Khi Sandra Muller bắt đầu chiến dịch #MeToo tại Pháp vào năm 2017, hàng chục nghìn phụ nữ đã hưởng ứng lời kêu gọi của cô. Nhưng ở thời điểm đó, họ đối mặt với sự phản đối dữ dội.
Năm 2019, Sandra Muller đã tiếp tục thua kiện trong một vụ án phỉ báng một cựu giám đốc trên Twitter. Dù vậy, ngay trong tuần trước, phiên xử phúc thẩm của phiên toà đã đảo ngược kết quả, công nhận phần thắng cho Muller.
Phán quyết quan trọng này của toà thực sự tô điểm cho sự chuyển mình của câu chuyện trong hai năm vừa qua, theo New York Times.
Phong trào nữ quyền #MeToo và #ExposeYourPig đang có ảnh hưởng, dù muộn, tại Pháp. Ảnh: Getty. |
Từ New York, Sandra Muller cho biết: “Trước khi có phán quyết này, tôi đoán rằng sẽ có những cơn rung chấn. Còn bây giờ, ấn tượng của tôi rằng đây thực sự là một bước nhảy vọt”.
Nhà hoạt động nữ quyền Caroline De Haas, người sáng lập nhóm chống bạo lực tình dục #NousToutes năm 2018, cho biết kết quả này càng đặc biệt hơn sau lời tố giác trước đó của Adèle Haenel, nữ diễn viên nổi tiếng đầu tiên lên tiếng về nạn lạm dụng tình dục, và cuốn hồi ký “Consent” của Vanessa Springora, tác phẩm kể lại hành động ấu dâm của nhà văn Gabriel Matzneff đối với cô.
“Năm 2021 đã khởi đầu bằng một cơn địa chấn. Rõ ràng là cách chúng tôi phản ứng trước những lời tố cáo về nạn bạo lực tình dục đối với người nổi tiếng giờ đây đã khác bốn năm trước", Haas nhận định với New York Times.
Nhà báo Sandra Muller tại Pháp năm 2019. Ảnh: Getty. |
Những tên tuổi "lẫy lừng"
Đầu năm nay, nước Pháp đón nhận một danh sách về những người đàn ông quyền lực - trên khắp các lĩnh vực từ chính trị, thể thao, truyền thông, đến khoa học và nghệ thuật - phải đối mặt với cáo buộc xâm phạm tình dục.
Công luận Pháp đang đảo chiều trong cách phản ứng với những tai tiếng này, trong khi các nhà lập pháp vội tái lập độ tuổi tối thiểu quan hệ tình dục là 15 - chỉ ba năm sau khi họ bác bỏ quy định đó.
Tháng 3/2021, một bộ phim tài liệu mang tên I’m Not a Slut, I’m a Journalist (tạm dịch “Tôi là nhà báo, không phải gái làng chơi”) được công bố đã phơi bày nạn phân biệt giới tính trong giới báo chí thể thao.
Bộ phim đã khiến một trong những cây bút thể thao nổi tiếng nhất trên truyền hình Pháp - Pierre Ménès - bị đình chỉ vô thời hạn bởi vì đã thực hiện những hành vi như cưỡng hôn phụ nữ trên truyền hình và tốc váy đồng nghiệp ngay tại trường quay, nhà sản xuất bộ phim Marie Portolano cho biết.
Danh sách này được nối dài với những cáo buộc dành nhắm vào nhiều người đàn ông quyền lực khác.
Đó là vụ hiếp dâm một phụ nữ trẻ của người dẫn bản tin Patrick Poivre d'Arvor, bản án năm năm tù về tội cưỡng bức nhân viên của cựu Bộ trưởng Georges Tron, cáo buộc tấn công tình dục của minh tinh màn bạc Gérard Depardieu cùng với Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin.
Cựu Bộ trưởng Georges Tron với bản án năm năm tù về tội cưỡng bức nhân viên. Ảnh: Getty. |
Danh sách còn được bổ sung với lời buộc tội loạn luận dành cho trí thức Olivier Duhamel và diễn viên Richard Berry, nghi án xâm hại trẻ vị thành niên của nghệ sĩ Claude Lévêque và dấu hiệu cưỡng hiếp con đỡ đầu của Chủ tịch Trung tâm điện ảnh Quốc gia Dominique Boutonnat.
Đáp lại các cáo buộc trên, ông Duhamel đã chọn cách im lặng. Ông Depardieu, ông Darmanin và ông Berry nói mình vô tội. Ông d’Arvor lại cho rằng mình thuộc về thế hệ gọi tên “sự quyến rũ” bằng những “nụ hôn trên cổ”.
