Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos mô tả mẹ của ông là “chính trị gia tối cao trong gia đình", một người có "ảnh hưởng lớn". Ông dự kiến nhậm chức vào ngày 30/6.
Vào thời kỳ đỉnh cao về tầm ảnh hưởng của mình, bà Imelda Marcos có lẽ là người phụ nữ quyền lực bậc nhất và cũng là nhân vật gây tranh cãi nhất thế giới.
Là con thứ 6 trong một gia đình luật sư ở Manila với nhiều mối quan hệ chính trị, Imelda Romuáldez được học hành đầy đủ và từng đạt giải nhất cuộc thi hoa hậu Manila năm 1953. Chính danh hiệu này đã khiến bà được ông Ferdinand Marcos, người khi đó vẫn còn là hạ nghị sĩ, để ý tới.
Theo chính lời kể của bà Imelda, vừa mới gặp nhau được 20 phút, ông Marcos đã đòi cưới bà.
Năm 1954, bà Imelda kết hôn với ông Ferdinand Marcos, khi đó vẫn còn là hạ nghị sĩ, chỉ sau một quá trình theo đuổi kéo dài 11 ngày. Ảnh: Unico Entertainment. |
"Vũ khí" của bà Imelda
Sau một quá trình theo đuổi chỉ diễn ra trong 11 ngày, bà Imelda chấp nhận làm vợ của ông.
Một lễ cưới bí mật được tổ chức vào năm 1954 và bà Imelda, với sắc đẹp và giọng hát quyến rũ của mình, trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch chinh phục cử tri của ông Marcos khi ra tranh cử tổng thống.
Những đám đông người dân lao động Philippines khi đó đổ dồn đến những buổi vận động tranh cử của ông Marcos, chỉ để có cơ hội chiêm ngưỡng sắc đẹp của bà Imelda.
Đến khi Ferdinand Marcos trở thành tổng thống Philippines vào năm 1965, vai trò của bà Imelda tiếp tục được củng cố. Và không chỉ là gương mặt đại diện cho chính quyền Marcos ở trong nước, bà Imelda bỗng trở thành một nhà ngoại giao quốc tế cho Philippines.
Do ông Marcos luôn lo sợ mình sẽ bị lật đổ nếu ra nước ngoài, bà Imelda thay ông đảm nhận các nhiệm vụ ngoại giao. Trong suốt giai đoạn cầm quyền của Marcos, bà đã đi khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ nhiều lãnh tụ và chính trị gia, từ các đời tổng thống Mỹ cho đến Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, rồi cả nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Mặc dù ông Marcos luôn thề thốt về tình yêu của mình với vợ (cứ mỗi khi bà Imelda đi công du nước ngoài, ông Marcos lại tặng một bức ảnh của mình cho bà với lời hứa sẽ "chịu đựng nỗi cô đơn"), bản thân chính trị gia này gắn liền với nhiều tin tức về tính trăng hoa.
Vào năm 1970, một vụ scandal chấn động nổ ra ở Philippines khi đoạn băng ghi âm bị rò rỉ. Nội dung của đoạn băng này cho thấy Tổng thống Ferdinand Marcos "qua lại" với minh tinh người Mỹ Dovie Beams (chính nữ diễn viên là người đã đặt máy ghi âm dưới gầm giường).
Theo bà Beth Days, người vợ sau của ông Carlos Romulo - ngoại trưởng Philippines thời Marcos, bà Imelda đã sử dụng cuốn băng này như một vũ khí để thao túng ông Marcos.
Cứ mỗi khi bà Imelda muốn mua hoặc sở hữu thứ gì đó, bà sẽ nói với ông Marcos rằng: "Tôi sẽ bật đoạn băng lên!", và tổng thống Philippines sẽ phải chiều theo ý vợ mình.
Tại Cung điện Manacalang ở Manila (nơi ở và làm việc của tổng thống Philippines), vẫn còn lưu giữ một phần trong bộ sưu tập 2.700 đôi giày hàng hiệu của bà Imelda. Ảnh: Reuters. |
Sau sự kiện này, không ai còn dám cản bước bà Imelda nữa, cuộc sống vốn đã xa hoa của bà giờ đây bước sang một chương mới thậm chí còn xa hoa ở một mức độ cao hơn.
