Bloomberg đưa tin hôm 7/7, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã nâng lãi suất chuẩn 100 điểm phần trăm lên 15,5%. Giới chức nước này cảnh báo lạm phát có thể leo lên 70% do tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và thực phẩm nghiêm trọng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương nước này đã nâng tổng cộng 9,5 điểm phần trăm. Quyết định được đưa ra sau khi đồng nội tệ lao dốc nghiêm trọng, dự trữ ngoại hối sụt giảm và chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt 54,6% trong tháng 6.
“Trong vài tháng tới, lạm phát sẽ còn tăng lên nữa”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe nói với Bloomberg. Ông cảnh báo mức tăng giá tiêu dùng có thể đạt 70% trong vài tháng tới.
"Chúng tôi cam kết thực hiện một chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu mạnh mẽ", ông Weerasinghe nhấn mạnh.
Dự trữ USD cạn kiệt khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, nhất là nhiên liệu. Ảnh: Reuters. |
Lạm phát tăng vọt, kinh tế đóng băng
Sri Lanka đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Những tuần qua, nước này liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạ nhiệt giá cả.
Mới đây, Bloomberg đưa tin Sri Lanka đang đặt mục tiêu dừng bơm tiền để ngăn chặn lạm phát tăng cao. Nước này đã cạn kiệt đồng USD, không thể nhập khẩu nhiên liệu và phải in thêm rupee để trả lương cho người dân.
Trong vài tháng tới, lạm phát sẽ còn tăng lên nữa
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe
Theo dữ liệu được Ngân hàng Trung ương Sri Lanka công bố hôm 7/7, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm từ 1,89 tỷ USD trong tháng 5 xuống 1,86 tỷ USD vào cuối tháng 6, tính cả khoản hoán đổi có điều kiện 1,5 tỷ USD với Trung Quốc.
Nói trước quốc hội, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka ước tính đạt 60%. Ông thừa nhận các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ hiện rất phức tạp vì nước này đã vỡ nợ.
Trước đó, ông Wickremesinghe cho rằng nền kinh tế đã "sụp đổ hoàn toàn" sau nhiều tháng khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và điện.
Theo dữ liệu tháng 6, chỉ số giá của nhóm giao thông vận tải và thực phẩm tăng lần lượt 128% và 80% so với tháng 5 do tình trạng thiếu hụt cây trồng và dầu thô.
Các hoạt động kinh tế tại nước này đã đóng băng. Người dân được yêu cầu ở nhà cho đến ngày 10/7 để tiết kiệm nhiên liệu.
Chật vật xoay xở
Cuối tháng 6, Sri Lanka đã thông báo ngừng mọi hoạt động bán nhiên liệu trong vòng 2 tuần, ngoại trừ bán cho những dịch vụ thiết yếu như ngành y tế.
Ông Bandula Gunawardana - người phát ngôn của chính phủ - cho rằng lệnh cấm bán nhằm tiết kiệm xăng và dầu diesel cho những trường hợp cần thiết. "Chúng tôi muốn giữ gìn nguồn dự trữ ít ỏi mà chúng ta có", ông cho biết.
Trước đó, chính phủ Sri Lanka tuyên bố cho phép công chức nước này làm việc 4 ngày/tuần nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và khuyến khích người dân làm nông. Nhiều người Sri Lanka phải xếp hàng tại các trạm xăng dầu trong nhiều giờ và chịu đựng tình trạng cắt điện kéo dài suốt nhiều tháng.
Tình trạng mất điện kéo dài và lạm phát cao kỷ lục ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Sri Lanka. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong nhiều tháng qua, kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 1948.
Chỉ số giá của nhóm giao thông vận tải và thực phẩm tháng 6 tăng lần lượt 128% và 80% so với tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Theo cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc, cứ 5 người ở Sri Lanka thì có tới 4 người bắt đầu bỏ bữa vì không đủ tiền ăn. Tổ chức này cũng cảnh báo về "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" với hàng triệu người đang lâm vào cảnh khốn khó.
Tổ chức này có kế hoạch cung cấp 47 triệu USD nhằm hỗ trợ hơn 1 triệu cá nhân dễ bị tổn thương.
Vào tháng 5, Sri Lanka chính thức vỡ nợ sau khi không thể trả lãi 78 triệu USD trái phiếu khi hết thời gian ân hạn. Nước này phải thảo luận với IMF về một gói cứu trợ và đàm phán tái cấu trúc nợ cùng các chủ nợ.
Vài giờ sau khi Sri Lanka nâng lãi suất, Pakistan cũng tiến hành đánh giá lại các chính sách tiền tệ. Nước này đang vật lộn với lạm phát leo thang và đồng tiền mất giá.
Giới quan sát dự báo Pakistan sẽ nâng lãi suất cơ bản 50-150 điểm cơ bản, tương đương 5-1,5 điểm phần trăm.