Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở QHKT: Mái che đường Lê Lợi sẽ nối 3 khu vực thành dải phố đi bộ

Hệ thống mái che được Sở QHKT nghiên cứu dựa trên tổng thể chung để đồng bộ khu vực tiếp nối quảng trường chợ Bến Thành, đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ thành dải phố đi bộ.

Bà Trương Quang Thục Trinh, Phó Trưởng Phòng Quy hoạch khu vực 1, Sở QHKT TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân.

Liên quan đề xuất làm mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TP.HCM, Zing đặt 3 câu hỏi cho cơ quan chuyên môn này tại cuộc họp báo chiều 30/3.

Thứ nhất, về việc thực hiện mái che phối hợp với trồng cây xanh ra sao để hài hòa không gian, hạn chế bê tông, khi trên khu vực đã quá nhiều khối nhà, biển quảng cáo? Thứ hai, hình thức trồng cây thế nào để không ảnh hưởng đến công trình ngầm trên tuyến đường? Thứ 3 là dự kiến kinh phí thực hiện 20-30 tỷ đồng cho 180-200 m mái che dựa trên cơ sở định giá nào?

Trả lời Zing, bà Trương Quang Thục Trinh, Phó trưởng Phòng Quy hoạch khu vực 1, Sở QHKT TP.HCM, cho biết hệ thống mái che được đơn vị nghiên cứu dựa trên tổng thể chung để đồng bộ khu vực tiếp nối quảng trường chợ Bến Thành và đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, kết nối thành một dải phố đi bộ. Còn về hình thức thế nào thì Sở QHKT vẫn đang nghiên cứu, lấy ý kiến.

"Sau khi được phê duyệt chủ trương, Sở QHKT TP sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi và thực hiện theo thời gian, có sự phân kỳ thực hiện", bà Trinh nói.

mai che Le Loi anh 1

Giao lộ nối quảng trường chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Hàm Nghi (quận 1). Ảnh: Chí Hùng.

Về phương án cây xanh, bà Trinh cho hay công tác tái lập đường Lê Lợi hiện cơ bản hoàn thành, đơn vị triển khai là Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM.

Theo đó, việc chọn hình thức cây xanh sao cho phù hợp hạ tầng sẽ do đơn vị chủ quản đưa ra những nghiên cứu về chủng loại để phù hợp không gian ngầm nhà ga metro và công trình ngầm thương mại dịch vụ, khu trung tâm.

"Khái toán (ước lượng) Sở QHKT đưa ra ban đầu dựa trên cơ sở dễ thực hiện nhất để đáp ứng tiêu chí phù hợp điều kiện tự nhiên, cảnh quan cho thành phố", bà Trinh phản hồi.

Trước đó, Sở QHKT TP.HCM đánh giá hiện trạng đường Lê Lợi chưa thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như ngày trước. Do vậy, đơn vị đề xuất giải pháp lắp mái che để vừa che nắng, vừa che mưa và tạo tiện ích không gian đi bộ cho người dân, du khách. Kinh phí dự kiến 20-30 tỷ đồng.

Đơn vị nhận định đường Lê Lợi có tính chất trục đường thương mại, nơi dừng chân của du khách và là cầu nối của các công trình trọng điểm. Do đó, cần thiết phải có nghiên cứu xây dựng trục đường Lê Lợi trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại.

Mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4 m, hình thức mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới. Mái che sử dụng vật liệu khung sắt và mái tôn đóng trần bên ngoài nhằm tiết kiệm chi phí, dễ bố trí biển quảng cáo, đa dạng màu sắc.

Đường Lê Lợi - từ đoạn chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố, dài 950 m, nối liền ba khu vực trung tâm (chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát TP.HCM). Đây là một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh sầm uất nhất TP.HCM.

Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Từ 30/4/2021, các đoạn rào chắn trên đường Lê Lợi lần lượt được tháo dỡ.

Sau khi hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, hồi tháng 8/2022, UBND quận 1 đã đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên trục đường này nhằm thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Chủ tịch TP.HCM nói về đề xuất lắp mái che ở đường Lê Lợi

Ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ dựa nhiều luồng ý kiến góp ý từ nhà khoa học, người dân, cơ quan chuyên môn để chọn phương án tốt nhất.

TP.HCM có cần thiết lắp mái che vỉa hè ở đường Lê Lợi?

Việc lắp mái che dọc hành lang công cộng có nhiều lợi ích trước mắt trong lúc cần chờ ít nhất 10 năm nữa để hệ thống cây xanh trên đại lộ Lê Lợi tỏa bóng mát.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm