Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr đang là người dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống của Philippines năm nay.
Tuy nhiên, nếu thực sự đắc cử, ông có khả năng không thể thực hiện các chuyến công du đến Mỹ.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Marcos Jnr đến Mỹ?
Ông Marcos Jnr và mẹ là bà Imelda Marcos, đã bị các tòa án quận và tòa án phúc thẩm ở Mỹ kết tội bất tuân lệnh tòa về việc bồi thường cho các nạn nhân nhân quyền của Philippines. Ông đang chịu số tiền phạt tính đến năm 2011 là 353 triệu USD, theo trang tin Philippines Rappler.
Ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr, người dẫn đầu trong cuộc tranh cử tổng thống Philippines năm 2022. Ảnh: Reuters. |
Nếu ông Marcos Jnr đến Mỹ, ông rất có thể bị yêu cầu thực thi bản án, hoặc thậm chí nhận trát đòi hầu tòa để giải trình hành vi của mình, theo Robert Swift, luật sư người Mỹ đang làm việc để thu hồi tài sản của nhà độc tài Ferdinand Marcos - cha của ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr - để phân phát cho các nạn nhân của chế độ thiết quân luật ở Philippines thập niên 1970.
Bà Imelda cũng có thể gặp tình huống tương tự nếu đến Mỹ.
Nếu họ vẫn từ chối trả tiền hoặc từ chối trát đòi hầu tòa khi ở Mỹ, “tòa án Mỹ có thể bắt giam họ vì tội bất tuân lệnh tòa”, cho đến khi họ thực hiện các yêu cầu của tòa án, ông Swift nói với Rappler hồi tháng 1.
Ông Marcos Jnr bị Mỹ kết án như thế nào?
Ông Marcos Jnr là con trai của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos - nhà độc tài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Philippines trong các thập niên 1970-1980. Ông Ferdinand Marcos bị cáo buộc bỏ tù, tra tấn và giết nhiều người Philippines, sau khi thi hành chế độ thiết quân luật bắt đầu từ năm 1972.
Nhà độc tài và vợ Imelda cũng bị cáo buộc vơ vét hàng tỷ USD, tích lũy các tác phẩm nghệ thuật, đá quý và tài sản ở Mỹ cho đến khi bị lật đổ vào năm 1986. Ông sau đó phải lưu vong ở Honolulu, Hawaii, và qua đời tại đây.
Hồ sơ từ tòa án quận và tòa phúc thẩm Mỹ xác định ông Marcos có “hành vi gây tổn hại trực tiếp cho một nhóm nạn nhân nhân quyền”.
Ông Ferdinand Marcos nói chuyện với các nhà báo trong chiến dịch tranh cử ở tỉnh Ilocos Norte, Laoag, Philippines, ngày 17/12/1985. Ảnh: Reuters. |
Bản án của Mỹ chỉ đích danh ông “Bongbong” Marcos Jnr và mẹ Imelda Marcos là đại diện cho khối tài sản của nhà độc tài quá cố, và vì vậy phải thi hành lệnh từ tòa về việc bồi thường cho các nạn nhân.
“Bản án được đưa ra với cá nhân Imelda R. Marcos và Ferdinand R. Marcos. Họ là người thừa hưởng di sản của Ferdinand E. Marcos”, Thẩm phán Manuel Real của tòa án ở Hawaii cho biết trong bản án ngày 25/1/2011.
Ít nhất 25 tỷ peso (hơn 475 triệu USD) trong tài sản của cha ông vẫn đang bị kiện tụng. Đây là một phần nỗ lực nhằm thu hồi các khoản tiền bất chính của nhà Marcos và phân phát chúng cho người Philippines. Ông Marcos Jnr tiếp tục phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào của cha mình.
Ngay cả việc đóng thuế cho khối tài sản này cũng được đưa ra để hạ bệ ông Marcos. Đơn kiến nghị của các nhà lãnh đạo dân sự, đang được giải quyết, nói rằng “việc gia đình Marcos không nộp thuế di sản gây tổn hại cho người dân Philippines”, và nhà Marcos đang “một lần nữa tước đoạt tiền bạc của đất nước và nhân dân”.
Trước khi nhận bản án về tội bất tuân lệnh tòa, ông Marcos Jnr đã cố tình dàn xếp với chính phủ Philippines.
Ngày 20/11/1991, tòa án ở Hawaii của Mỹ đã ban hành một lệnh sơ bộ cấm gia đình sử dụng tài sản của họ ở Mỹ.
Dù vậy, ông Marcos Jnr và mẹ đã ký hai thỏa thuận với chính phủ Philippines vào tháng 6/1992 để “tách nhỏ và phân chia tất cả di sản của Ferdinand E. Marcos với chính phủ”. Các tác phẩm nghệ thuật ở Mỹ đã được bán đi, và tiền thu được sẽ chia cho bà Imelda và chính phủ Philippines.
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos tại khu nghỉ dưỡng Fort Ilocandia ở thành phố Laoag, phía bắc Manila, ngày 13/5/2010. Ảnh: Reuters. |
Họ cũng ký hai thỏa thuận bổ sung vào tháng 12/1993, một phần trong nỗ lực pha loãng khối tài sản nhằm giảm thiểu việc bị tịch thu.
Chi tiết về thỏa thuận được các luật sư người Mỹ về các nạn nhân nhân quyền phát hiện khi xem xét một hồ sơ của tòa án Philippines.
Năm 1995, tòa án Mỹ ra phán quyết về tội bất tuân lệnh tòa đối với ông “Bongbong” Marcos Jnr và mẹ, lưu ý đến các thỏa thuận mang tính dàn xếp kể trên. “Hai thỏa thuận đã được đưa ra, nhằm ngấm ngầm giành quyền kiểm soát hơn 365 triệu USD tại Thụy Sĩ”.
Các thỏa thuận đã vi phạm lệnh của tòa án Mỹ về tài sản. Một phần của bản án năm 1995 nói rằng bà Imelda Marcos và ông Marcos Jnr phải trả tiền cho các nạn nhân nhân quyền. Tiền thu được từ việc bán các tác phẩm nghệ thuật phải được gửi lại cho tòa án. Họ cũng bị phạt 100.000 USD cho mỗi ngày không tuân thủ lệnh tòa.
Gia đình Marcos đã kháng cáo quyết định này lên tòa phúc thẩm Mỹ, cho rằng các biện pháp trừng phạt là cưỡng chế và không thể thi hành được.
Tòa phúc thẩm Mỹ năm 2012 giữ nguyên phán quyết. Vào tháng 8/2019, thẩm phán Derrick Watson đã gia hạn bản án về tội bất tuân đến ngày 25/1/2031.