Chỉ có ông Tron đối diện với án tù. Và bản án dành cho ông Tron, người được tha bổng trong phiên toà sơ thẩm năm 2018, đã trở thành biểu tượng cho sự chuyển biến nhận thức xã hội về "đồng thuận" trong nước Pháp, theo Le Monde.
Các cáo buộc gần đây buộc người ta phải ngẫm lại hình tượng nam tính với vẻ cuốn hút khó cưỡng của đàn ông Pháp. Nó cũng đặt ra tranh cãi về ý niệm giới tính, chủng tộc và tư tưởng hậu thực dân, được cho là du nhập từ Mỹ.
Trí thức nổi tiếng Olivier Duhamel với cáo buộc loạn luân. Ảnh: Getty. |
Còn đó những tranh cãi
Nhà triết học tiên phong vì nữ quyền Camille Froidevaux-Metterie nói rằng điều quan trọng là những người đang bị điều tra là lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực. Những lùm xùm quanh họ đã làm xói mòn huyền thoại về vẻ cuốn hút tuyệt vời và nền văn hoá lãng mạn tinh tế của người Pháp. Đó là nơi “người Pháp chúng tôi, hoà lẫn với nét quyến rũ, biết cách luận giải những cử chỉ không nói trực tiếp bằng lời và thấu hiểu một quan hệ cho đi và nhận lại dịu dàng giữa nam và nữ”.
Ngược lại, một số trí thức theo khuynh hướng bảo thủ đánh giá danh sách này là bằng chứng về sự "ô nhiễm" xã hội Pháp, được gây ra bởi quan điểm của người Mỹ về giới tính, chủng tộc, tôn giáo và tư tưởng hậu thực dân.
Nhà sử học Pierre-André Taguieff, người cũng đồng thời là nhà phê bình hàng đầu về ảnh hưởng của Mỹ, đã khảng định các hệ tư tưởng mới về nữ quyền là mặt nạ lừa dối của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc.
Mặc dù không bình luận cụ thể về danh sách, ông nói rằng làn sóng #MeToo này nhằm khơi dậy sự phẫn nộ đối với thành phần tinh hoa da trắng là nam giới, khuyến khích hành động “săn lùng” và “thiêu sống” họ.
Trong ý kiến của bà Catherine Deneuve và những phụ nữ khác đã lên án #MeToo năm 2017, họ cho rằng đây là sản phẩm của “Thanh giáo” tại Mỹ và là mối đe dọa đối với “tự do tình dục”.
Nhà xã hội học người Pháp Raphaël Liogier thì nói rằng người ta ban đầu bác bỏ #MeToo là vì sự xuyên tạc quan điểm nữ quyền của nó, yếu tố có nguồn gốc từ Mỹ.
"Vì vậy, ở Pháp, người ta đã dựng lên một bức tường (về tư tưởng) với câu nói: Đó là người Mỹ chứ không phải chúng tôi”, và sau đó ông bổ sung, “Hôm nay, bức tường đó đã thực sự sụp đổ".
Minh tinh màn bạc Gérard Depardieu với cáo buộc tấn công tình dục. Ảnh: Getty. |
Trước đó, năm 2017, ngay sau vụ phơi bày ông trùm Hollywood Harvey Weinstein mở đầu phong trào #MeToo, Sandra Muller, với tư cách là một nhà báo, đã bắt đầu hoạt động #ExposeYourPig - #BalanceTonPorc (tạm dịch là “hãy kể câu chuyện của bạn”) tại Pháp.
Trên mạng xã hội Twitter, cô tweet một bài đăng rằng một giám đốc điều hành đã nói với cô: “Em một bộ ngực nở nang. Em là gu phụ nữ mà anh thích. Anh sẽ khiến em sung sướng cả đêm” trong một liên hoan truyền hình ở Cannes.
Giám đốc điều hành Eric Brion thậm chí không phủ nhận điều đó. Nhưng vì cả hai không làm việc cùng nhau, ông Brion cho rằng những lời này không liên quan đến quấy rối tình dục và kiện cô Muller vì tội phỉ báng.
Phán quyết của toàn năm 2019 kết luận Muller đã “vượt qua các giới hạn có thể chấp nhận được về quyền tự do ngôn luận, vì những bình luận của cô đã trở thành một cuộc công kích cá nhân” và yêu cầu cô bồi thường 15.000 euro cho bị hại.
Còn trong tuần trước, trong phiên toà phúc thẩm, các thẩm phán lại cho rằng Muller đã hành động thiện chí, đồng thời khẳng định “phong trào #BalanceTonPorc và #MeToo đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của quan chức cũng như người dân, góp phần tích cực vào nỗ lực để phụ nữ tự do lên tiếng. Với phán quyết mới, số tiền bồi thường cô nhận về là khoảng 17.650 USD.