Máy bay không người lái lao vun vút qua những con đường ùn tắc ở Ordos (khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc). Các nhân viên cảnh sát quản lý hàng trăm xe tải đang chờ bốc than. Nhiều xe đã chờ đợi nhiều ngày.
Tình trạng tắc nghẽn khiến cả thành phố gián đoạn. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang chạy đua để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đã kìm hãm những ngành công nghiệp chủ chốt và đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu.
Trong vòng hơn một tháng, tình trạng thiếu hụt năng lượng đã lan tràn khắp các trung tâm sản xuất thép, nhôm và xi măng của Trung Quốc. Giá than - được dùng để sản xuất gần 2/3 sản lượng điện trong nước - tăng chóng mặt.
Trung Quốc đang chạy đua để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Ảnh: Financial Times. |
Triển vọng u ám
Đáng nói, nhu cầu sẽ tăng cao khi mùa đông tới gần. Các nhà chức trách đang tìm cách can thiệp, bao gồm cho hoạt động trở lại những mỏ than cũ, loại bỏ các quy tắc nhằm kiểm soát giá điện và cân nhắc tăng nhập khẩu nhiên liệu nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các công ty khai thác than thúc đẩy sản lượng, cung cấp 12 triệu tấn nhiên liệu/ngày trong 3 tháng cuối năm. Thế nhưng, dường như những biện pháp này vẫn chưa đủ quyết liệt.
"Đến mùa đông, Trung Quốc có thể chứng kiến tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất kể từ năm 2010", nhà phân tích Tracy Liao của Citigroup cảnh báo.
"Điều này sẽ làm tăng rủi ro đình lạm (nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao), áp lực tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu trong mùa đông tới, kéo giá năng lượng lên cao, thúc đẩy cắt giảm quy mô lớn trong các lĩnh vực hàng hóa hạ nguồn", bà cảnh báo.
Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh gặp khó trong việc khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng, kiểm soát giá và giữ các mục tiêu khí hậu dài hạn không chệch hướng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong một báo cáo hôm 20/10, hãng xe điện Tesla Inc. cho biết tình trạng mất điện kéo dài đã giáng thêm vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà sản xuất ôtô đang nâng sản lượng tại nhà máy ở Thượng Hải - thành phố không bị cúp điện trực tiếp.
Tại Nội Mông, 70 mỏ than đã được cấp phép mở rộng trong tháng này. Các nhà chức trách yêu cầu phải hoàn thành công việc trước tháng 11. Những công việc thường mất đến hàng tháng giờ được rút ngắn lại còn vài tuần.
Một số nhà quản lý cảnh báo rằng việc gấp rút thúc đẩy sản xuất có thể phải trả giá bằng tính mạng. Hồi đầu năm, một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung là các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn sau hàng loạt trường hợp tử vong tại mỏ khai thác.
Ngay cả quá trình mở rộng cũng gặp khó khăn. Việc mở các khu vực mới dưới mặt đất cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, những bước cần thiết như lắp thêm hệ thống cáp cung cấp điện cũng tốn thời gian.
Vấn đề nan giải
"Chúng ta có thể gặp rủi ro khi gấp rút đạt mục tiêu trước mùa đông cao điểm", nhà phân tích Marius van Straaten tại Morgan Stanley bình luận. "Chúng tôi không tin rằng tình trạng thiếu than của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong những tháng mùa đông", ông nói thêm.
Hơn 20 khu vực - chiếm khoảng 2/3 GDP của Trung Quốc - đã áp đặt các biện pháp hạn chế nguồn cung điện trong những tuần gần đây.
Sản lượng than cần tăng nhanh hơn để theo kịp nhu cầu. Giới chuyên gia ước tính khoảng cách cung - cầu than ở Trung Quốc trong cả năm sẽ vào khoảng 350-400 triệu tấn.
Nhập khẩu than từ Indonesia đang gia tăng. Một số quan chức đã đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than Australia. Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã trở nên xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, dẫn đến các hạn chế mới đối với thương mại hàng hóa.
Chúng tôi không tin rằng tình trạng thiếu than của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong những tháng mùa đông
Nhà phân tích Marius van Straaten tại Morgan Stanley
Tuy nhiên, than nhập khẩu cũng chỉ chiếm một phần nhỏ nhu cầu tại Trung Quốc. Năm ngoái, tổng lượng than nhập khẩu đạt 304 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng của địa phương khoảng 3,8 tỷ tấn.
Giới quan sát cho rằng điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải duy trì các hạn chế đối với những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Theo UBS Group AG, sản lượng của các ngành như thép và xi măng có thể giảm 30% vào cuối năm nay.
Giá điện leo thang cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp nặng và làm gia tăng áp lực lạm phát đối với những nhà máy trong nước. Trong khi đó, vẫn chưa rõ chính quyền Bắc Kinh sẽ cho phép tăng trưởng chậm lại trong bao lâu.
Giá than tương lai đã bắt đầu giảm sau khi tăng vọt từ mức 131 USD/tấn hồi đầu tháng 9 lên hơn 300 USD/tấn vào đầu tuần này. Tuy nhiên, giá hàng hóa thực tế vẫn ở mức cao kỷ lục. Giới chuyên gia nhận định giá khó có thể lao dốc một khi tình trạng khan hiếm vẫn tiếp diễn.
Nỗ lực kiểm soát giá than tại một số tỉnh cũng không có nhiều tác dụng. Kết cục của cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc giờ nằm trong tay những người thợ mỏ đang chạy đua với thời gian để đào thêm than.
Những chiếc xe tải đang xếp hàng dài tại các mỏ ở Nội Mông. Nhưng trong những căn hộ và văn phòng, hệ thống sưởi vẫn được bật sớm hơn dự kiến vài ngày. Bởi tuyết đã bắt đầu rơi xuống vùng đất được mệnh danh là nơi lạnh nhất Trung Quốc.