Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự ra đời của #MeToo

Cách đây 5 năm, một bài báo, một cụm từ đơn giản, và một bài đăng Twitter đã thổi bùng phong trào bảo vệ nạn nhân tình dục, mà cho đến nay đã có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Phong trào #MeToo kêu gọi nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng. Ảnh: AFP.

Ngày 5/10/2017, New York Times công bố một cuộc điều tra về các cáo buộc quấy rối tình dục chống lại một trong những “ông lớn” của Hollywood, Harvey Weinstein. Trước đó, ông ta được coi là "người không thể đụng đến", bất chấp hàng loạt tin đồn về hành vi sai trái, theo AFP.

Bài báo được xem là bàn đạp kích hoạt một phong trào lên tiếng mạnh mẽ của những phụ nữ từng là nạn nhân của các hành vi quấy rối, tấn công tình dục trên toàn cầu và vẫn còn phát triển cho đến nay: #MeToo.

Bài báo vạch mặt

Các nhà báo của New York Times là Jodi Kantor và Megan Twohey đã viết về một chủ đề được bàn tán sôi nổi trong giới Hollywood, nhưng chưa bao giờ được công khai. Nhà sản xuất huyền thoại đứng sau "Shakespeare in Love" và "Pulp Fiction" đã yêu cầu "đổi chác" với hàng loạt diễn viên nữ, trong đó diễn viên nữ sẽ phải ngủ với ông ta nếu muốn được lăng xê.

metoo ra doi anh 1

Harvey Weinstein đến Tòa án Hình sự Manhattan ở thành phố New York, ngày 18/2/2020. Ảnh: AFP.

Weinstein được báo cáo là đã ép buộc hàng loạt phụ nữ nhìn mình khỏa thân trong khách sạn và dùng sức để cố bịt miệng họ.

Bài viết được 2 nhà báo thực hiện trong suốt nhiều tháng. Họ sử dụng mọi lý lẽ và sự khéo léo của mình để thuyết phục các nữ diễn viên lên tiếng.

Vài ngày sau, Harvey Weinstein bị sa thải khỏi chính công ty mang tên ông. Weinstein cố tỏ ra "chân thành" xin lỗi, nói rằng ông lớn lên trong bối cảnh xã hội của những thập niên 1960 và 1970, "khi tất cả quy tắc về hành vi và nơi làm việc có sự khác biệt".

Về phần mình, các luật sư của ông cố gắng giảm thiểu thiệt hại.

Thế nhưng một làn sóng lên tiếng đã dâng lên mạnh mẽ, dẫn đến sự hủy hoại nhanh đến chóng mặt đối với ông trùm quyền lực nhất nhì Hollywood lúc bấy giờ.

Ngày 10/10/2017, một bài báo khác được đăng trên tạp chí New Yorker, do Ronan Farrow - người cũng đã dành vài tháng để điều tra - chủ bút.

Nữ diễn viên người Italy Asia Argento và hai phụ nữ khác tuyên bố đã bị người đồng sáng lập hãng phim Miramax cưỡng hiếp.

Tiếp nối theo đó, nạn nhân bị xâm hại bắt đầu cởi mở chia sẻ hơn. Hàng loạt nữ diễn viên kể về câu chuyện của họ, hoặc kêu gọi lên tiếng đồng thời hứa sẽ hỗ trợ nạn nhân.

metoo ra doi anh 2

Các nữ diễn viên Hollywood và một số phụ nữ ủng hộ phong trào lên tiếng tụ tập trong một cuộc họp báo sau khi Harvey Weinstein bị kết án ở Los Angeles, California, ngày 25/2/2020. Ảnh: AFP.

Dòng tweet châm ngòi

Ngày 15/10/2017, một bài đăng trên Twitter của nữ diễn viên Alyssa Milano đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng bùng nổ trên mạng xã hội.

"Nếu bạn bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, hãy viết ‘me too’ trả lời cho dòng tweet này", ngôi sao phim "Charmed" viết.

Bài đăng của cô đã đã thu hút lượt tương tác khổng lồ, với nhiều người cho biết đó lần đầu tiên họ công khai chia sẻ câu chuyện của mình.

Sau chuỗi sự việc đó, hashtag #MeToo đã lan rộng khắp thế giới như củi khô gặp lửa, với các biến thể ngôn ngữ khác nhau như #quellavoltache ở Italy, #EnaZeda ở Tunisia và #AnaKaman ở Ai Cập. Nghĩa của các từ theo nghĩa đen có thể khác nhau ở từng quốc gia, nhưng đều mang chung một tinh thần đó là lên tiếng.

Milano đã giúp châm ngòi phong trào, nhưng gốc rễ của hashtag #MeToo vốn đã được đặt ra 11 năm trước đó, vào năm 2006, bởi nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi Tarana Burke.

Bà đã bắt đầu sử dụng cụm từ đại diện cho "sự thấu cảm" như một cách để các nạn nhân của bạo lực tình dục, đặc biệt là những người ở các cộng đồng bị thiệt thòi, thiết lập mối liên hệ giữa họ và nói điều đó với thế giới.

“Ban đầu tôi hoang mang”, Burke sau đó nói. "Tôi cảm thấy sợ hãi, bởi vì một phần trong công việc của đời tôi sẽ bị tước đi khỏi tôi và sẽ được sử dụng cho những mục đích không đúng với những gì tôi vốn mong muốn”.

metoo ra doi anh 3

Alyssa Milano, nữ diễn viên với bài đăng Twitter kêu gọi nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng bằng cách nói "me too". Ảnh: AFP.

Milano nói rằng cô ấy không biết về nguồn gốc của cụm từ này và sau đó đã đề cập đến bà Burke như là người khởi nguồn phong trào.

"Những gì chiến dịch #MeToo thực sự làm và những gì mà Tarana Burke giúp chúng ta làm được, là hướng sự chú ý vào nạn nhân", Milano nói trong một cuộc phỏng vấn trên "Good Morning America".

“Đây mới chỉ là bước khởi đầu, và tôi đã nói ngay từ đầu rằng điều này sẽ không diễn ra trong một khoảnh khắc, mà nó sẽ vận động, mà sự vận động thì cần có thời gian”, bà Burke nói khi ngồi cạnh Milano trong “Today Show” năm 2017.

Weinstein bị kết án 23 năm tù vào năm 2020 vì tội tấn công tình dục và cưỡng hiếp.

Các nhà báo Kantor, Twohey và Farrow đã được trao giải thưởng Pulitzer trong hoạt động công ích.

Thông điệp khuyến khích vẻ đẹp phụ nữ của Tây Ban Nha gây tranh cãi

Bộ Bình đẳng Tây Ban Nha hôm 27/7 phát động chiến dịch mùa hè khuyến khích phụ nữ trong mọi vóc dáng tự tin khi đi biển. Tuy vậy, nhiều ý kiến phản đối cách truyền tải này.

Phụ nữ Nhật đối mặt nạn quấy rối và bắt nạt khi tranh cử

Dù Nhật Bản nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới, số lượng nữ chính trị gia ở nước này vẫn thấp. Phụ nữ phải chịu sự quấy rối và áp lực nhiều phía nếu muốn tham chính.

Hồng Ngọc

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm