Đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, con đường sầm uất ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia.
Phương án này được một số kiến trúc sư quy hoạch ủng hộ vì lắp mái che có nhiều lợi ích trước mắt, trong lúc cần chờ ít nhất 10 năm nữa để hệ thống cây xanh mới tỏa bóng mát. Một số chuyên gia khác thì cho rằng vẫn cần cân nhắc về cách làm để hài hòa lợi ích chung và tránh lãng phí.
Là đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường, lãnh đạo UBND quận 1 nhìn nhận với phương án đưa ra, cần xem xét thêm các yếu tố kỹ thuật như thoát nước, thu nước mưa. Đồng thời, cơ quan chuyên môn phải tính toán được biện pháp duy tu, bảo trì sau 2-3 năm sử dụng.
Chưa đánh giá được hiệu quả từ phương án
Theo đề xuất, mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4 m, kết cấu khung sắt lợp tôn. Kinh phí cho toàn bộ công trình này dự kiến 20-30 tỷ đồng, dùng từ nguồn ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo UBND quận 1 cho biết đã có góp ý về phương án của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Các góp ý xoay quanh việc tính toán chi tiết phương án thiết kế mái che có kết cấu mái neo từ tường nhà hiện hữu, nhằm đảm bảo an toàn cho các dãy nhà. Lý do là những ngôi nhà trên đường Lê Lợi được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã hết niên hạn sử dụng.
Không nên bố trí mái che suốt chiều dài tuyến phố mà chỉ cần làm mái che tại các vị trí chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng rồi xen kẽ các mảng xanh
Lãnh đạo UBND quận 1
Ngoài ra, quận cho rằng thuyết minh của sở chưa có dữ liệu điều tra xã hội học để phân tích những tác động tích cực và tiêu cực đến cộng đồng dân cư xung quanh. Do đó, quận chưa có thêm cơ sở đánh giá hiệu quả cũng như ảnh hưởng cuộc sống người dân từ phương án.
“Về hình thức kiến trúc, cảnh quan khu vực, nhìn từ mặt tiền dãy phố, mái che là khối mái thẳng trải dọc tuyến phố, có hình thức đơn điệu”, lãnh đạo UBND quận 1 nhận xét.
Do đó, chính quyền địa phương đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có thêm các phương án kiến trúc hình thức uốn lượn mềm mại, hài hòa hơn.
Mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4 m, hình thức mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới với vật liệu khung sắt và mái tôn bên ngoài. Ảnh: Chí Hùng. |
“Không nên bố trí mái che suốt chiều dài tuyến phố, thay vào đó chỉ cần làm mái che tại các vị trí chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời rồi xen kẽ các mảng xanh tạo cảm giác dễ chịu cho người tham quan”, lãnh đạo quận 1 góp ý.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất thiết kế thêm mảng xanh có thể tách rời khỏi khu đất nhà dân, trồng cây xanh đường phố và sơn màu cho mặt tiền các căn nhà để làm mới bộ mặt tuyến phố.
Những việc này giúp tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, cải thiện môi trường sống, lọc sạch không khí, giảm nhiệt độ đường phố, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Mái che kết hợp dây leo khó kiểm soát vệ sinh
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đánh giá việc làm mái che kết hợp dây leo tạo mảng xanh sẽ được cân nhắc khi chủ trương được thông qua sơ bộ.
"Dây leo khó kiểm soát vệ sinh nên phải tính toán kỹ. Thiết kế chi tiết của mái che sẽ được tư vấn làm cụ thể sau khi thành phố đồng ý chủ trương và thu xếp được nguồn vốn phù hợp", ông Nhã nói.
Trục đường Lê Lợi nằm ở vị trí đắc địa khu trung tâm TP.HCM, tập trung đa dạng loại hình kinh doanh, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Chí Hùng. |
Vị lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thông tin thêm quanh ga trung tâm Bến Thành của metro số 1 hiện được quy hoạch không gian ngầm. Nếu bố trí diện tích trồng cây xanh lớn, rễ ăn sâu phía trên phải cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng công trình ngầm.
Sau khi tuyến metro giao mặt bằng, sở tính đến việc làm mái che vì để trồng cây xanh đủ lớn, tạo được bóng mát cho tuyến phải mất nhiều năm.
Ngoài phương án mái che, việc bố trí mảng xanh sẽ được các đơn vị khác phối hợp, chọn loại cây phù hợp, hài hoà với không gian để mang lại hiệu quả cao nhất về cảnh quan cho khu vực.
Đường Lê Lợi - từ đoạn chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố - dài 950 m, nối liền ba khu vực trung tâm (chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát TP.HCM). Đây là một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh sầm uất nhất TP.HCM.
Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Từ 30/4/2021, các đoạn rào chắn trên đường Lê Lợi lần lượt được tháo dỡ.
Sau khi hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, hồi tháng 8/2022, UBND quận 1 đã đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên trục đường này nhằm thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
Vị trí đường Lê Lợi (quận 1). Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.