Nhà văn Nguyễn Việt Hà. Ảnh: Minh Trung. |
Nguyễn Việt Hà là cái tên nổi bật của văn chương Việt Nam đương đại. Hơn hai thập kỷ kể từ khi Cơ hội của Chúa được xuất bản, ông đã có được chỗ đứng nhất định trên văn đàn cũng như trong lòng bạn đọc. Nhắc tới Nguyễn Việt Hà, bạn đọc nhớ tới một giọng văn sống động, hòa trộn nhịp nhàng giữa triết lý sống khoáng đạt mà đầy nhân văn, cùng sự dí dỏm của một người thích đùa và biết đùa làm sao cho “chất” trong những trang viết.
Ngoài viết lách, Nguyễn Việt Hà còn được biết tới là một “mọt sách” chính hiệu. Ông là người ham đọc, vốn đọc rộng, ông thường xuyên đọc các sách về lịch sử văn hóa. Vốn đọc là một nguồn tài nguyên để ông sử dụng trong quá trình viết lách.
Đọc sách là một thú tiêu dao
Ở cuốn tiểu thuyết thứ năm, mới ra mắt gần đây với nhan đề Tuyệt không dấu vết, Nguyễn Việt Hà đã có những sáng tạo độc đáo trong cách kể chuyện và xây dựng nhân vật. Những câu chuyện đã qua về Hà Nội được kể lại một cách dí dỏm, độc đáo bằng sự nhào nặn giữa trinh thám và võ hiệp.
Tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà. Ảnh: NXB Trẻ. |
Để làm mới mình, nhà văn không nhất thiết phải viết một thứ chưa ai viết, anh ta có thể kể lại một câu chuyện cũ theo cách của riêng mình. Lặp lại chính mình là điều mà người cầm bút luôn sợ.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà là một người rất mê đọc tiểu thuyết võ hiệp. Chúng có một sức hấp dẫn kỳ lạ khiến ông đọc đi đọc lại, nhiều tác phẩm đã đọc nhiều lần khi còn trẻ, thỉnh thoảng vẫn được Nguyễn Việt Hà đọc lại. Đọc sách, giống gặp cố nhân, người đã quen thân nhưng vẫn muốn tìm gặp. Bởi thế mới nói sách vở là bạn của con người, đâu có ai từ chối gặp bằng hữu.
Đọc một cuốn tiểu thuyết võ hiệp, không chỉ để thưởng thức cái tinh diệu của các chiêu thức võ công được tái hiện trên trang giấy, cũng không hẳn để song hành cùng một tay hiệp khách “yêu chính ghét tà” trên đường “hành tẩu giang hồ”. Đọc tiểu thuyết võ hiệp người ta có thể thu lượm được nhiều bài học về lẽ sống, cách đối nhân xử thế ở đời.
Nhiều người hâm mộ Nguyễn Việt Hà, vậy Nguyễn Việt Hà hâm mộ ai? Đó là Cổ Long. “Cha đẻ” của hai hiệp khách nổi tiếng Lý Tầm Hoan và Lục Tiểu Phụng chính là nhà văn mà Nguyễn Việt Hà hâm mộ nhất. Phần lớn độc giả ở thế hệ 8X, 9X biết đến các nhân vật của Cổ Long qua phim truyền hình, sau khi xem phim, một bộ phận nhỏ khán giả vẫn tò mò về nguyên tác nên tìm sách để đọc.
Ở thời của Nguyễn Việt Hà thì khác! Hơn 30 năm trước, truyện chưởng (tên gọi khác của dòng tiểu thuyết võ hiệp) là một món ăn tinh thần được nhiều thanh niên ưa chuộng. Những chàng trai trẻ chuyền nhau những cuốn truyện chưởng, say mê nói về Thần điêu đại hiệp, Tuyệt đại song kiêu, Võ lâm ngoại sử…
Đọc truyện chưởng, cách gọi quen thuộc và dân dã của tiểu thuyết võ hiệp là một thú vui trong cô độc. Khi đọc, phải đọc một lèo đến hết mới hay! Nếu giữa chừng gặp mà bị ai đó tiết lộ cái kết thì không còn thú vị nữa. Nhưng khi đọc xong một cuốn truyện chưởng hay, gặp vài người bạn, bình luận đôi câu về những tay anh hùng mình thích, khiến những gã mê đọc truyện chưởng rất khoái.
