Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình dục, bản năng và cuộc đấu tranh đòi quyền được yêu

Thế giới này luôn khắt khe với những điều khác biệt. Vượt qua sự kỳ thị và định kiến là điều không dễ dàng. Để sống thật, con người ta cần một trái tim dũng cảm.

Nhat ky ca sau anh 1

Nỗi cô đơn trong tình yêu được Khâu Diệu Tân khắc họa bằng ngòi bút tinh tế. Tranh của Edward Hopper.

Nữ nhà văn Khâu Diệu Tân sinh năm 1969 tại Chương Hóa, một thành phố phía Tây đảo Đài Loan, Trung Quốc. Cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tâm lý học, sau đó tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học ở Đại học Paris VIII.

Là người đồng tính, Khâu Diệu Tân đã phải vật lộn với định kiến xã hội để được sống thật với chính mình. Những đau khổ, dằn vặt và khát khao hạnh phúc của tác giả được thể hiện một cách rõ nét trong tiểu thuyết Nhật ký cá sấu. Ai cũng được sinh ra dưới hình dáng của một con người, nhưng có những kẻ phải cố gọt mình để vừa với cái “lốt người” theo quy chuẩn vô hình của xã hội.

Dũng cảm bước ra khỏi tủ áo

Không gian của cuốn tiểu thuyết bắt đầu vào một buổi chiều mùa xuân. Nhân vật tôi nhớ về Thủy Linh, cô người yêu hay dỗi hờn của mình. Họ yêu nhau, một cảm xúc quyến luyến, tự nhiên như bao cặp tình nhân khác. Cả hai đều thấy vui khi được ở cạnh đối phương, cùng nhau đi dạo dưới chiều mưa, nhìn về chiếc xe bus đến tận cuối đường, đến khi bóng người yêu khuất hẳn.

Nhat ky ca sau anh 2

Tiểu thuyết Nhật ký cá sấu của Khâu Diệu Tân. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Thế nhưng, mỗi khi gần gũi người mình yêu, Thủy Linh lại cảm thấy bản thân đầy tội lỗi. Nàng tự coi mình là kẻ phạm tội và luôn cố chạy trốn phần bản năng có chút khác biệt ấy. Sau nhiều dằn vặt, cả hai quyết định chia tay. Họ rời xa nhau để chạy trốn thực tại và lừa dối chính mình.

Và rồi nỗi cô đơn lại đưa cả hai trở về bên nhau, họ thử chia tay một tháng, nhưng được vài ngày đã viết thư cho đối phương, sau mỗi lần đọc thư, cả hai lại tìm đến nhau như chưa từng rời xa. Họ đau khổ, dằn vặt vì một tình yêu “bất thường”, ở đời chỉ có nam nữ mới được phép yêu nhau, đó là luật bất thành văn của con người.

Mọi tình yêu nằm ngoài quy luật ấy đều không có kết quả tốt đẹp. Nhân vật tôi mạnh mẽ, sóng đôi cùng một Thủy Linh yếu đuối dịu dàng. Dù là tình nhân, họ vẫn là hai cá tính khác biệt và cách hai người phụ nữ ấy đối xử với tình yêu cũng rất khác. Nhân vật tôi vẫn muốn đấu tranh cho tình yêu, dù phải yêu đương lén lút, nhưng phút giây được ở bên người mình yêu, là lúc cô được sống thật với chính mình.

Thủy Linh lại khác, mặc cảm tội lỗi luôn bao trùm tâm tưởng của cô, nó bành trướng và khiến tình yêu không còn đất sống. Cô gái ấy chọn từ bỏ tình yêu, đồng nghĩa với việc lừa dối bản thân

Nhân vật chính là một người phụ nữ mạnh mẽ và kiên định. Thế nhưng, dù mạnh mẽ tới đâu, cô vẫn cần người mình yêu ở bên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh để đấu tranh bảo vệ cho tình cảm của cả hai. Nếu chỉ có một người vun đắp, còn người kia cố tình trốn tránh, tình yêu sẽ dần khô héo.

Đấu tranh đòi quyền được yêu

Thủy Linh và nhân vật tôi, Mộng Sinh và Sở Cuồng, hai đôi tình nhân, bốn con người với những quan niệm khác nhau về tình yêu. Là một cặp đồng tính nam, Sở Cuồng và Mộng Sinh cũng đã trải qua những khó khăn giống nhân vật tôi và Thủy Linh. Nếu Sở Cuồng chọn đấu tranh thì Mộng Sinh trốn chạy trước những áp lực vô hình của xã hội.

Nhat ky ca sau anh 3

Nhà văn Khâu Diệu Tân. Ảnh: Nytimes.

Tình yêu của họ giống cây non trên mảnh đất cằn, rễ chưa bám đủ sâu nên dễ dàng đổ gục dù chưa từng đứng trước cơn phong ba. Khi chưa đủ can đảm để đối diện với nỗi sợ của chính mình, làm sao người ta dám đấu tranh với đám đông để bảo vệ tình yêu. Khi yêu, ai cũng cần dũng cảm, đứng trước một tình yêu đặc biệt, dũng khí ấy phải lớn gấp trăm lần.

Cách đây hơn 30 năm, khi cái nhìn về người đồng tính và tình yêu đồng giới còn khá hạn hẹp, Khâu Diệu Tân đã phải đấu tranh để lên tiếng đòi quyền được yêu, và được sống thật với chính mình. Nhật ký cá sấu không phải là một cuốn tự truyện, nhưng nó là một tiểu thuyết mang đậm tính tự sự, được viết từ những trải nghiệm cá nhân của tác giả.

Tình dục, bản năng, sự hòa quyện giữa hai tâm hồn cùng những cảm xúc lãng mạn của đôi lứa đang yêu được thể hiện một cách rất hài hòa, nhịp nhàng trong toàn bộ tác phẩm.

Với Khâu Diệu Tân, tìm một người để yêu không có nghĩa chỉ để thỏa mãn những khoái cảm của da thịt. Cô muốn tìm một người để tâm sự, chia sẻ mong cho tâm hồn vơi bớt cô đơn. Ước muốn ấy cũng giống bao đôi nam nữ yêu nhau mà thôi.

Kết cấu liên văn bản mà Khâu Diệu Tân xây dựng đã tạo nên nét độc đáo cho cuốn tiểu thuyết. Bên cạnh câu chuyện tình yêu của các nhân vật là bản tin về cá sấu, một loài vật bị con người coi là xấu xí và nguy hiểm, cần phải loại bỏ. Không chỉ có vậy, cuộc sống của cá sấu luôn bị đám đông tò mò, soi mói, coi chúng như trò vui. Chính hình ảnh ẩn dụ độc đáo này đã tạo nên giá trị cho tác phẩm.

Khâu Diệu Tân tự tử năm 1995, khi mới 26 tuổi. Cô để lại hai cuốn tiểu thuyết là Nhật ký cá sấuDi thư ở Montmartre. Sau khi qua đời, cô được China Daily trao Giải thưởng Danh dự về Văn học cho tiểu thuyết Nhật ký cá sấu.

Thông điệp từ sự cô đơn

Bên cạnh tình yêu, sự cô đơn cũng là một đề tài khá quen thuộc trong văn học. Mỗi nhà văn lại dùng một điểm nhìn khác nhau để phác họa sự đơn độc của nhân vật.

Bí ẩn kẻ rình rập cô gái mặc váy tím

"Cô gái mặc váy tím" là tác phẩm đoạt giải Akutagawa 2019, kể câu chuyện về sự cô đơn gây ra nỗi ám ảnh đáng ngờ của con người trong xã hội hiện đại.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm