Tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sáng 15/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cấp thiết.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Thiếu cơ sở pháp lý để gỡ vướng trong phát triển điện lực
Sau khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài báo cáo về các nội dung trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đã trao đổi, phân tích chi tiết về một số vấn đề lớn, nổi bật là vướng mắc trong thẩm quyền quản lý giữa Trung ương, địa phương và chưa có quy trình rõ ràng khi thực hiện đầu tư các dự án điện (nguồn điện, hạ tầng truyền tải) với sự tham gia của cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.
Mặt khác, cơ chế, chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác... còn thiếu. Thị trường điện chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Các nội dung về an toàn công trình nguồn điện (thủy điện, điện năng lượng tái tạo), sử dụng điện chưa được quy định đầy đủ.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tạo không gian pháp lý mới cho điện năng lượng tái tạo. Ảnh: VGP/Minh Khôi. |
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (thuộc Bộ Tư pháp) cho rằng những vướng mắc, bất cập liên quan đến phát triển điện lực nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ thì phải được thể chế hoá cụ thể trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng nêu ý kiến, chỉ rõ Luật Điện lực phải giải quyết hai bài toán quan trọng là đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và giá điện.
Trước đó, riêng với những khó khăn trong cơ chế chính sách phát triển điện khí, tại một cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức hồi cuối năm 2023, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cũng cho biết hiện Việt Nam chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện...
“Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, đồng thời cũng không thể thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện..., tất cả vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí”, ông nói.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và cung cấp LNG tái hóa cho các nhà máy điện và khách hàng công nghiệp tại Đông Nam Bộ.
“Tuy nhiên, các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan”, ông Phong nhìn nhận.
Công trình kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS. |
Tại cuộc họp do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì sáng 15/7, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị thống nhất quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nguồn điện theo nguyên tắc, tiêu chí về giá bán điện; và chính sách chuyển đổi nguồn điện năng lượng hoá thạch sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hoặc năng lượng tái tạo.
“Đồng thời, áp dụng cơ chế tính giá điện theo thời điểm huy động hoặc bậc thang để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của hộ tiêu dùng”, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.
Chuyển đổi nguồn điện là chính sách quan trọng
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các Nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và tổng hợp lại thành các nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện lực.
Bộ Công Thương được yêu cầu tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực điện lực trước nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
“Luật cần tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh…”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng nhấn mạnh Luật Điện lực (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý để phát triển sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh... Ảnh: VGP/Minh Khôi. |
Một trong những nhóm chính sách quan trọng được lãnh đạo Chính phủ lưu ý là nhóm chính sách chuyển đổi nguồn điện sản xuất từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hoặc năng lượng tái tạo; giảm bớt tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng đến doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Bên cạnh đó là nhóm chính sách liên quan đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp điện lực; hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, nhóm chính sách lớn nhất, quan trọng nhất, khó khăn nhất vẫn là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng.
Phó thủ tướng đồng thời lưu ý Bộ Công Thương quan tâm đến các quy định sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và thế giới; vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện nền (pin lưu trữ điện, thủy điện tích năng, điện hạt nhân an toàn) để tăng tỷ lệ huy động điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới...
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.