Shoko Arai, cho đến ngày 6/12, là nữ ủy viên duy nhất của Hội đồng thị trấn Kusatsu (tỉnh Gunma). Dù vậy, bà đã bị mất ghế sau khi hơn 90% cử tri ủng hộ sa thải bà.
Theo chính quyền thị trấn, 2.542/2.835 cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm bà vì “làm tổn hại danh tiếng của Kusatsu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 53,66%.
Kusatsu là thị trấn nghỉ dưỡng suối nước nóng nổi tiếng với dân số khoảng 6.200 người, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch.
Bà Arai, 51 tuổi, cáo buộc Thị trưởng Nobutada Kuroiwa “ép bà ấy quan hệ tình dục” trong văn phòng của mình năm 2015. Bà cho biết ông Kuroiwa, 73 tuổi, đã “đột ngột kéo tôi lại gần, hôn tôi và đẩy tôi xuống sàn. Tôi không thể đẩy ông ấy ra”.
Bà tuyên bố điều này trong một cuốn sách điện tử (e-book) xuất bản vào tháng 11/2019.
Bà Shoko Arai. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Tuy nhiên, Thị trưởng Kusatsu đã phủ nhận điều này. Ông nói rằng cửa và rèm của văn phòng ông đã mở vào ngày xảy ra vụ việc. Ông đã đệ đơn kiện bà Arai về tội danh phỉ báng lên cảnh sát địa phương.
Cáo buộc của bà Arai đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các thành viên nam trong hội đồng và gây ra chiến dịch công kích cá nhân nhắm vào bà. Họ cáo buộc bà “làm tổn lại danh dự” của hội đồng. Bà Arai giữ chức ủy viên hội đồng Kusatsu từ năm 2011.
Bà Arai nói cuộc bỏ phiếu là “bất công và vô lý”, đồng thời khẳng định bà “sẽ không sợ áp lực từ những người có quyền lực” và bày tỏ ý định tiếp tục hoạt động chính trị, theo Asahi Shimbun.
Một phụ nữ địa phương nằm trong số ít cư dân ủng hộ bà Arai nói với Asahi: “Nếu ai đó mất việc sau khi đưa ra cáo buộc tấn công tình dục, những người công sở khác cũng sẽ khó lên tiếng vì sợ bị sa thải”.
Vụ việc của bà Arai hướng sự chú ý đến những gì mà các nhà vận động Nhật Bản cho rằng giới điều tra đã thất bại trong việc làm rõ các cáo buộc tấn công tình dục.
Vụ việc cũng cho thấy sự thống trị của nam giới trong chính trường địa phương nói riêng và Nhật Bản nói chung, nơi vốn xem nhẹ vai trò của phụ nữ.
Theo một khảo sát của chính phủ Nhật Bản, chỉ 4% phụ nữ dám lên tiếng về việc này.