Đường Lê Lợi - một trong những tuyến sầm uất nhất trung tâm TP.HCM vừa được đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè trong bối cảnh chưa thể có hệ thống cây xanh đủ lớn để che mát, thuận lợi cho người dân, du khách đi lại, mua sắm.
Phương án này được một số kiến trúc sư quy hoạch ủng hộ, song các chuyên gia cho rằng vẫn cần cân nhắc về cách làm để hài hòa lợi ích chung và tránh lãng phí.
Tạo tiện ích đô thị
Sau 7 năm trưng dụng mặt đường Lê Lợi để thi công ga ngầm metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chủ đầu tư đã tái lập nguyên trạng tuyến này, trả về cho thành phố. Tuy nhiên, ngoài tuyến đường thông thoáng, kiến trúc cảnh quan và các tiện ích cho hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách vẫn chưa được đáp ứng.
Mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4 m, hình thức mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới với vật liệu khung sắt và mái tôn bên ngoài. Kinh phí sơ bộ 20-30 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa.
Cần tối thiểu 10 năm để có hệ thống cây xanh tạo bóng mát cho đường phố và người đi bộ
TS. KTS Hoàng Ngọc Lan
Trao đổi với Zing, TS. KTS Hoàng Ngọc Lan, giảng viên Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM, có quan điểm đồng tình với hướng làm mái che ở không gian đi bộ trên đường Lê Lợi.
Theo bà Lan, thành phố cần tối thiểu 10 năm để trồng hệ thống cây xanh tạo bóng mát cho đường phố và người đi bộ. “Thời gian này, việc bố trí mái che sẽ phù hợp hơn vì vừa có thể tạo tiện ích cho người đi bộ trong thời gian chưa có cây xanh, vừa che mưa. Cách làm này hoàn toàn thích hợp với những nước có khí hậu như Việt Nam”, bà Lan nói.
Đường Lê Lợi hiện được cải tạo nhưng chưa có tiện ích, cảnh quan. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mặt khác, chuyên gia cho biết với điều kiện tự nhiên tương tự Việt Nam, tại đất nước có tỷ lệ phủ xanh lớn trên các đường phố như Singapore, từ năm 2018, chính quyền đã hoàn thành hơn 200 km lối đi có mái che đến các trạm metro, buýt nhằm tạo tiện ích cho người dân dễ dàng tiếp cận giao thông công cộng.
Như vậy, đặt trong bối cảnh đường Lê Lợi, mái che trước mắt sẽ hình thành nên tiện ích cho người đi bộ, đặc biệt là các tuyến đi bộ kết nối các trạm giao thông công cộng như xe buýt, metro. Về lâu dài, các tiện ích này sẽ tác động đến thói quen đi bộ và sử dụng giao thông công cộng của người dân. Từ đó, kỳ vọng của thành phố về việc giảm lượng xe cá nhân và cải thiện tình trạng ô nhiễm do khí thải trên địa bàn cũng có chuyển biến tích cực.
Phương án lâu dài
Là thành viên đơn vị tham gia ý tưởng thiết kế đô thị về không gian cảnh quan công cộng cho khu vực quảng trường trước chợ Bến Thành và trục đường Lê Lợi, KTS Lê Tấn Đạt (Công ty Kiến Trúc Quy Hoạch Công Trình RSP) nhìn nhận việc làm hành lang có mái che (covered walkway) kết nối con người và công trình công cộng với nhau là ý tưởng không mới. Tuy nhiên, hướng làm này rất cần thiết và hiệu quả đối với các đô thị lớn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa như TP.HCM.
“Hiện nay, người dân đặc biệt có xu hướng yêu thích các không gian semi-outdoor. Các ý tưởng chủ đề cho các dãy phố như ‘hành lang văn hóa’, ‘hành lang mua sắm’, ‘đường sách'… sẽ dễ thực hiện và năng suất hoạt động tốt hơn vì không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết”, KTS Lê Tấn Đạt nói.
