Tạo hình nhân vật Batgirl do Gail Simone sáng tạo. Ảnh: DC Comics. |
Lớn lên trong một trang trại ở vùng nông thôn bang Oregon, Mỹ, Gail Simone là một người rất ham đọc sách khi còn nhỏ. Và khi được mẹ đưa đi cùng các phiên chợ, Simone sẽ mua hết những cuốn sách cũ mà bà có thể tìm thấy.
Hành trình phát triển của nhiều nữ tác giả
Simone, 48 tuổi, chia sẻ về cuốn truyện tranh Wonder Woman bà đọc hồi nhỏ: “Một ngày nọ, tôi tìm thấy một chồng truyện tranh, và cuốn trên cùng có hình Wonder Woman trên trang bìa. Tôi đã bị thu hút. Tôi đọc câu chuyện ngấu nghiến. Và khi đi đến trang cuối tôi lại hụt hẫng khi thấy dòng chữ ‘Nội dung sẽ được tiếp tục trong số tiếp theo’. Nói vui là tôi luôn tìm kiếm phần còn lại của câu chuyện đó”.
Và bà đã làm điều đó bằng cách viết của riêng mình. Hai thập kỷ trôi qua, Simone hiện là nhà văn được giới phê bình đánh giá cao về các tác phẩm cho nhà DC và nhiều đơn vị khác, với nhiều nhân vật truyện tranh được người hâm mộ yêu thích như Batgirl, Birds of Prey và Red Sonja. Bà cũng trở thành nữ nhà văn viết về Wonder Woman trong thời gian dài nhất. Hiện bà Simone cũng là một trong những nữ tác giả truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa đứng đầu ngành công nghiệp này - vốn là một ngành gần như do nam giới thống trị.
Simone vừa tham dự lễ hội truyện tranh Thought Bubble thường niên được tổ chức ở Harrogate, North Yorkshire, Anh năm nay - nơi bà là một trong nhiều nhà sáng tạo truyện tranh giao lưu với người hâm mộ. Trong số 69 người sáng tạo được mời, có tới 30 người là phụ nữ và có thêm hàng trăm nữ đại diện cho các đơn vị triển lãm tham gia sự kiện.
Nữ tác giả trẻ Sabba Khan, người nổi lên với tiểu thuyết đồ họa đầu tay The Roles We Play, được xuất bản vào năm 2021, cũng có mặt tại Thought Bubble năm nay. Khan không phải là người đọc truyện tranh ngay từ khi còn nhỏ nhưng cô đã phát hiện ra nhiều tiểu thuyết đồ họa trong thư viện đại học và bị chúng thu hút.
Tác phẩm của Sabba Khan. Ảnh: Sabba Khan. |
Khan nói: “Vào lúc đó, tôi bắt đầu đến hội chợ xuất bản với bạn mình. Chúng tôi thấy nhiều người tự sáng tạo ra tác phẩm của riêng họ và không cần đợi sự cho phép của ai để có thể viết điều gì đó ra giấy. Lúc đó tôi nhận ra rằng mình cũng có thể làm điều này, làm truyện tranh của riêng mình, in chúng và đưa chúng đến hội chợ”.
Vị thế đáng kể của nữ tác giả truyện tranh hiện tại
Chia sẻ về hành trình phát triển của mình, bà Simone nói: “Tôi sẽ không nói dối, tôi hơi cô đơn trong một khoảng thời gian. Tôi có rất nhiều bức ảnh chụp hội nghị với 10 người đàn ông và mình tôi là phụ nữ. Và từ khi còn nhỏ, tôi đã biết tất cả tên trong phần tác giả và người tham gia sáng tác đều là nam giới. Tôi nhớ rằng tôi sẽ giữ mãi bất kỳ cuốn truyện tranh nào có tên phụ nữ. Có một số tài năng nữ như Colleen Doran và Louise Simonson nhưng khó tìm thấy tác phẩm của họ ở thị trấn nhỏ của tôi".
Tại Thought Bubble năm nay, cũng có rất nhiều người xếp hàng để gặp gỡ các nghệ sĩ và “đột nhiên có một nửa là độc giả nữ trẻ tuổi - một tín hiệu thay da đổi thịt. Những nữ độc giả đó cũng đang phát huy tài năng và bắt đầu làm truyện tranh. Giờ đây, một số nhà sáng tạo được hoan nghênh nhất trong ngành là nữ, người chuyển giới”, bà Simone cho biết.
Được thành lập vào năm 2007, Thought Bubble là lễ hội truyện tranh lớn nhất Vương quốc Anh và có khoảng 15 nghìn lượt khách tham dự sự kiện năm nay.
Lisa Wood, người sáng lập của chương trình Thought Bubble cho biết sự phát triển này một phần là do họ cam kết với sự đa dạng trong ngành truyện tranh. Bà nói: “Từng có một sự chênh lệch lớn. Không có nhiều phụ nữ trong ngành khi tôi thành lập Thought Bubble. Do đó, tôi muốn có sự thay đổi và luôn hướng tới sự đa dạng, xây dựng một chương trình toàn diện hơn để làm nổi bật các nhà sáng tạo nữ. Chương trình cũng cần phải tiến bộ hơn nữa, để những người phi nhị nguyên giới, chuyển giới và tất cả những người cần được thể hiện tiếng nói đều có thể có cơ hội”.
Nhân vật của Lisa Wood. Ảnh: Tula Lotay. |
Wood không chỉ là người sáng lập Thought Bubble mà bà còn là một họa sĩ truyện tranh. Dưới bút danh Tula Lotay, bà là một trong những nhà sáng tác hàng đầu trong ngành. Wood tin rằng ngành công nghiệp truyện tranh bắt đầu phá vỡ sự thống trị của nam giới là từ khi mạng xã hội phát triển. Bà nói: “Có lẽ khoảng năm 2010 tôi bắt đầu đăng tác phẩm của mình trên mạng xã hội. Tôi lúc đó chỉ vẽ cho bản thân, như một sở thích. Nhưng sau đó mọi người bắt đầu liên lạc và tôi nhận được sự công nhận từ các đồng nghiệp của mình và những người trong ngành. Và đột nhiên công việc bắt đầu đến với tôi”.
Truyện tranh hiện là một ngành rộng lớn và không chỉ giới hạn ở những nhân vật siêu anh hùng dễ nhận biết trong thế giới của Marvel hay DC. Sự phát triển của các trang web truyện tranh huy động vốn cộng đồng như Kickstarter cũng đang giúp những người sáng tạo truyện tranh cá nhân dễ dàng hơn nhiều trong việc sáng tạo tác phẩm và đưa chúng đến tay độc giả mà không cần sự hỗ trợ của một nhà xuất bản thương mại lớn.
“Vào đầu những năm 2000, là một phụ nữ da màu có xuất thân từ tầng lớp lao động, tôi cảm thấy mình giống như dân tộc thiểu số trong ngành truyện tranh. Lúc đó ngành này hầu như là người da trắng, nam giới và thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng bây giờ tôi nghĩ mọi thứ đa dạng hơn nhiều và có nhiều tiếng nói hơn”, nữ tác giả Khan chia sẻ.