Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự vũ khí hóa hình ảnh của đệ nhất phu nhân Mỹ

"First Ladies", loạt phim tài liệu của đài CNN, sẽ khắc họa cuộc sống đầy áp lực mà các đệ nhất phu nhân Mỹ phải gánh vác.

Từ trước đến nay, công chúng và giới truyền thông luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vị trí đệ nhất phu nhân Mỹ. Từ phong thái đến ngoại hình, mọi chi tiết về các đệ nhất phu nhân đều bị đặt dưới ánh nhìn dò xét của hàng triệu người.

First Ladies, loạt phim tài liệu của đài CNN, sẽ khắc họa cuộc sống đầy áp lực mà 6 đệ nhất phu nhân Mỹ phải gánh vác. Giáo sư Leah Wright Riguer tại Đại học Havard Kennedy, bình luận sau khi xem tập phim về bà Michelle Obama: “Các đệ nhất phu nhân là đại diện cho phiên bản tốt đẹp hơn của người Mỹ”.

Michelle Obama

Năm 2008, khi ông Barrack Obama được bầu làm tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, bà Michelle Obama cũng trở thành đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên. Đối với những người ủng hộ, bà là biểu tượng của niềm hy vọng và cơ hội đổi đời. Khi ấy, phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới đều ngưỡng mộ người phụ nữ gốc Phi thông minh, quyết đoán, xuất thân từ khu phố nghèo South Side của thành phố Chicago.

Vu khi hoa hinh anh cua cac de nhat phu nhan My anh 1

Bà Michelle Obama cũng trở thành đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên của nước Mỹ. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, phe phản đối lại chỉ trích cá tính mạnh mẽ và những ý tưởng khác biệt của bà Michelle Obama. Với tư tưởng phân biệt chủng tộc, họ nghi ngờ lòng trung thành của bà với nước Mỹ, đồng thời gán cho bà hình ảnh “người phụ nữ da màu nóng nảy”.

Khi mới xuất hiện trước công chúng với tư cách là đệ nhất phu nhân, sở thích mặc áo không tay của bà Michelle còn vô tình tạo ra làn sóng chỉ trích bất thường. Robin Givhan, nhà báo chuyên về thời trang của tờ Washington Post nhận xét: “Người ta chú ý đến điều này vì đệ nhất phu nhân không có cánh tay mảnh mai của một phụ nữ da trắng”.

Bà Givhan chia sẻ trong một tập phim về bà Michelle Obama: “Nhiều phụ nữ da trắng không chấp nhận việc đệ nhất phu nhân Mỹ, người đại diện cho họ, là một người da màu. Khi không tìm thấy điểm tương đồng, họ coi bà Michelle là người ngoài cuộc”.

Trong cuốn hồi ký Becoming (Tựa tiếng Việt: Chất Michelle), bà Obama cũng chia sẻ về những thách thức cụ thể khi là một người Mỹ gốc Phi. “Là một phụ nữ da màu, tôi biết mình sẽ bị chỉ trích nếu tỏ ra phô trương và sành điệu. Song tôi cũng không được ủng hộ nếu xây dựng hình ảnh quá nhạt nhòa, đơn điệu”.

“Vì lẽ đó, tôi sẽ pha trộn nhiều yếu tố để tạo ra phong cách cho riêng mình. Tôi vừa có thể mặc váy cao cấp của Michael Kors, vừa có thể diện áo phông bình dân từ GAP”, bà Michelle nói về cách ăn mặc trước công chúng.

Nhìn chung, bà Michelle Obama đã giành chiến thắng trong vai trò là một đệ nhất phu nhân. Sau 4 năm, những nỗ lực của bà được ghi dấu trên nhiều lĩnh vực, từ sức khỏe, giáo dục đến bất đồng chủng tộc.

Jackie Kennedy

Cựu Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy từng được số đông người Mỹ thần tượng vì vẻ đẹp cổ điển và phong cách đẳng cấp. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống John F. Kennedy, bà Jackie thường gây chú ý khi diện hàng loạt bộ cánh đắt tiền, trở thành biểu tượng thời trang kinh điển trên chính trường.

