"Viết và Đọc" là ấn phẩm văn chương được nhiều cây bút lựa chọn. Ảnh: Phạm Hà Hải. |
“Chuyên đề Viết và Đọc ra đời chỉ như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện chân chính của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một nhà báo, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường... và mỗi một bạn đọc chính là một người kể chuyện của thế gian này. Không còn cách nào khác, chúng ta hãy bước đi và cất tiếng về những điều tốt đẹp đang bị vùi lấp bởi chính con người”.
Đó là trích đoạn trong lá thư Ban biên tập in trong số đầu tiên của Viết và Đọc ra mắt năm 2018. Đến nay, chuyên đề do Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện đã trở thành ngôi nhà chung của những người yêu văn chương cả nước.
Nơi hội tụ của người yêu văn chương
Sáng 28/10, đông đảo văn nghệ sĩ đã tề tựu tại Hà Nội mừng ấn phẩm Viết và Đọc đi qua chặng đường 5 năm. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - là chủ biên ấn phẩm Viết và Đọc. “Chúng tôi đã đi qua hơn 4 năm, một chặng đường nhỏ của đời người nhưng là chặng dài trong hành trình của một ấn phẩm”, ông Thiều mở đầu dòng hồi tưởng về những ngày đầu làm ấn phẩm.
Khi có ý tưởng về một ấn phẩm văn chương, nhóm thực hiện suy tư rất nhiều về cách làm. Một lần ngồi cùng bạn trong quán nước, ông Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Chúng ta phải làm văn nghệ bằng hai bàn tay trắng”. Người bạn đã giúp đỡ để những người yêu văn chương xây dựng diễn đàn của mình.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận hơn 4 năm qua, có những thăng trầm, có bài hay, bài dở, có số làm tốt, số chưa được, có cả lời khen, lời chê nhạt… Nhưng Viết và Đọc đã là ngôi nhà để những người kể câu chuyện của thế gian bước vào. Họ kể lại vẻ đẹp của cuộc sống, của nhân bản.
Đến nay, có khoảng 400 nhà văn, nhà phê bình, họa sĩ, nhà báo… đã tham gia ấn phẩm. “Rất may Viết và Đọc vẫn giữ nhịp. Cho dù thế nào, khát vọng, ý chí, say mê của những người cộng tác vẫn thể hiện trên từng ấn phẩm và tinh thần đó được lưu giữ trên hành trình tiếp theo”, chủ biên Nguyễn Quang Thiều nói. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã tham gia xây dựng chuyên đề.
Nhà phê bình Ngô Thảo là người biết ý tưởng Viết và Đọc từ sớm. Ông hoan nghênh sự xuất hiện của chuyên đề này. “Hiện nay ấn phẩm về văn nghệ rất nhiều. Giữa biển mênh mông ấy, ta cần vài cái neo, vài cột, trụ, mốc để người ta neo vào. Viết và Đọc đã khẳng định được vị trí của mình, là nơi neo vào của văn chương", nhà phê bình Ngô Thảo nói.
Đánh giá đội ngũ thực hiện chuyên đề đều là những gương mặt đáng chú ý, có ảnh hưởng, nhà phê bình Ngô Thảo nói: "Ấn phẩm này mạnh mẽ, chất lượng cao, cá tính nhưng vẫn đúng định hướng. Tôi hy vọng Viết và Đọc sẽ đi tiếp với tinh thần ấy".
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu tại kỷ niệm 5 năm chuyên đề văn chương. Ảnh: Hà Chi. |
Niềm vinh dự của những nhà văn
Nhà văn Trung Sỹ coi Viết và Đọc là chuyên đề với nhiều bài hay, là sự cô đúc lại của các tạp chí, báo về văn chương hiện nay. “Được đăng ở Viết và Đọc với tôi giống như niềm vinh dự”. Ông cho rằng chuyên đề ngày càng tốt, mở rộng về hình thức, ngày càng đẹp.
Đặng Xuân Hòa là một trong số họa sĩ tham gia minh họa cho Viết và Đọc. Ông nhớ lại khi chủ biên Nguyễn Quang Thiều mang một vài ấn phẩm đến, ông có cảm tình và muốn tham gia. Đó là không gian mở ra cho cả người viết trẻ. "Tôi thấy đây là điều đáng mừng cho người cầm bút trẻ, người cầm cọ trẻ", họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa đánh giá ấn phẩm có thẩm mỹ tốt, các khâu in ấn, trình bày, chất lượng bài viết đều tốt. Trên Viết và Đọc, tranh không đề là “minh họa”, mà đề “phụ bản”. Ở đó, họa sĩ kể câu chuyện của mình.
Dịch giả Châu Hải Đường là người tham gia viết, dịch tác phẩm cho Viết và Đọc. Khi dịch tác phẩm, ông chọn tác phẩm mới, văn chương đương đại ở nước ngoài để giới thiệu trên ấn phẩm. Cây bút 9X Phạm Minh Quân cũng thường viết, dịch tiểu luận về văn chương đương đại để giới thiệu trên chuyên đề này.
Theo nhà văn Trần Thanh Cảnh, điểm đặc biệt của Viết và Đọc ở chỗ đây là sân chơi tương đối lớn, thu hút nhiều người viết, dịch trên nhiều mảng khác nhau. Dung lượng một số của Viết và Đọc đủ độ dày để có số bài đa dạng từ nhiều tác giả, nhiều màu sắc tham gia.
“Trong nghề văn, cơ hội để trình hiện trên Viết và Đọc rất hấp dẫn, sang trọng. Đây là một chuyên đề có chất lượng văn học cao. Một nhà văn, nhà thơ xuất hiện trên Viết và Đọc như sự bảo chứng cho ngòi bút, một vinh dự với nhà văn"” nhà văn Trần Thanh Cảnh nói.
Hiện nay, việc công bố tác phẩm dễ dàng với nhà văn, chỉ cần một tài khoản mạng xã hội có thể đưa tác phẩm tiếp cận bạn đọc. Tuy vậy, một xuất bản phẩm như Viết và Đọc vẫn quan trọng với người cầm bút. “Vĩnh viễn cần. Đọc văn hóa trên mạng khác hẳn với đọc sách giấy. Ở những nước có nền văn hóa cao, mọi người đọc sách rất nhiều. Có xuất bản phẩm, sách giấy, ta mới có thể tiếp nhận, suy ngẫm về vẻ đẹp của văn học, nhân sinh. Còn đọc trên mạng chỉ là tiếp nhận thông tin. Điều đó buộc phải hình thành một ban biên tập, đội ngũ hùng hậu để duy trì ấn phẩm", nhà văn Trần Thanh Cảnh nhận định.