Theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ và các đồng minh đang bàn bạc về việc áp giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 40-60 USD/thùng. Họ muốn hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng vẫn giảm thiểu tác động đối với thị trường dầu toàn cầu.
Phương Tây sẽ đưa ra mức giá trần dựa trên chi phí sản xuất của Nga và giá dầu của nước này trước xung đột ở Ukraine. Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng mức 40 USD/thùng là quá thấp.
Việc áp giá trần sẽ ngăn Nga trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nếu không triển khai một cách thận trọng, các hành động đáp trả từ phía Moscow có thể khiến giá dầu tăng vọt.
Mỹ và các đồng minh đang bàn bạc về mức giá trần phù hợp đối với dầu Nga. Ảnh: Reuters. |
Mức giá trần 40-60 USD/thùng
Giới phân tích cho rằng mức giá trần sẽ cao hơn chi phí sản xuất của Nga, nhưng không cao hơn quá nhiều, để duy trì động lực xuất khẩu.
Tuy nhiên, mức giá trần sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường thời điểm đó. Trước phiên giảm của dầu Brent và WTI hôm 5/7, dầu Nga được giao dịch quanh mức 80 USD/thùng.
Sáng 28/6, các lãnh đạo G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã nhất trí sẽ bàn bạc về cách áp giá trần đối với dầu Nga thông qua sức mạnh của ngành công nghiệp bảo hiểm và dịch vụ.
G7 hy vọng các nước nhập khẩu dầu trên thế giới sẽ tham gia chương trình áp giá trần. Theo đó, những công ty nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của G7 hoặc EU đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá.
Ý tưởng áp giá trần cho phép Nga bán dầu cho các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, nhất là những nước có thu nhập trung bình và thấp - nhằm hạ nhiệt giá dầu toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức tiết lộ giới chức Mỹ đang tăng cường thảo luận về mức giá trần. Nỗ lực này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa vào những tuần tới.
Theo nguồn tin, giới chức Mỹ cũng thảo luận về một số công cụ thực thi, bao gồm những hạn chế đối với các công ty vận tải đồng ý vận chuyển dầu với giá cao, và những biện pháp trừng phạt các ngân hàng, tổ chức tài chính tạo điều kiện cho những giao dịch vượt mức giá trần.
Mỹ và các đồng minh vẫn đang thảo luận để xây dựng một kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ý tưởng này gặp nhiều trở ngại và khó thành hiện thực trong tương lai.
Một số trở ngại
Nếu áp dụng giá trần, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải điều chỉnh các lệnh cấm vận bảo hiểm được khối này đưa ra vào đầu tháng 6. Điều này sẽ không dễ dàng, bởi mọi thay đổi đều cần 27 quốc gia thành viên thông qua.
Theo một nguồn tin, Anh cũng đã sẵn sàng đưa ra các hạn chế đối với công ty bảo hiểm và dịch vụ của nước này.
Mỹ lo ngại rằng lệnh cấm của châu Âu, bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm, sẽ góp phần đẩy giá dầu lên cao hơn nữa và dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Theo một số ước tính, động thái từ phía EU có thể khiến giá dầu tăng lên 185 USD/thùng
Anh và EU thống trị thị trường bảo hiểm toàn cầu. Nếu không thể tiếp cận dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của châu Âu, các lô hàng dầu Nga sẽ gặp khó.
Tới nay, Moscow vẫn kiếm được nhiều tiền từ việc xuất khẩu năng lượng bất chấp các lệnh trừng phạt. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, theo một quan chức EU, không dễ để thuyết phục đủ số quốc gia và các tập đoàn bảo hiểm lớn tham gia kế hoạch áp giá trần.
Theo ông Helima Croft - chuyên gia về dầu mỏ, Trưởng bộ phận Hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, sáng kiến áp giá trần chỉ thành công khi các nước như Ấn Độ tham gia chương trình để mua dầu thô với giá rẻ. Trên thực tế, kể từ cuối tháng 2, Ấn Độ đã tăng mua dầu giá rẻ từ Nga.
"Liệu có thể áp dụng một mức giá đủ thấp để hạn chế doanh thu từ dầu của Moscow, nhưng đủ cao để Nga vẫn có động lực xuất khẩu hay không", ông Croft đặt câu hỏi.
Mỹ và Eu đã lên kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga để chặn nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Nhưng tới nay, Moscow vẫn kiếm được nhiều tiền từ việc xuất khẩu năng lượng.
Ở chiều ngược lại, lạm phát đã gia tăng trên toàn cầu, tạo thêm sức ép cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5 lên 20 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là 15 tỷ USD.
Nga cũng tăng cường bán dầu thô giá rẻ cho các nước khác. Theo dữ liệu mới nhất, trong tháng 3, 4 và 5, Trung Quốc đã chi gấp đôi mức trước đó để mua dầu, khí đốt và than của Nga. Ấn Độ cũng nhập khẩu 5,1 tỷ USD hàng hóa năng lượng từ Nga, gấp hơn 5 lần giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.