Nhà văn cũng chỉ đọc sách vì thích thôi
Chính niềm ham thích đọc sách đã thôi thúc Nguyễn Việt Hà viết văn. Ông viết để kể ra câu chuyện của riêng mình. Làm bạn với các nhà văn rất dễ, hãy đọc tác phẩm của họ.
Bạn bè đôi lúc không hợp ý nhau, từ thân thiết trở nên xa cách là lẽ thường, nhà văn và độc giả cũng vậy. Cái thích thú của người đọc với “chất văn” của một tác giả nào đó là một giá trị mang tính thời điểm. Đôi khi việc một nhà văn thay đổi đề tài sáng tác khiến một số độc giả từng yêu quý anh ta rời đi, nhưng lại có thêm một lớp độc giả mới.
Giọng của phố là tập tản văn mới nhất của Nguyễn Việt Hà. Ảnh: NXB Trẻ. |
Là một người đọc nhiều, nhưng Nguyễn Việt Hà cho biết, ở nhà riêng của ông không có quá nhiều sách, chỉ độ hơn một nghìn cuốn. Đa phần, mọi người sẽ mua cuốn sách mà mình chưa đọc, còn tác giả Khải huyền muộn thì khác. Ông chỉ mua những cuốn mà mình từng đọc, để đọc lại khi thấy hứng thú.
Nguyễn Việt Hà tự nhận ông luôn đọc chậm hơn người khác, ông thường ít khi đọc những cuốn tiểu thuyết vừa mới ra mắt, được người ta khen ngợi quá nhiều ngay tại thời điểm đó. Sau khi nó được xuất bản một thời gian, nếu có người khen, ông sẽ tìm đọc.
Nguyễn Việt Hà sống ở một căn nhà trên phố Lý Quốc Sư, gần Thư viện Quốc gia. Ông thường đến đây để đọc sách. Với “nhà văn của Hà Nội” thư viện không chỉ là nơi để thỏa mãn sự đọc, mà nó còn là nơi thích hợp để… cai thuốc lá.
Bước chân vào thư viện chắc chắn không được hút thuốc, thế nên với một người nghiện thuốc lá như ông, đây là nơi lý tưởng để… bỏ thuốc. Không chỉ có vậy, đắm chìm vào một cuốn sách hay cũng là một cách để người ta tạm quên đi những thèm muốn khác.
“Người đọc nhiều sách chưa chắc đã trở thành nhà văn, nhưng nhà văn chắc chắn phải đọc sách”. Chúng ta đã nghe câu ấy rất nhiều lần! Với Nguyễn Việt Hà thì đứng trước một tác phẩm văn học, nhà văn cũng chỉ là một độc giả. Đọc sách đầu tiên là vì thích! Nếu một ngày không viết văn nữa, người ham đọc vẫn chọn làm bạn với sách thôi.
“Rất nhiều kẻ được Chúa gọi, nhưng rất ít người được Chúa chọn” Nguyễn Việt Hà thường nói về nghề văn như thế. Tình yêu với văn chương, ham muốn viết ra một thứ gì đó của riêng mình là điều mà nhiều người có, nhưng để trở thành một nhà văn thực sự, người viết cần nhiều hơn thế. Tài năng chỉ là “số vốn” ít ỏi để trở thành nhà văn.
Nguyễn Việt Hà cho rằng: Viết lách cần sự bền bỉ! Trước tiên hãy cứ viết đã, hay dở tính sau. Nghề gì cũng cần luyện tập, và nghề viết cũng vậy! Nếu có một câu chuyện muốn kể, hay cứ viết nó ra, tự rèn giũa bản thân mỗi ngày bằng việc đọc và viết một cách thường xuyên. Muốn trở thành nhà văn, phải làm được điều đó.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.