Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận của China Evergrande và tỷ phú Hứa Gia Ấn thay đổi như thế nào

Nhà sáng lập China Evergrande từng là doanh nhân giàu nhất Trung Quốc. Giờ, ông đứng trước nguy cơ mất tất cả.

Theo Nikkei Asian Review, trong vòng chưa đầy 25 năm, tỷ phú Hứa Gia Ấn đã xây dựng China Evergrande thành một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Ông Hứa giữ hơn 70% cổ phần tại China Evergrande và nắm toàn quyền chỉ huy hoạt động của tập đoàn. Tuy nhiên, gã khổng lồ bất động sản đang chìm trong hố nợ 312 tỷ USD và đứng trên bờ vực vỡ nợ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam, ông Hứa đã tận dụng các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc để trở thành doanh nhân giàu nhất đất nước.

Nhưng giờ, ông Hứa có thể trắng tay. China Evergrande đã thoát khỏi một vụ vỡ nợ vào phút chót. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tiền mặt của tập đoàn vẫn chưa dừng lại.

Tap doan China Evergrande anh 1

Nhà sáng lập China Evergrande đã tận dụng các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc để trở thành doanh nhân giàu nhất đất nước. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc một thời

Ông Hứa đã đóng góp nhiều cho quê hương. Ông xây dựng các trường tiểu học và trung học, sửa chữa lại toàn bộ đường sá trong làng Jutaigang (tỉnh Hồ Nam), quê hương của mình. Theo một quan chức, năm 2018, ông Hứa phát gần 470 USD, gạo và dầu ăn cho tất cả hộ gia đình trong làng.

Theo một cuốn sách, khi còn nhỏ, ông Hứa phải ăn bánh màn thầu làm từ ngô và ngũ cốc rẻ tiền. Ông thậm chí còn ăn màn thầu mốc. Nhà sáng lập China Evergrande ngủ trên một chiếc giường tre, bàn học làm từ đất sét.

Mẹ ông Hứa qua đời không lâu sau khi sinh ông. Ông thường giúp bà và bố mình bán hàng.

Tại trường học, ông Hứa là một học sinh trầm tính nhưng luôn có kết quả học tập tốt. "Khác với chúng tôi, cậu ấy có thể đỗ vào đại học", một người bạn cũ của ông kể lại.

China Evergrande đã làm tăng giá nhà. Nhà ở đây hiện có giá từ 3.000-6.000 NDT/m2. Người bình thường không thể mua được nhà

Một đồng hương giấu tên của ông Hứa Gia Ấn

Ông Hứa đã theo học Học viện Gang thép Vũ Hán, sau này là Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán. Ra trường, ông vào làm kỹ sư tại Wuyang Iron & Steel, nay là Wuhan University of Science and Technology - một tập đoàn nhà nước ở tỉnh Hồ Nam.

Năm 1992, trong chuyến thăm tới Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình kêu gọi đẩy nhanh chính sách "cải cách và mở cửa". Vốn đã cảm nhận hơi thở tự do của nền kinh tế khi còn học đại học, ông quyết định rời bỏ tập đoàn quốc doanh, bước khỏi vùng an toàn và bắt đầu tìm kiếm công việc mới.

Năm 1996, ông Hứa thành lập China Evergrande chỉ với vỏn vẹn 8 nhân viên.

Dự án đầu tiên mà ông Hứa phát triển là tái thiết khu đất rộng 110.000 m2 tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Bị bao quanh bởi nhiều nhà máy, khu vực này vốn không phải địa điểm lý tưởng để xây dựng khu dân cư.

Tuy nhiên, điều kiện để sở hữu khu đất rất hấp dẫn. Bên bán đã đồng ý cho ông Hứa trả góp.

Đó là thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997. Tuy nhiên, ông Hứa đã nhanh chóng thu được tiền từ khách mua nhà.

Dự án đã mang về cho ông Hứa một nguồn doanh thu lớn, giúp tập đoàn phát triển thần tốc. Sau này, China Evergrande xây dựng và bán các dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc.

Khủng hoảng nối khủng hoảng

China Evergrande niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2009. Từ quý I đến quý III/2010, tập đoàn là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Hai năm sau đó, tập đoàn mở rộng sang lĩnh vực xe năng lượng mới.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Bởi ông cũng từng là một đứa trẻ nông thôn mơ về cuộc sống thành thị.

Ông Hứa vay tiền để xây dựng với chi phí thấp, bán các căn hộ chưa hoàn thành và sử dụng dòng doanh thu cao đầu tư lại vào tập đoàn.

Để thúc đẩy sự phát triển của China Evergrande, ông Hứa thường vay 2 lần trên mỗi dự án mà ông phát triển. Trước tiên, ông vay từ các ngân hàng. Sau đó, ông vay của khách mua nhà. Nhiều người mua nhà thậm chí trả trước 100%.

Khi China Evergrande và các đối thủ cạnh tranh tích cực mở rộng, bất động sản đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. China Evergrande xây dựng hơn 1.000 dự án ở hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm.

Tap doan China Evergrande anh 2

China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn từng là tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Ảnh: CNN.

Mùa hè năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố "ba lằn ranh đỏ" - những quy tắc thay đổi số phận của China Evergrande và ông Hứa. Các nhà băng được yêu cầu hạn chế cho vay đối với bất cứ tập đoàn địa ốc nào vượt qua một trong những "lằn ranh đỏ".

China Evergrande vừa thoát khỏi một vụ vỡ nợ nhờ việc trả lãi trái phiếu bằng USD vào phút chót. Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande sẽ không sớm được cải thiện.

China Evergrande sẽ phải trả 573 triệu USD lãi suất trái phiếu trong năm nay và 7,7 tỷ USD trái phiếu vào năm tới.

Điều đáng ngạc nhiên là nhiều người ở làng Jutaigang, quê hương của ông Hứa, dành cho ông cái nhìn không mấy thiện cảm.

"China Evergrande đã làm tăng giá nhà", một người đàn ông chỉ trích. "Nhà ở đây hiện có giá từ 3.000-6.000 NDT/m2. Người bình thường không thể mua được nhà", ông nói thêm.

Một số cư dân cũng chỉ trích lối sống xa hoa của các thành viên gia đình ông Hứa.

Khủng hoảng nối khủng hoảng đe dọa kinh tế Trung Quốc

Các doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao và tiêu dùng lao dốc. Lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất điện đang giảm mạnh.

Trung Quốc gấp rút tìm cách giải quyết tình trạng thiếu điện

Giới quan sát cảnh báo Trung Quốc sẽ chứng kiến tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Nhưng các biện pháp của Bắc Kinh vẫn bị cho là chưa đủ quyết liệt.

Dong USD cao nhat 13 thang hinh anh

Đồng USD cao nhất 13 tháng

0

Chỉ số USD-Index vừa chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong nước, giá giao dịch đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch trần cho phép.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm