưng may mắn, những cuốn sách văn chương được giải thưởng uy tín trên thế giới đã nhanh chóng được dịch và có mặt ở Việt Nam để phục vụ bạn đọc.

Trong kho tàng văn học dịch đồ sộ, dịch giả Lê Quang được biết đến là người đã tham gia chuyển ngữ (cả tiếng Anh và tiếng Đức) gần 50 cuốn sách, nổi bật là Trái tim mù lòa, Người đọc, Tình ơi là tình, Vị hạt táo, Mùa hè dối trá….

Để trả lời cho câu hỏi “đọc văn chương để làm gì”, dịch giả Lê Quang đưa ra câu hỏi ở vế ngược lại: Nếu chúng ta không đọc văn chương thì có sao không? Ngoài văn chương, còn cách nào để tiếp cận cuộc sống một cách toàn diện nữa hay không?

Ông thừa nhận động cơ đọc văn chương của mình rất ích kỷ, bởi ông đọc cho bản thân, đọc để khai phá chính mình, giúp bản thân không bị bất ngờ trước nhiều tai ương trong cuộc đời. Chẳng phải là do trong những trang sách văn học, có quá nhiều nhân vật được khắc họa với những hoàn cảnh đa dạng hay sao? Và với mỗi khó khăn hay tình huống được đặt ra trong sách, người đọc sẽ tự biết soi chiếu vào cuộc đời mình.

Buổi đầu chật vật và quá trình tìm giọng riêng của Murakami

Nhà văn nổi tiếng chia sẻ về buổi đầu đến với văn chương, quá trình sáng tạo trong cuốn "Novelist as a vocation".

Ngôi nhà của những người yêu văn chương

Chuyên đề "Viết và Đọc" phát hành ba tháng một kỳ đã trở thành diễn đàn văn nghệ uy tín, một điểm đến cho người sáng tác và thưởng thức văn chương.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm