Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự phẫn nộ tích tụ trên dòng sông chết ngạt vì hàng triệu xác cá

Hiện tượng cá chết hàng loạt phơi bày những thách thức tại lưu vực sông ở New South Wales, Australia, nơi lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường xung đột với nhau quanh vấn đề nước.

ca chet hang loat anh 1

“Chào mừng đến với trung tâm cá chết”, Graeme McCrabb, cư dân địa phương, nói khi ông lái chiếc xuồng băng qua những vùng xác cá thối rữa, nổi lềnh bềnh trong làn nước màu xanh lục axit.

Hàng triệu con cá đã chết trên sông Darling gần thị trấn Menindee, ở vùng hẻo lánh New South Wales. Xác của chúng lấp đầy mặt nước từ bờ này sang bờ khác hàng km.

McCrabb mô tả sau nhiều ngày dưới ánh Mặt Trời, xác cá bắt đầu “phân hủy và trở thành súp cá”, biến dòng sông mà người dân địa phương từng uống và tắm rửa thành vùng bị bỏ hoang.

Các nhà chức trách cho biết cá chết hàng loạt là do thiếu oxy trong nước - hậu quả của lũ lụt và đợt nắng nóng gần đây. Nhưng người dân địa phương giận dữ nói rằng gốc rễ thực sự của vấn đề nằm ở việc sử dụng quá mức hệ thống sông lớn nhất và quan trọng nhất của Australia, theo New York Times.

Sông Darling là một phần của lưu vực Murray Darling, hệ thống sông lớn nhất Australia. Hiện tượng cá chết hàng loạt trong tuần này hé lộ thêm những vấn đề lưu vực sông Murray Darling đang đối mặt. Hạn hán cùng với việc nhu cầu sử dụng nguồn nước này tăng lên đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái Murray Darling.

ca chet hang loat anh 2

Graeme McCrabb trên sông Darling. Ảnh: New York Times.

Hàng triệu xác cá dạt vào bờ

Ở Menindee, nơi có dân số là 551 người, cư dân phải chịu đựng mùi cá thối rữa trong vài ngày. Barry Stone, một cư dân mô tả mùi thối đến mức “chảy nước mắt. Nó khiến mũi cay xè và khiến bạn muốn nôn ra”.

“Hãy tưởng tượng một con cá thối rữa trong bếp khi tất cả cửa đều đóng và không có điều hòa. Chúng tôi có tận hàng triệu con cá”, Guardian dẫn lời McCrabb.

Người dân địa phương cho biết đây là vụ cá chết lớn nhất xảy ra ở thị trấn, sau vụ cá chết hàng loạt khác diễn ra chỉ 3 năm trước, BBC đưa tin.

Nhiều người lo sợ cho nguồn nước uống của họ - nước sông đã qua xử lý. Họ còn tức giận hơn khi dù đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng của dòng sông trong nhiều năm, vẫn không có gì thay đổi. Một số cư dân cho biết ngay cả sau vụ cá chết hàng loạt trước đó vào năm 2019, vẫn có rất ít hành động để giải quyết vấn đề.

Trên sông hôm 22/3, ông McCrabb chỉ ra nhiều loài cá chết: Cá trích xương, cá rô vàng và thậm chí cá rô bạc Australia có nguy cơ tuyệt chủng.

5 ngày sau khi cá chết hàng loạt, xác của chúng bắt đầu trôi xuôi theo dòng nước và chìm xuống đáy. Da và thịt thối rữa tan thành từng mảng, tạo thành những màng bùn xám trên mặt nước.

Những con tôm càng bị bao phủ bởi lớp màng này, cố gắng trốn lên hai bên bờ sông dốc đứng, trong khi những con cá may mắn sống sót thỉnh thoảng nhảy lên khỏi mặt nước hoặc vùng vẫy gần bề mặt, thở hổn hển.

Hiện tượng chết hàng loạt ban đầu càng làm cạn kiệt oxy trong nước, khiến nhiều sinh vật chết hơn.

Cá chép, loài chịu đựng môi trường thiếu oxy tốt hơn các loài cá khác, bơi xung quanh xác chết. Hàng nghìn chiếc miệng nhỏ xíu đóng mở không ngừng trên mặt nước để cố gắng đớp không khí.

ca chet hang loat anh 3

Cá chép châu Âu. Ảnh: New York Times.

Ông McCrabb, một người trồng nho, đã trở thành đại diện không chính thức của thảm họa. Trong cả đợt cá chết năm 2019 và hiện tại, ông thường xuyên lái thuyền, ghi lại cảnh tượng để nâng cao nhận thức và “xát muối vào vết thương của chính phủ” - như cách ông nói.

McCrabb không phải là người duy nhất trong khu vực tình cờ trở thành nhà hoạt động. Ở Menindee, cũng như các thị trấn khác dọc theo con sông, một số chủ doanh nghiệp nhỏ, người về hưu và người bản địa gắn bó với khu vực đã vận động để giải quyết mối đe dọa hiện hữu đối với cộng đồng cùng sinh kế của họ.

“Họ nói rằng trong 5 đến 10 năm nữa dòng sông sẽ chết”, Ross Leddra, cư dân Menindee và là chủ tịch của Nhóm Hành động Darling River, đấu tranh vì chất lượng nước tốt hơn, chia sẻ.