Những chuyến mua sắm của bà Imelda trải dài từ Rome đến New York, với hóa đơn có thể lên đến hàng triệu USD vào thập niên 1960-70. Trong một cuốn sổ tay thuộc về thư ký của bà Imelda - được sử dụng làm vật chứng chống lại bà vào thập niên 1980 - là một phần của lịch sử mua sắm đó.
Cụ thể, bà Imelda từng bỏ ra 10.340 USD để mua ga giường từ thương hiệu cao cấp Pratesi của Italy. 43.370 USD là số tiền được sử dụng để mua những bộ đĩa bạc của hãng Asprey. 560.000 USD để mua trang sức từ Fred Leighton và 451.000 USD để mua đá quý từ Cartier. Thậm chí cuốn sổ còn ghi rõ bà Imelda từng chi 3,5 triệu USD để mua một bức tranh của danh họa Michelangelo.
Đỉnh điểm của sự xa hoa
Không chỉ mua những xa xỉ phẩm, bà Imelda còn chi bộn tiền cho những thứ rất bình thường. Có lần, bà bỏ ra 2.000 USD chỉ để mua kẹo cao su khi quá cảnh ở sân bay San Francisco, hay 35.000 USD để thuê xe limousine chỉ trong một ngày. Lần khác, bà chi 1.332 USD chỉ để mua hạt mắc-ca.
Trong một lần đến thăm Moscow vào năm 1982, hóa đơn cho bà Imelda và đoàn tùy tùng là 6.282 USD cho trứng cá muối, 7.842 USD cho khăn quàng cổ và chocolate.
Một cựu quan chức ngân hàng quốc gia Philippines từng ra tòa làm chứng và cho biết chi nhánh tại New York của ngân hàng này thường mang những vali chứa 100.000 USD tiền mặt cho Fe Roa Jiminez, thư ký riêng của bà Imelda, tại khách sạn Waldorf-Astoria.
Đây là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất New York và là nơi bà Imelda lựa chọn mỗi khi dừng chân ở thành phố này, mặc dù sau này các hồ sơ cho thấy gia đình Marcos sở hữu ít nhất 4 bất động sản ở đây.
Căn phòng mà bà Imelda ở tại khách sạn Waldorf-Astoria có giá 1.800 USD mỗi đêm, và bà cũng yêu cầu thay hoa tươi trị giá 1.000 USD mỗi ngày.
Theo họa sĩ Andy Warhol, bà Imelda chính là linh hồn của mọi bữa tiệc mà bà tham dự. Trong nhật ký của mình, ông Warhol kể rằng bà Imelda đã hát ít nhất là 12 bài trong bữa tiệc được tổ chức trên du thuyền của triệu phú Malcolm Forbes.
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện và hành động pháp lý ở cả Mỹ và Philippines, bà Imelda vẫn là một nhân vật đầy tầm ảnh hưởng ở quê nhà. Ảnh: ShowTime. |
"Mọi người đều nói rằng một khi Imelda bắt đầu tiệc tùng, thì không ai có thể ngăn cản bà ấy, và bà ấy sẽ là người cuối cùng rời khỏi bữa tiệc. Và đó là sự thật", ông Warhol viết.
Ngay cả khi gia đình Marcos phải trốn chạy khỏi Philippines vào năm 1986, bà Imelda vẫn giữ lối sống xa hoa của mình. Hành trang khi trốn chạy của bà là những túi hành lý chất đầy đồ trang sức, vàng và tiền mặt.
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos hôn chiếc quan tài kính của người chồng đã khuất - ông Ferdinand Marcos (1917-1989) - trong dịp kỷ niệm ngày sinh của ông vào tháng 7/2014. Ảnh: Reuters. |
Mang tiếng là "tị nạn" ở Hawaii nhưng gia đình Marcos sống tại Makiki Height, một trong những khu vực thượng lưu bậc nhất ở Honolulu. Họ tiếp tục mua sắm và ăn uống tại những nhà hàng đắt đỏ nhất ở quần đảo, và bà Imelda vẫn tiếp tục mở những bữa tiệc tốn kém để thết đãi những vị khách.
Trong khi đó ở Philippines, người dân đất nước này phải gánh chịu một khoản nợ công khổng lồ do chính sách vay nợ nước ngoài tràn lan của chính phủ dưới thời Marcos.
Các chuyên gia ước tính những khoản nợ này có thể sẽ chỉ được thanh toán đầy đủ vào năm 2025, tức gần 4 thập kỷ sau khi chính quyền Marcos sụp đổ.