Trục Lê Lợi nằm ở vị trí đắc địa khu trung tâm TP.HCM, tập trung đa dạng loại hình kinh doanh phục vụ du lịch ăn uống, mua sắm thời trang, lưu niệm, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Chí Hùng. |
Đối với trục đường Lê Lợi, việc kết nối các không gian ngầm giữa 2 nhà ga metro Nhà hát TP.HCM - Công viên 23/9 và các trung tâm thương mại với nhau xuyên suốt rất quan trọng. Do đó, KTS Lê Tấn Đạt cho rằng việc lắp mái che thuận lợi cho người đi bộ cũng chính là tăng tính tiện nghi cho các kết nối tương tự trên mặt đất.
“Song, việc chọn hình thức mái che, vật liệu, cây xanh cũng nên được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng để đạt mục đích hài hòa lợi ích chung và không gây lãng phí. Đó là các yếu tố tiên quyết luôn được cân nhắc bởi các nhà thiết kế”, KTS Đạt cho hay.
Việc chọn hình thức mái che, vật liệu, cây xanh nên được nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích chung và không gây lãng phí
KTS Lê Tấn Đạt
Ở các thành phố khác, như Paris (Pháp) mỗi năm, nơi này thu về hơn 30 triệu euro đóng góp từ việc cho các cơ sở kinh doanh thuê vỉa hè. Các quán cà phê có thể được lắp ráp cố định, hoặc không cố định, có che chắn để phục vụ người dân, du khách.
Như vậy, với TP.HCM, nếu nhìn rộng hơn, thành phố có nên cân nhắc việc lắp mái che tạo không gian công cộng cho người dân, sau đó cho thu phí vỉa hè để tạo kinh phí bảo trì, có thêm nguồn thu cho ngân sách?
Đại lộ Lê Lợi (quận 1) đã được hoàn trả mặt bằng và tái lập. Ảnh: Chí Hùng. |
Với quan điểm này, KTS Lê Tấn Đạt cho rằng thành phố có thể cân nhắc; tuy nhiên, chỉ nên đánh thuế cho hộ kinh doanh hoặc cá nhân nào có nhu cầu thuê vỉa hè để hoạt động buôn bán. Nên có quy hoạch các đoạn hành lang cần trả phí cho phù hợp để cho các hoạt động kinh doanh được phát triển công bằng và đồng đều. “Nếu không, chúng ta vẫn ưu tiên không gian chung cho người đi bộ và các hoạt động đường phố”, KTS Lê Tấn Đạt góp ý.
Có quan điểm khác, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia Quy hoạch đô thị, cho rằng phương án lắp mái che với khung sắt, lợp tôn có thể che nắng nhưng không tạo được sự thoáng đãng.
Làm mái che không đồng nghĩa với việc không cần trồng cây xanh
TS. KTS Hoàng Ngọc Lan
Ngoài ra, TS Nguyên cho rằng phương án làm mái che vỉa hè, tạo điều kiện kinh doanh sẽ đi ngược với chủ trương thành phố hướng tới.
Trong khi đó, ông khuyến khích hướng trồng sớm cây xanh để có bóng mát, cải thiện môi trường bền vững. "Trồng cây xanh vẫn là phương án lâu dài hơn", TS Nguyên nói.
Theo chuyên gia nhận định, việc lắp mái che về dài hạn dễ xuống cấp, hư hỏng, tốn kém chi phí bảo trì. "Ở Singapore cũng làm mái che, nhưng họ làm trên đường đi bộ vào metro cho khách bộ hành. Còn chúng ta làm trên vỉa hè, cảnh quan không đẹp hơn mà có phần cứng nhắc", TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Còn theo TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, việc làm mái che không đồng nghĩa với việc không cần trồng cây xanh. Nữ chuyên gia cho rằng mái che được xem là giải pháp cần thiết trước mắt để tạo tiện ích cho người đi bộ, trong lúc chờ hệ thống cây xanh lớn lên để tạo cảnh quan và bóng mát cho khu trung tâm đô thị.
Đường Lê Lợi - từ đoạn chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố, dài 950 m, nối liền ba khu vực trung tâm (chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát TP.HCM). Đây là một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh sầm uất nhất TP.HCM.
Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Từ 30/4/2021, các đoạn rào chắn trên đường Lê Lợi lần lượt được tháo dỡ.
Sau khi hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, hồi tháng 8/2022, UBND quận 1 đã đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên trục đường này nhằm thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.