Dù vậy, nhà báo Evan Thomas nhận xét gia đình Kennedy đã coi bà Jackie là một vật trang trí. Bà từng chia sẻ với ông Thomas trong một cuộc phỏng vấn: “Gia đình này đối xử với tôi như một chiến lợi phẩm, giống như đảo Rhode vậy”.

Vu khi hoa hinh anh cua cac de nhat phu nhan My anh 2

Cựu Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy từng được số đông người Mỹ thần tượng. Ảnh: Getty.

Nếu như lịch sử đi theo hướng khác, bà Jackie có lẽ đã được lưu danh là một đệ nhất phu nhân xinh đẹp, người chỉ dành phần lớn thời gian để trang hoàng Nhà Trắng. Song bà đã rơi vào tình cảnh phải chứng tỏ bản lĩnh kiên cường khi cựu Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát.

Không lâu sau khi tận mắt chứng kiến chồng bị bắn hạ, bà Kennedy quyết định xuất hiện trước công chúng trong bộ váy hồng dính đầy máu. Bà tuyên bố: “Tôi muốn mọi người thấy những kẻ tấn công đã làm gì với Jack”.

Thời khắc ấy là một thảm kịch kinh hoàng đối với nước Mỹ, song cũng là ví dụ tiêu biểu về sức mạnh của hình ảnh: một chiếc váy đặc biệt có thể gửi đi thông điệp rõ ràng, giúp người dân thêm đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nancy Reagan và Hilary Clinton

Khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, bà Nancy Reagan được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood trong thời kỳ vàng son. Bà và cựu Tổng thống Ronald Reagan, đều từng làm diễn viên, đã gặp nhau tại Los Angeles và có một mối tình như trên màn bạc.

Vu khi hoa hinh anh cua cac de nhat phu nhan My anh 3

Bà Nancy Reagan được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Ảnh: Getty.

Khi nước Mỹ trải qua thời kỳ suy thoái vào những năm 1950, nhiều người chỉ trích cử chỉ ủy mị của bà Nancy là không phù hợp. Dù vậy, bà vẫn chứng tỏ được giá trị bản thân trong suốt 8 năm ông Reagan giữ chức tổng thống. Theo chia sẻ của cậu con trai Ron, cựu Tổng thống Ronald Reagan “là người ở tiền tuyến trong khi bà Nancy muốn trở thành hậu phương vững chắc”.

Trái với hình ảnh bà nội trợ tiêu biểu Nancy Reagan, cựu Đệ nhất Phu nhân Hilary Clinton đã để lại dấu ấn đáng kể trên chính trường Mỹ. Chiến dịch vận động tranh cử của nhà Clinton còn đưa ra khẩu hiệu hài hước “Mua một tặng một” để nói về cặp đôi chính trị gia.

Trớ trêu thay, bà Hilary vẫn không chiếm được cảm tình của số đông và bị cho là “thiếu dịu dàng”. Theo những người phản đối, bà Hilary quá mạnh mẽ khi lấn át ông Clinton trên chính trường song lại quá yếu đuối trong hôn nhân.

Vu khi hoa hinh anh cua cac de nhat phu nhan My anh 4

Đến nay, hình ảnh của bà Hilary Clinton vẫn gắn liền với những bộ váy áo đơn sắc và nghiêm chỉnh. Ảnh: Getty.

Đến nay, hình ảnh của bà Hilary Clinton vẫn gắn liền với những bộ váy áo đơn sắc và nghiêm chỉnh. Phong cách này cũng phần nào thể hiện con người của bà: một đệ nhất phu nhân có học thức cao, sở hữu sự nghiệp độc lập và vững chắc.

Thủ tướng Nhật Bản cho cá ăn tại Nhà sàn Bác Hồ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tham quan nơi Bác Hồ sinh sống và làm việc trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trưa 19/10.

Nhà ngoại giao Trung Quốc đại lục và Đài Loan xô xát ở Fiji

Vụ xô xát xảy ra tại một buổi tiệc ở Suva, thủ đô và thành phố lớn nhất của quần đảo Fiji. Nhân viên ngoại giao Đài Loan phải nhập viện vì chấn thương vùng đầu.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm