Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, gió mạnh trên biển sẽ kéo dài đến đêm 28/10.
Sáng 27/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và trực tuyến tới 8 địa phương: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão số 6 ( bão Trà Mi).
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thanh Vân |
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 7 h cùng ngày, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng 75 km, sức gió cấp 9 -10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 20 km/h. Do tác động của bão số 6 đã ghi nhận gió cấp 8, giật cấp 10 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)
"Bão Trà Mi khác với thông thường, cơn bão này đổ bộ vào đất liền khu vực nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam rồi sẽ quay ra phía Biển Đông, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, do vậy gió mạnh trên biển sẽ kéo dài đến đêm mai - ngày 28/10", ông Mai Văn Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, về lượng mưa sẽ kéo dài từ ngày 27/10 đến 2, 3 ngày tới. Cụ thể, dự báo tại Quảng Bình - Quảng Nam có lượng mưa từ 200 - 400 mm, có nơi đến 600 mm; các khu vực nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum mưa từ 150- 250 mm, có nơi trên 400 mm; bắc Nghệ An, Gia Lai mưa từ 50- 100 mm, có nơi trên 150 m.
"Từ Quảng Bình - Quảng Ngãi sẽ có trên 30 huyện và khu đô thị với tổng số 365 xã có nguy cơ ngập lụt", Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo.
Về lũ quét, sạt lở đất, do đặc điểm mưa diện rộng, kéo dài và lượng mưa tương đối lớn thì có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao đến rất cao.
Cuộc họp trực tuyến với 8 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão Trà Mi. |
Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị cho biết, sáng 27/10, tâm bão đã tiến sát vùng biển của tỉnh Quảng Trị, gió mạnh cấp 8 - 9. Về lượng mưa, ở khu vực Đồng Bằng có mưa từ 100 - 200 mm, có nơi ven biển trên 200 - 250 mm, vùng núi từ 50 - 100 mm, nhiều điểm ở phía Tây Nam tỉnh có mưa từ 150 - 180 mm.
Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, ở thành phố Huế đang có gió lớn, gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9. Từ tối qua, có gió cấp 5 - 6, ở phía Bắc thành phố đến Phú Lộc có gió cấp 7, có nơi gió cấp 8 - 9.
"Đêm qua, chúng tôi đã dự báo được gió lớn nên ra thông báo cấm người dân ra đường, chuẩn bị lực lượng Quân đội, Công an để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn", đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Đại diện Bộ Quốc Phòng cho biết, ngay từ khi cơn bão hình thành, đơn vị đã huy động 275.480 người, trong đó có hơn 80.019 bộ đội, dân quân tự vệ 199.461, 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Cụ thể, Quân khu 3 huy động 51.075 người, 582 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 4 huy động 135.781 người, 1.195 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 5 huy động 55.163 người, 1.660 ôtô, tàu xuồng và 3 máy bay. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 4.600 người, 206 phương tiện và 8 máy bay. Binh đoàn 18 huy động 30 người, 2 máy bay trực thăng, 4 ôtô.
Đến nay, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Trong đó, có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơ chế hoạt động của cơn bão số 6 rất đặc biệt, khi bão vào đến đất liền lại quay ra phía Biển Đông. Đồng thời, theo dự báo của nhiều cơ quan khí tượng quốc tế thì đầu tháng 11 hình thành một vùng áp thấp có thể mạnh lên thành bão, công tác dự báo cần cụ thể, dự báo sớm cho người dân.
"Vừa rồi, chúng ta đã sử dụng các loại thiết bị bay không người lái để kiểm tra, phát hiện các vết nứt trên đồi để đưa ra dự báo, cảnh báo, di dời được dân cư. Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng với tinh thần hỗ trợ, phối hợp giúp cho các địa phương khảo sát tình trạng nứt, gãy ở khu vực tập trung đông dân cư, có bản đồ đứt gãy về địa chất để có thể giảm bớt thiệt hại của cơn bão này", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông phối hợp chặt chẽ với các địa phương để duy trì kết nối thông tin ở các khu vực dễ bị chia cắt, nhằm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
"Công tác dự báo cần sát sao hơn, đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực thông tin về tính chất phức tạp của cơn bão Trà Mi", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.