Em nhớ anh
như nhớ linh hồn mình một hôm vắng nắng bỏ chơi xa...
để lại thân xác này ngơ ngác!
***
Em kêu anh
như tiếng con nai tác vọng qua triền đồi mơ...
***
Em tha thiết anh, tha thiết, tha thiết
như xóm nhỏ vườn chiều chân núi tỏa hương
mưa...
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Thơ Hàm Anh có xu hướng tối giản. Lựa chọn sự tối giản, trong thơ cũng như trong đời sống, không có nghĩa là người ta làm ít đi, mà chú ý vào cái quan trọng nhất.
Bài thơ Nhớ của Hàm Anh biểu hiện những đặc tính cho thấy tâm thế lựa chọn sự tối giản của tác giả. Phong cách tối giản này, nếu phải gọi tên, có thể hiện hình vào ba trạng thái - hình tượng: Em nhớ - em kêu tên - em chờ đợi.
Tứ thơ gọn và chắc bởi Hàm Anh xoáy sâu vào hạt nhân của ý tình là nhớ. Nỗi nhớ người yêu như nhớ linh hồn mình. Sự hòa hợp và gặp nhau của hai linh hồn đồng điệu là hiện hữu thoáng chốc của bản nguyên mà ta đã xa rời. Tình yêu khiến cho con người ta tìm được sự đồng nhất - hợp nhất trong chính họ. Người yêu chẳng gì khác hơn chính là linh hồn của họ.
Nhịp thơ chầm chậm như sương mưa. Giọng thơ da diết như tiếng gọi bạn tình qua triền đồi mơ. Điệu thơ tâm tình thủ thỉ, mơ màng bình yên nhưng ẩn chứa những nhục cảm gọi mời, trông đợi kín đáo bởi em chẳng quen sự ồn ào bày tỏ.
Lời thơ kiệm mà gợi cảm, giàu nhạc tính với những từ ngữ có độ mở, vang và ngân rung (anh - xa - ngơ ngác - mơ - tha thiết - tỏa hương - mưa).
Tất cả yếu tố ấy tạo nên chất thơ đầy lắng đọng của Nhớ.