Mặc dù người dân địa phương đều hiểu một đợt cá chết khác có thể xảy ra, nhưng “không ai nghĩ nó sẽ xảy ra ở mức độ này”, ông nói thêm. “Làm sao họ khôi phục được dòng sông khi có hàng triệu con cá chết dưới đáy đang phân hủy vào đất?”.

Cơn ác mộng

Các nhà chức trách gọi việc dọn dẹp là "cơn ác mộng hậu cần", thừa nhận sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn các xác chết vì quy mô của thảm họa.

“Tôi cần phải thẳng thắn với cộng đồng khi trả lời câu hỏi: Liệu mọi xác cá có bị loại bỏ không? Tôi không nghĩ vậy”, Brett Greentree, trợ lý ủy viên cảnh sát bang giám sát nỗ lực cải tạo, nói.

Đứng bên ngoài ngôi nhà của mình trên bờ sông, Ross Files, một người đã về hưu, nhìn xác cá nổi trên chính dòng nước mà ông dùng để tắm và giặt giũ, đồng thời suy tính xem ông có thể tiếp tục sống bên dòng sông trong bao lâu.

“Tôi nghĩ đó là kết thúc của tôi”, ông nói. Ông Files (85 tuổi), kể lại khi ông còn trẻ, nước sông từng sạch đến mức có thể uống mà không cần qua xử lý.

Ông là một trong số nhiều cư dân cho rằng tình trạng của dòng sông bắt đầu suy giảm khi nông nghiệp được tăng cường ở thượng nguồn cách đây vài thập kỷ, khiến lượng nước chảy xuống hạ lưu ngày càng ít đi.

“Vấn đề này không bắt đầu từ hôm qua, tuần trước hay năm ngoái”, ông nói. “Tôi đã ở đây 85 năm, và trong 25 năm qua tôi gặp vấn đề duy nhất với dòng sông”.

ca chet hang loat anh 4

Hàng triệu con cá nổi lên mặt sông Darling gần Menindee. Ảnh: New York Times.

Một số nhà khoa học cũng có quan điểm tương tự. Richard Kingsford, giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ sinh thái tại Đại học New South Wales, cho biết vụ cá chết năm 2019 xảy ra trong đợt hạn hán và vụ cá chết hiện tại diễn ra sau trận lũ lụt.

Tuy nhiên, ông nói nguyên nhân lâu dài của cả hai lần đều giống nhau: “Sông không có đủ nước, trong khi toàn bộ hệ thống được thiết kế với những lối thoát bị đóng lại”.

Ông cho hay việc khai thác quá mức đồng nghĩa các phần của dòng sông bị cạn kiệt thường xuyên hơn, và những trận lũ nhỏ, vừa - thường giúp dọn sạch mảnh vụn hữu cơ theo định kỳ - gần như biến mất.

Kết quả khi một trận lũ lớn ập đến, tất cả mảnh vụn đều bị cuốn vào dòng sông, nơi chúng bị phân hủy và khử oxy trong nước.

Điều đó, kết hợp với việc xây dựng các đập ngăn cản cá bơi đến vùng nước có oxy tốt hơn, làm cho thảm họa này trở nên tồi tệ hơn.

Ông nói thêm chỉ riêng quá trình tự nhiên không thể giải thích được quy mô bất thường của vụ cá chết gần đây.

Ngược lại, cơ quan quản lý nước và nghề cá của New South Wales, cho rằng thảm họa là do nguyên nhân liên quan đến thời tiết.

“Đối với một sự kiện tự nhiên như thế này, có rất ít bước có thể làm để ngăn chúng xảy ra”, WaterNSW, cơ quan quản lý các con sông của bang, cho hay.

Issac Jeffrey, giám đốc điều hành của Hội đồng thủy lợi quốc gia, lặp lại quan điểm này. “Thật kinh khủng khi chứng kiến, nhưng đó là một phần của chu kỳ”, ông nói qua email.

Hôm 23/3, sau khi nhiều xác cá đã chìm xuống đáy sông, công việc dọn dẹp bắt đầu với việc nhân viên trên những chiếc thuyền nhỏ vớt xác cá nổi bằng lưới cầm tay.

Các nhà chức trách cho biết sau đó, họ sẽ sử dụng máy móc kéo lưới qua sông để vớt xác cá chìm.

Nhưng đối với ông McCrabb, đó dường như là nỗ lực vô ích, khi xác cá đã phân hủy và chìm trong nước không biết bao nhiêu ngày.

Ông nói rằng không thể dọn sạch một thảm họa lớn như vậy. “Cách duy nhất để đối phó với nó là ngăn chặn nó”, McCrabb nhấn mạnh.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cư dân Menindee thức giấc, phát hiện hàng triệu xác cá dạt vào bờ

Cư dân thị trấn Menindee, bang New South Wales sáng 17/3 đã phát hiện hàng triệu con cá chết nổi trên sông Darling-Baaka. Hiện tượng này là hậu quả của đợt nắng nóng đang diễn ra.

Xác cá voi dạt vào biển Cyprus, nghi do động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Giới chức Cyprus cho biết một vài xác cá voi đã trôi dạt vào bờ biển phía Bắc nước này, nhiều khả năng do tác động từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tuần.

Minh An

Bạn có thể quan tâm