Sông Đáy chảy vào đời tôi.
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả.
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm.
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt.
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc.
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn.
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi.
Một cây ngô cuối vụ khô gầy.
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
Tranh của Nguyễn Quang Thiều. Nguồn ảnh: FBNV. |
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy.
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
***
Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại.
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi.
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước.
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi.
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
***
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại.
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ.
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi.
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt.
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Sông Đáy là bài thơ ở chặng đầu trên hành trình thơ của Nguyễn Quang Thiều. Tuy nhiên, nếu đặt vào tổng thể sáng tác từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đến nay, chúng ta vẫn nhận ra những dấu vết rồi sẽ bồi tụ nên "châu thổ" thi ca Nguyễn Quang Thiều.
Ám ảnh sông nước, hình bóng một vùng cố thổ thương yêu trong ký ức, tiếng cá quẫy, mảnh trời quê, lưng áo mẹ, bãi ngô buồn, bến trăng xưa, mùi cát già, dòng nước mắt muộn mằn tức tưởi… tất cả làm nên một nguồn bi cảm thống thiết trong thơ Nguyễn Quang Thiều.
Không chỉ ở bài Sông Đáy, mà nhiều bài khác, tập khác, nguồn bi cảm thống thiết đó duy trì trạng thái trữ tình, điệu tâm hồn và cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều. Bao giờ cũng thế, đọc anh, người ta thấy thương cùng với biết bao bộn bề ngẫm ngợi, suy tư và khắc khoải.