Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão số 6: Huế yêu cầu người dân không ra đường

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát đi thông báo yêu cầu người dân không được ra đường từ 7 giờ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới.

Bao Tra Mi anh 1

Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp cùng chính quyền địa phương giúp người dân chằng chống nhà cửa. Ảnh: TTXVN.

Trước diễn biến của bão số 6, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã chuẩn bị phương án đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Yêu cầu người dân không ra đường do ảnh hưởng của bão số 6

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát đi thông báo yêu cầu người dân không được ra đường từ 7 giờ ngày 27/10 (trừ các trường hợp làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt) cho đến khi có thông báo mới.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, vị trí bão Trà Mi (bão số 6) lúc 6 giờ ngày 27/10 ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 110 km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất là cấp 9-10, giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h, cường độ ít thay đổi.

Hiện nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 tại khu vực tỉnh Thừa Thiên-Huế có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

Lượng mưa từ 19 giờ ngày 26/10 đến 6 giờ ngày 27/10 trên địa bàn tỉnh phổ biến 100-150 mm, một số nơi cao hơn như: Bạch Mã 268 mm, Nam Đông 144 mm gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Các đơn vị, địa phương, người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa bão, trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh), tổng đài hỗ trợ 19001075 để được hỗ trợ.

Sẵn sàng khắc phục sự cố môi trường sau bão số 6

Để chủ động công tác ứng phó cơn bão số 6 (Trami), ngày 27/10, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương chuẩn bị phương án khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trước và sau bão.

Bao Tra Mi anh 2

Đội thanh niên tình nguyện phòng, chống lụt bão quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng ra quân hỗ trợ người dân phòng chống bão số 6. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng yêu cầu Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng chủ động xây dựng và triển khai phương án huy động lực lượng, phương tiện để thu dọn vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ngay sau bão, ưu tiên các tuyến đường chính trong đô thị, khu vực ven biển; bảo đảm an toàn vận hành bãi rác Khánh Sơn; khẩn trương phối hợp với Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công chèn, chống bạt HDPE đã được phủ trên bãi rác Khánh Sơn và nạo vét, khơi thông hệ thống thu gom nước mưa, không để chảy tràn vào hệ thống thu gom nước rỉ rác.

Công ty Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Miền Trung sẵn sàng 100% phương tiện, nhân lực hiện có để hỗ trợ cho các địa bàn khác; chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án ứng phó sự cố môi trường tại khu vực dự án trong trường hợp có mưa, bão lớn; báo cáo phương án về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát; Công ty Cổ phần Kỹ thuật SEEN kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn hệ thống xử lý nước rỉ tại bãi rác Khánh Sơn (giai đoạn 1 và 2) và các hệ thống xử lý nước thải khác trên địa bàn, tăng cường cán bộ kỹ thuật ứng trực tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung do Công ty quản lý.

Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, hóa chất và nhân lực để thực hiện việc phun hóa chất khử khuẩn, phun chế phẩm khử mùi đối với các khu vực, điểm có nguy cơ cao về phát tán mùi hôi; bố trí nhân viên thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong và sau bão.

Các địa phương giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình mưa lớn để xả thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các hành vi xả thải trái phép vào khu vực vùng bảo hộ vệ sinh, khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố; chủ động chuẩn bị lực lượng, có phương án sẵn sàng thu dọn rác ngay sau khi mưa bão kết thúc, ưu tiên dọn khu vực ven biển và các tuyến đường chính và xử lý môi trường tại các vùng ngập úng trũng, thấp; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân không đổ chung rác thải sinh hoạt hàng ngày vào rác do bão lũ (lá cành cây, vật dụng hư hỏng...) để thuận tiện cho việc tập trung ưu tiên thu gom, vận chuyển trước rác thải sinh hoạt, tránh tồn ứ gây mất vệ sinh.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tránh việc lợi dụng tình hình mưa lớn để xả thải gây ô nhiễm.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố, đơn vị vận hành các Trạm xử lý nước thải tập trung chuẩn bị phương án ứng phó; nghiêm cấm tình trạng xả chất thải không đúng quy định...

Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.

https://www.vietnamplus.vn/bao-so-6-hue-yeu-cau-nguoi-dan-khong-ra-duong-da-nang-san-sang-khac-phuc-su-co-post987705.vnp

Đỗ Trưởng - Võ Văn Dũng/Vietnam+

Bạn có thể quan tâm