Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phụ nữ Nhật đối mặt nạn quấy rối và bắt nạt khi tranh cử

Dù Nhật Bản nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới, số lượng nữ chính trị gia ở nước này vẫn thấp. Phụ nữ phải chịu sự quấy rối và áp lực nhiều phía nếu muốn tham chính.

bat binh dang gioi tinh trong chinh tri nhat ban anh 1

Mari Yasuda rất sợ hãi mỗi khi vào mạng xã hội. Khi chương trình truyền hình giới thiệu ứng cử viên Yasuda là “đáng để cân nhắc” trong cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản vào tháng 10, các phóng viên ẩn danh không hề giấu giếm niềm tin rằng phụ nữ như cô không nên ứng cử vào quốc hội, theo Guardian.

“Họ cáo buộc tôi ngủ với những người đàn ông quyền lực để vượt lên dẫn trước. Họ đưa ra các bình luận lăng mạ khi gọi điện đến văn phòng của tôi”, cô Yasuda, người đang tranh cử một vị trí ở tỉnh Hyogo cho đảng Dân chủ Lập hiến, nói.

“Tôi nhận được email từ những người đàn ông, họ nhận xét về ngoại hình hoặc yêu cầu tôi hẹn hò với họ”, Yasuda nói.

Quấy rối tình dục đang trở thành một thực tế trong cuộc sống của những người phụ nữ tham gia tranh cử ở Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc là nơi nữ giới tham gia chính trị thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Theo cô Yasuda, bất chấp chủ đề về sự đa dạng và giới tính xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc tranh luận của công chúng, cũng như cử tri có dấu hiệu suy nghĩ tiến bộ hơn, nền chính trị của Nhật Bản vẫn chưa thay đổi.

“Rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống mà phụ nữ Nhật ít được tham gia và cảm thấy không được thể hiện bản thân. Điều này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực chính trị”, cô nói.

"Đó chính là bắt nạt"

Bất chấp những lần thề thốt tạo ra một xã hội “nơi phụ nữ tỏa sáng” lặp đi lặp lại trong suốt 9 năm cầm quyền của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, cuộc bầu cử hạ viện ngày 31/10 sẽ làm tăng thêm lo ngại rằng trong lĩnh vực chính trị, áp lực và rào cản dành cho phụ nữ tiếp tục được "củng cố".

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền được nhiều người kỳ vọng sẽ giành chiến thắng. Điều này cũng có nghĩa nam giới tiếp tục thống trị cơ quan quyền lực của Nhật Bản.

Trong số 1.051 ứng cử viên, chỉ 186 - ít hơn 18% - là phụ nữ, mặc dù luật bình đẳng giới ban hành năm 2018 khuyến khích các bên lựa chọn số lượng ứng viên nam và nữ tương đương. Con số này ít hơn một chút so với cuộc bầu cử năm 2017.

“Dường như nam giới sinh ra để trở thành nghị sĩ”, Yasuda - người từng vận động tranh cử một mình, nhưng giờ có thêm hai người cùng đồng hành - nói.

“Nếu mọi người cảm thấy chính trị gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phụ nữ được lựa chọn là một điều bình thường. Nhưng hầu hết người dân lại cảm thấy xa cách với các chính trị gia, như thể chính trị là thứ dành cho người ‘đặc biệt’. Trong trường hợp của Nhật Bản, đó là những người đàn ông trung niên”, cô nói thêm.

bat binh dang gioi tinh trong chinh tri nhat ban anh 2

Một nhóm công dân đệ trình kiến ​​nghị tăng số lượng nữ chính trị gia cho các nhà lập pháp tại trụ sở của đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Tokyo vào tháng 10/2020. Ảnh: Kyodo.

Yoshiko Maeda, một ủy viên hội đồng địa phương ở phía tây Tokyo từ năm 2015, nói rằng phân biệt giới tính tại Nhật Bản không chỉ giới hạn trên mạng xã hội.

Là thành viên của một liên minh đại diện nữ quyền của Nhật Bản, Maeda tiết lộ cô nhận được nhiều báo cáo từ các nữ chính trị gia trên khắp đất nước.

Họ cho biết mình bị các đồng nghiệp nam quấy rối, từ chửi bới trong những cuộc tranh luận đến áp lực buộc họ phải từ chức. “Đó chính là bắt nạt, đơn giản là vậy”, cô nói.

Tại các hội đồng địa phương, việc chỉ có một hoặc một số ít đại biểu là nữ khiến họ bị hăm dọa. Cô Maeda từng nhận một loạt chỉ trích trên mạng khi tổ chức của cô kêu gọi xóa bỏ một linh vật ảo “bị tình dục hóa” để quảng bá an toàn khi đi xe đạp cho học sinh ở một thị trấn gần Tokyo.

