Thung lũng Silicon chứa đầy những lý tưởng cao cả. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là khẩu hiệu của Google: Don’t be evil (Đừng trở nên xấu xa).
Bất kỳ ai có hứng thú với triết lý kinh doanh của Google đều từng nghe qua 3 từ này. Với nguyên tắc ứng xử cốt lõi đó, Google từ một công ty nhỏ bé, vươn lên trở thành gã khổng lồ có ảnh hưởng nhất nhì ngành công nghệ, trong thời gian vỏn vẹn hơn 20 năm.
Google từng nổi tiếng với phương châm "Don’t be evil". Ảnh: Getty Images. |
Hoàn cảnh ra đời phương châm nổi tiếng này vừa được một cựu quản lý cấp cao của Google, bà Marissa Mayer, tiết lộ trên Vox.
Marissa Mayer là một trong những nhà quản lý đầu tiên và có ảnh hưởng nhất của Google. Sau khi rời tập đoàn, bà đảm nhận cương vị CEO Yahoo! trong giai đoạn 2012-2017. Hiện tại bà là đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp Sunshine.
"Don’t be evil"
Mayer cho biết ý tưởng về châm ngôn “Don’t be evil” xuất hiện khi Google bắt đầu kiếm ra tiền từ công cụ tìm kiếm của mình vào cuối những năm 90.
Trong cuộc thương thảo với đại diện Washington Post, các kỹ sư của Google phấn khích nhưng cũng có một số người tỏ ra lo lắng. Đặc biệt là Amit Patel.
“Anh ấy lo chúng tôi bàn với Washington Post về việc đẩy bài báo quan trọng của họ lên đầu kết quả tìm kiếm, hoặc gợi ý điều này cho đối tác. Amit Patel nghĩ việc đó sẽ tổn hại đến tính nhất quán của Google”, Marissa Mayer tiết lộ với Vox.
Ở thời điểm đó, Google đang hướng tới mục tiêu trở thành "tổ chức thông tin của thế giới".
Đại diện của công ty từ chối tiết lộ nội dung sẽ thương thảo, nhưng cho biết không thay đổi kết quả tìm kiếm chỉ vì một đối tác.
Marissa Mayer từng tham gia soạn thảo bộ quy tắc ứng xử của Google. Ảnh: Fast Company. |
Vì vậy, Patel đã đi vào phòng họp, nơi nhóm Google chuẩn bị gặp phía Washington Post. Ông viết một thông điệp cho đồng nghiệp của mình trên bảng trắng "ở góc dưới bên trái ... dòng chữ nhỏ ’Don’t be evil’”, Mayer nhớ lại.
Câu chuyện này đã gây tiếng vang lớn. Sau đó Mayer và một số nhân viên lâu năm được giao nhiệm vụ soạn quy tắc ứng xử chính thức cho công ty.
Theo Mayer, Paul Buchheit, một kỹ sư huyền thoại của Google, người đã tạo ra Gmail, nhắc lại thông điệp của Patel: “Chúng ta làm được việc này không? Chúng ta có giá trị cốt lõi của riêng mình. Đó là những gì Amit đã viết trên bảng: Don’t be evil”.
Tuy nhiên, Buccheit nhớ về câu chuyện với đôi chút khác biệt. Theo ông, lần đầu tiên câu nói "Don’t be evil" xuất hiện trong một cuộc họp về giá trị cốt lõi của công ty, sau đó Patel mới bắt đầu viết điều này xung quanh trụ sở.
Nhưng Buccheit nói rằng khi đó ông ngồi cùng phòng với Mayer và Patel, cũng có thể Patel đã viết ra câu này từ trước và Buccheit bất chợt nhớ lại khi bàn đến phương châm của Google.
Tất cả đã xảy hơn 20 năm. Do đó, câu chuyện về nguồn gốc "Don’t be evil" có thể xuất hiện vài giai thoại. Điều quan trọng nhất là nó đã trở thành quy tắc ứng xử của Google trong suốt 18 năm.
Trở thành giá trị cốt lõi
“Đừng trở nên xấu xa” nhanh chóng trở thành một phần đặc trưng của Google, cả văn hóa nội bộ lẫn hoạt động kinh doanh bên ngoài.
Trong những ngày đầu, việc áp dụng câu thần chú "Don’t be evil" rất đơn giản: Đừng để các mẩu quảng cáo leo lên đầu kết quả tìm kiếm một cách tùy ý, không tính phí tìm kiếm thông tin, không gửi spam, không đặt banner quảng cáo lên trang chủ.
Don’t be evil từng là giá trị cốt lõi của Google. Ảnh: Blogspot. |
Ngày nay, khả năng thực hiện lời hứa “không xấu xa” của Google trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Từ một sản phẩm duy nhất - công cụ tìm kiếm, Google đã trở thành tập đoàn công nghệ khổng lồ với hàng trăm dịch vụ, từ Gmail, Google Maps đến YouTube, Android. Tất cả đều có ảnh hưởng to lớn đến cách con người giao tiếp và khám phá thông tin.
Mọi người bắt đầu e ngại về quy mô khổng lồ của Google. Họ cũng dò xét các quyết định mà tập đoàn này đưa ra. Liệu những chính sách hướng đến lợi nhuận có gây hại cho phần còn lại của thế giới hay không?
Triết lý dần thay đổi
Từ tháng 10/2015, Alphabet, tập đoàn mẹ của Google, đã chọn “Do the right thing” (Làm điều đúng đắn) là phương châm xuyên suốt của mình. Đến năm 2018, "Don’t be evil" bị loại bỏ khỏi lời nói đầu của bộ quy tắc ứng xử, chỉ còn đề cập trong những dòng cuối.
Dường như Google cũng nhận ra cần thay đổi triết lý để phù hợp với sự phát triển. Việc giữ lại dòng "Don’t be evil" có thể không còn nhiều ý nghĩa.
Thực tế đã chứng minh điều này.
Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ và một số tiểu bang mở 3 vụ kiện chống độc quyền đối với Google. Cáo trạng cho rằng Google nắm độc quyền trong công nghệ tìm kiếm và quảng cáo kỹ thuật số, đồng thời sử dụng điều này để kìm hãm sự cạnh tranh.
Nhân viên Google biểu tình phản đối nạn quấy rối tình dục trong công ty. Ảnh: AFP. |
Một số chính trị gia phê phán công ty chưa làm hết khả năng loại bỏ tin giả về Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trên các nền tảng của mình. Những người khác lại cáo buộc Google kiểm duyệt thiên lệch, gây khó dễ cho tự do ngôn luận của đảng phái. Rõ ràng "Don’t be evil" mang ý nghĩa khác nhau khi nhìn từ nhiều phía.
Ngay trong nội bộ Google cũng xuất hiện căng thẳng. Vào tháng 11/2018, 20.000 nhân viên của tập đoàn phản đối việc xử lý nửa vời với một số cáo buộc quấy rối tình dục. Những mâu thuẫn xung quanh vấn đề mở rộng kinh doanh, trả đũa nhân viên có ý kiến trái chiều… cũng thỉnh thoảng xuất hiện.
Dường như khó thể dung hòa tất cả việc này. Hình ảnh tập đoàn công nghệ hạnh phúc, đặc trưng với những gam màu tươi sáng, tư duy tiến bộ, xuất sắc và câu thần chú "Don’t be evil" cũng dần bị phai mờ.
“Không phải lúc nào Google cũng làm điều đúng đắn”, Dana Wagner, luật sư chống độc quyền của Google từ năm 2007-2011, phát biểu với Vox. “Đó là bởi vì, đôi khi không rõ điều gì là đúng đắn".