Theo cô Maeda, bầu không khí trong các phòng họp và tình trạng quấy rối tình dục nhắm vào nữ chính khách, cũng như các ứng cử viên nữ, là lý do chính khiến phụ nữ không thể tranh cử.

“Ngay cả những người muốn tham gia vào chính trị cũng thường từ bỏ ý định vì bị các thành viên trong gia đình phản đối. Vẫn còn quá nhiều trở ngại đối với việc phụ nữ trở thành chính trị gia”, Maeda cho hay.

Đầu năm nay, Văn phòng Nội các tiết lộ rằng các nữ chính trị gia và ứng cử viên gặp phải tình trạng quấy rối tình dục "tràn lan", bao gồm cả những hành động đụng chạm và lời nói không phù hợp của các cử tri nam.

Trong số 1.247 nữ thành viên hội đồng địa phương tham gia khảo sát, 57,6% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục bởi cử tri, những người ủng hộ hoặc các thành viên quốc hội. Nhiều người cho biết họ đã bị nhắm mục tiêu bằng ngôn ngữ khiêu dâm hoặc lăng mạ giới tính.

"Một căn phòng chật kín đàn ông"

Theo Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, số lượng ứng cử viên nữ tham gia tranh cử trong tháng 10 thấp là bằng chứng cho thấy Nhật Bản chưa giải quyết được những trở ngại về cơ cấu, để từ đó có thêm phụ nữ được bầu vào quốc hội.

“Những nghị sĩ đương nhiệm đang có lợi thế rất lớn trong các cuộc bầu cử ở Nhật Bản. Vì vậy, chừng nào LDP vẫn là đảng lớn nhất, sẽ có rất ít thay đổi về cấu trúc của các nghị sĩ”, bà Miura nói. "Điều đó chỉ xảy ra khi một đảng đối lập giành chiến thắng".

LDP chỉ chọn 33 phụ nữ trong số 336 ứng cử viên trong cuộc bầu cử ngày 31/10. Đảng này luôn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện kể từ năm 2009 và cầm quyền gần như liên tục kể từ những năm 1950.

Kết quả của điều này chính là "một căn phòng chật kín đàn ông", nhiều người - bao gồm cả Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida - là các chính trị gia thế hệ thứ hai hoặc thứ ba.

bat binh dang gioi tinh trong chinh tri nhat ban anh 3

Tân Thủ tướng Kishida và nội các mới ra mắt công chúng trong ngày 4/10, trong đó chỉ có 3/20 người là nữ giới. Ảnh: Reuters.

“Nếu một người đương nhiệm muốn, họ có thể được ưu tiên trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tiếp theo”, Seiko Noda - Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới của Nhật Bản - nói. “Các vị trí hiện tại toàn là nam giới, và LDP không đẩy họ ra để nhường chỗ cho phụ nữ”.

Trên trường quốc tế, tỷ lệ đại biểu nữ trong hạ viện của Nhật Bản (chiếm 9,9%) xếp thứ 165 trong số 190 quốc gia, theo Liên minh Nghị viện. Bức tranh chính trị tại địa phương cũng không tươi sáng hơn: Khoảng hơn 30% hội đồng làng và thị trấn không có đại diện là nữ, theo số liệu năm 2019.

Theo bà Miura, trong nhiều trường hợp, cách duy nhất mà phụ nữ có thể giành được sự tán thành từ một đảng lớn là vượt qua những người đứng đầu các đảng cấp tỉnh phụ trách quá trình lựa chọn, sử dụng mạng lưới cá nhân để thu hút những người đàn ông quyền lực trong đảng.

“Nhật Bản nên đưa ra quy định về số lượng cho ứng cử viên nữ và loại bỏ rào cản cơ cấu ứng cử. Trừ khi làm được điều đó, tôi không thể thấy bất kỳ triển vọng thay đổi nào trong tương lai gần”, bà Miura nói.

Thủ tướng Kishida chỉ bổ nhiệm 3 phụ nữ vào nội các gồm 20 thành viên của ông, đồng thời phản đối lời kêu gọi cho phép các cặp vợ chồng sử dụng họ riêng, hoặc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

“Xã hội Nhật Bản đang thay đổi”, Miura đề cập tới sự thay đổi trong nhận thức của những người trẻ tuổi về các vấn đề như tình trạng khẩn cấp về khí hậu và bất bình đẳng giới. "Nhưng chính trị Nhật Bản vẫn y như cũ".

Cái giá của cuộc chiến Covid-19 ở châu Á năm 2020

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 của 15 nền kinh tế ở châu Á thiệt hại gần 1.700 tỷ USD do đại dịch, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER).

Mỹ lên án hành vi khiêu khích của Nga và Trung Quốc trên biển Nhật Bản

Bộ trưởng Hải quân Mỹ ngày 25/10 lên án việc Nga và Trung Quốc điều tàu chiến đi qua vị trí án ngữ trên vùng biển phía bắc và nam Nhật Bản.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm